Sign In

Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo chinh phục thị trường toàn cầu

16:24 18/03/2024
(MPI) - Phát biểu tại Họp báo công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, tiếp nối thành công năm 2023, Chủ đề của “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam” năm 2024 là “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo chinh phục thị trường toàn cầu”; bám sát vào bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam.

Họp báo công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: MPI

Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam là chương trình nhằm hiện thực hóa tầm nhìn sáng kiến đổi mới sáng tạo Việt Nam và Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Tập đoàn Meta đồng tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các tổ chức/cá nhân trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững; thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh.

Họp báo công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 được diễn ra vào chiều ngày 18/3/2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của ông Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta; Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ông Phùng Việt Thắng - Giám đốc Quốc gia Intel Việt Nam; Ông Seow Choo Han -  Giám đốc kinh doanh Đông Nam Á Tập đoàn Cadence Design Systems; TS. Vũ Duy Thức - Đồng sáng lập, New Turing Institute & VietAI cùng các tổ chức trong nước, quốc tế, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cùng đông đảo phóng viên đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.

 
 Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Họp báo công bố Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới và với Việt Nam cũng vậy. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh đến việc dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới; song song với đó là Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số định hướng đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhấn mạnh đến việc thu hút các dự án công nghệ cao, công mới có giá trị gia tăng cao.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu về phát triển kinh tế - xã hội, đã triển khai nhiều giải pháp, hành động thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ cũng đã chú trọng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thu hút các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Sự phát triển của công nghệ ngày càng diễn ra với tốc độ nhanh chóng, do vậy, để thúc đẩy được các công nghệ chúng ta phải chủ động thu hút các dự án đầu tư, dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chủ động làm chủ một số công nghệ, công nghệ lõi trong thời gian tới. Để làm được điều này thì hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng để đạt các mục tiêu đề ra.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, ngành công nghiệp bán dẫn đang được nhiều quốc gia quan tâm, kể cả các quốc gia phát triển và đang phát triển tăng cường thúc đẩy phát triển ngành này. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.

Để nắm bắt được cơ hội đó, Việt Nam đã và đang tập trung nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có những cơ chế ưu đãi đặc biệt; hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: hạ tầng cảng biển, sân bay, hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp công nghệ cao.

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao chủ trì hoàn thiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030. Theo đó, Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan xác định số lượng kỹ sư cụ thể đối với từng lĩnh vực; sự tham gia của các trường đại học, các tập đoàn để huy động nguồn lực thực hiện; phù hợp với chiến lược phát triển và phát huy được lợi thế nguồn nhân lực của Việt Nam.

Việt Nam cũng có những tiềm năng, lợi thế trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, như thu hút nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện, là nền tảng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Một số tập đoàn trong lĩnh vực này đã xuất hiện với các dự án có quy mô lớn.

Cùng với ngành bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự phát triển của AI không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà thực sự sẽ thay đổi cơ bản cách con người nghiên cứu, làm việc, sáng tạo nội dung và được dự đoán sẽ đóng góp hàng nghìn tỷ đô la vào kinh tế toàn cầu hàng năm theo Báo cáo của McKinsey 2023. Trong làn sóng phát triển của công nghệ AI, Việt Nam cũng đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI.

Hình ảnh tại Họp báo. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ, trong đó ghi nhận năm 2022, Việt Nam đứng thứ 55 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số sẵn sàng về AI, tăng 7 bậc so với 2021, theo báo cáo của Oxford Insights. Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp đạt những thành tích đáng kể trong nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo như FPT, Viettel AI, VNPT AI, VIN AI… Điều này càng chứng tỏ năng lực và vị thế của kỹ sư, chuyên gia Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ AI.

Năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với Tập đoàn Meta tổ chức chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam và đạt được kết quả tích cực, gây được tiếng vang khi tiếp nhận hơn 758 tổng số hồ sơ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, 4,5 triệu lượt tiếp cận và tương tác trên mạng xã hội, quy tụ 50 chuyên gia đồng hành, 40 đối tác trong và ngoài nước. Những con số này đã cho thấy sức hút mạnh mẽ của Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam, một chương trình khơi nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp Việt và cộng đồng đổi mới sáng tạo.

Trong Thông cáo báo chí được Nhà Trắng phát hành vào tháng 9/2023 nhân chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 đã được nhắc tới là một chương trình thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đem lại những giá trị thiết thực cho xã hội.

Tiếp nối thành công năm 2023, Chủ đề của “Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam” năm 2024 là “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo chinh phục thị trường toàn cầu”. Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 bám sát vào bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam. Chương trình không chỉ cho thấy tầm nhìn và sự ủng hộ rất lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thúc đẩy hai lĩnh vực tiềm năng này mà còn góp phần hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược Chính phủ đặt ra, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Ông Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta. Ảnh: MPI

Ông Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Meta cho biết, Meta tự hào là đối tác tin cậy của Việt Nam; vinh dự được phát động Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 nhằm cùng nhau phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Chương trình năm 2023 đã thu hút đông đảo sự tham gia của các cá nhân và doanh nghiệp không chỉ từ Việt Nam mà còn từ các quốc gia, vùng lãnh thổ nổi tiếng với hệ sinh thái đổi mới sôi động như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Philippines,…

Ông Rafael Frankel cũng nhấn mạnh đến tiềm năng của Việt Nam để trở thành điểm đến trong lĩnh vực Al bởi sự quyết tâm, tinh thần khởi nghiệp cũng như các chính sách ngày càng cởi mở của Việt Nam. Đồng thời khẳng định, Meta sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và tin tưởng ngày càng có nhiều công ty công nghệ toàn cầu muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và các quan chức cấp cao khác đã đến thăm Thung lũng Silicon và trải nghiệm các công nghệ mới nhất tại Meta. “Với Thử thách Đổi mới Sáng tạo Việt Nam năm 2024, chúng tôi mong muốn tạo ra một sân chơi trí tuệ nhằm thúc đẩy các ý tưởng và tận dụng các cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Sáng kiến này sẽ góp phần tăng cường tính hội nhập của lĩnh vực công nghệ của Việt Nam trong nền kinh tế số toàn cầu”, ông Rafael Frankel nhấn mạnh.

Tại họp báo, đại diện Ban Tổ chức, các chuyên gia đồng hành đã giải đáp, chia sẻ ý kiến chuyên sâu, đưa ra các quan điểm, nhận định mới về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, giúp các phóng viên có góc nhìn đa chiều, đúng đắn và khách quan, từ đó nâng cao nhận thức và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo tới cộng đồng.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu. Ảnh: MPI

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, Chương trình năm nay diễn ra với 02 chủ đề trụ cột. Thứ nhất là, tìm kiếm và vinh danh các giải pháp nâng cao chất lượng công đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm thử trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn, với ưu tiên ứng dụng phục vụ lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Thứ hai là, tìm kiếm và vinh danh các giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ cho xây dựng, phát triển doanh nghiệp, gia tăng năng suất công việc, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 hướng đến thúc đẩy tư duy hợp tác, thu hút nguồn lực, xây dựng nền tảng hợp tác đa phương để thiết lập bệ phóng cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thông qua việc tìm kiếm và vinh danh các giải pháp, chương trình sẽ đóng góp vào mục tiêu chung lan tỏa nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, khuyến nghị và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các giải pháp phục vụ nâng cấp cải tiến vận hành doanh nghiệp, cải thiện hiệu suất, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường thế giới.

Về cấu trúc, Chương trình năm 2024 bao gồm 03 nhóm. Một là, nhóm Doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo: Các doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo với các giải pháp tích hợp, đã được thị trường kiểm chứng và sẵn sàng triển khai ở quy mô lớn.

Hai là, nhóm Doanh nghiệp SMEs đổi mới sáng tạo: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo đã có các sản phẩm, dịch vụ thực tế về công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đã triển khai thực tế trên thị trường và đã có doanh thu.

Ba là, nhóm Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Startups): Các dự án đổi mới sáng tạo và công ty khởi nghiệp đang có các ý tưởng; đề xuất; mô hình tiếp cận mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị chung ngành bán dẫn & trí tuệ nhân tạo. Các Trường/Viện đào tạo nghiên cứu, đã và đang hoạt động trong ngành vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 sẽ kéo dài tới tháng 10 năm 2024 với các mốc thời gian quan trọng. Theo đó, tháng 3 - tháng 7/2024: Các buổi thông tin trao đổi tư vấn cho các đơn vị quan tâm; 15/8/2024: Hạn chót nộp hồ sơ; Tháng 8/2024: Vòng sơ loại xét duyệt hồ sơ; Tháng 9 - tháng 10/2024: Các vòng đánh giá và phỏng vấn trực tiếp; Tháng 10/2024: Lễ vinh danh Giải pháp đổi mới sáng tạo 2024.

Các cá nhân, đơn vị có giải pháp xuất sắc được lựa chọn sẽ có cơ hội giới thiệu giải pháp và hợp tác với các tập đoàn; nhận được cam kết đầu tư đến từ các quỹ đầu tư, các tập đoàn đầu ngành trong nước và quốc tế; được kết nối, gia nhập hệ sinh thái của NIC và Meta cùng các gói hỗ trợ, nâng cao năng lực, cơ hội xúc tiến thương mại và nhiều giải thưởng khác.

Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 là một chương trình có ý nghĩa lớn cho hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo nói riêng, và cho môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung. Với tinh thần đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn Meta luôn ủng hộ và đồng hành với các chủ thể của hệ sinh thái trên hành trình đổi mới sáng tạo, thông qua Chương trình để biến các nguồn lực thành các cơ hội, lan tỏa lợi ích tới doanh nghiệp và cộng đồng./.

Tag:

File đính kèm