Sign In

Nghề ngân hàng trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo

11:02 04/05/2024
Ngày 03/5/2024 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nghề ngân hàng trong bối cảnh Trí tuệ nhân tạo”. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng dự và phát biểu tại Hội thảo.


Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số ngành Ngân hàng cho rằng, thế giới ngày nay đang trong thời kỳ chuyển đổi sâu sắc được thúc đẩy bởi nhiều công nghệ chủ chốt và đổi mới sáng tạo gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, nổi bật nhất chính là Trí tuệ nhân tạo (AI) - một công nghệ đột phá đang tác động sâu rộng tới nhiều ngành, lĩnh vực, các mặt của cuộc sống, công việc, có tiềm năng tái định hình ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên số, đưa công cuộc chuyển đổi số của ngành Ngân hàng lên tầm cao mới.

image

Các đại biểu dự Hội thảo

 

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo năm 2021 với quan điểm tập trung nguồn lực để tạo ra và phát triển các sản phẩm AI, dịch vụ AI quan trọng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, ngành Ngân hàng có nhiệm vụ "Thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực ngân hàng: Phân tích, dự đoán nhu cầu vay vốn, đối tượng vay vốn, hỗ trợ hoạt động cấp tín dụng; phát hiện các hành vi gian lận; cá nhân hóa các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tức thời cho khách hàng thông qua các trợ lý ảo và chatbot".

Phó Thống đốc cho rằng, trước bối cảnh và yêu cầu trên, để có thể triển khai hiệu quả các định hướng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, điều quan trọng trước tiên là phải hiểu rõ, nhận thức đúng và có những đánh giá bước đầu về những cơ hội, rủi ro và tác động của công nghệ này mang lại đối với các cơ quan quản lý như NHNN, các TCTD và người lao động ngành Ngân hàng để có những ứng xử, hành động phù hợp.

Phó Thống đốc hy vọng, các đại biểu dự Hội thảo tích cực trao đổi, chia sẻ, thông tin để làm rõ các tác động, cơ hội, rủi ro của trí tuệ nhân tạo đối với hoạt động của Ngân hàng Trung ương và người lao động trong Ngành. Trên cơ sở đó xác định được các giải pháp để hạn chế rủi ro, tác động tiêu cực và phát huy thế mạnh của AI, trong đó đặc biệt chú trọng đến giải pháp về đào tạo, đào tạo lại kiến thức, kỹ năng số cho công đoàn viên, người lao động để thích ứng, làm việc hiệu quả trong môi trường làm việc AI ngày càng hiện diện rõ nét hơn. Đồng thời, Hội thảo này sẽ là tiền đề để các cán bộ công đoàn viên có thêm nhiều ý tưởng mới, sáng kiến hay để cải tiến, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời tăng cường chất lượng công tác tham mưu, đề xuất cho Ban lãnh đạo NHNN.

image

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán trình bày nội dung tổng quan tại Hội thảo

 

Giới thiệu tổng quan về nghề Ngân hàng trong bối cảnh Trí tuệ nhân tạo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, hiện đang có hai loại kỹ thuật trí tuệ nhân tạo khác nhau là AI dự đoán (predictive AI) được ứng dụng vào các dạng nghiệp vụ như phân loại rủi ro, sàng lọc dữ liệu… Loại còn lại AI tạo sinh (Gen AI) hiện đại hơn, mới xuất hiện và được chú ý từ vào năm 2023, thường được các ngân hàng sử dụng trong các công việc phát triển phần mềm, giải pháp.

Việc tích hợp, ứng dụng các công cụ AI (đặc biệt là Gen AI) ngày càng sâu rộng trong ngành ngân hàng. Từ hàng chục năm nay, các quy trình nghiệp vụ và hoạt động nội bộ tại các ngân hàng đã và đang được áp dụng các thuật toán học máy để xử lý. Bằng cách ứng dụng kết hợp giữa AI dự đoán Gen AI cùng với kiến thức chuyên môn của con người, các TCTD có thể đạt được hiệu quả tăng cường hơn nữa trong các quy trình nội bộ - lớn hơn rất nhiều so với tác động đơn lẻ của AI dự đoán và Gen AI. Tuy nhiên, thực tế ứng dụng Gen AI vẫn chưa cao, hiện các Ngân hàng chủ yếu ứng dụng AI truyên thống cho các ứng dụng rủi ro thấp.

Ông Lê Anh Dũng khẳng định tiềm năng, cơ hội và tác động của Gen AI đến ngành Ngân hàng và môi trường công việc trong tương lai sẽ rất lớn. Tác động lớn của AI đặt ra vấn đề cần thiết phải đào tạo, đào tạo lại kiến thức, kỹ năng số nói chung và về AI nói riêng. Việc đào tạo cần bắt đầu từ cấp lãnh đạo/thủ trưởng đơn vị cho đến từng cán bộ công đoàn viên. AI, đặc biệt là Gen AI đang và sẽ tác động tới hầu hết các mặt hoạt động ngân hàng. Tương lai và cơ hội của ngành Ngân hàng là làm việc kết hợp với AI, trong đó con người giữ vị trí trung tâm trong mọi mặt triển khai AI từ thiết kế, thực thi, quản lý, giám sát.

Cũng tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Trung Anh - Bí thư Chi đoàn Vụ Thanh toán đã trình bày các ứng dụng của Gen AI trong công việc, nâng cao năng suất lao động, đặc biệt các sản phẩm AI hiện đang miễn phí có thể giúp các nhân sự tiết kiệm được nhiều thời gian trong các công việc, nghiệp vụ cơ bản. Tuy nhiên, đại diện Vụ Thanh toán cũng lưu ý cần phải biết phân biệt, kiểm duyệt và chọn lọc các thông tin mà AI đưa ra.

image

Đại diện các đơn vị tham gia phiên đối thoại tại Hội thảo

 

Tại phiên đối thoại của Hội thảo, các đại biểu đã làm rõ tầm quan trọng của AI, ứng dụng AI vào trong hoạt động chuyên môn cũng như sự cần thiết đối với cán bộ ngành Ngân hàng phải nâng cao kiến thức về AI trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng xu hướng phát triển của công nghệ tài chính toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin NHNN, những năm gần đây, các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng, đặc biệt là các TCTD không ngừng ứng dụng công nghệ mới như Big Data, ML, RPA,.. nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro và gia tăng trải nghiệm khách hàng và trong thời gian tới Gen AI được kỳ vọng sẽ đưa ứng dụng AI lên một tầm cao mới vào hoạt động ngân hàng.

Ông Cao Văn Bình - Chủ tịch Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) chia sẻ, CIC là đơn vị thu thập, xử lý và phân tích thông tin, dữ liệu rất lớn của ngành Ngân hàng phục vụ cho đánh giá, xếp hạng tín nhiệm các khách hàng của TCTD. Trong đó, gần 1.400 đơn vị cung cấp dữ liệu, bao gồm tất cả các TCTD, công ty tài chính, NHTM, các QTDND và các tổ chức tự nguyện. CIC cũng được đánh giá là đơn vị chuyển đổi số khi hầu hết các quy trình nghiệp vụ, xử lý công việc hàng ngày đều thực hiện trên môi trường số. Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ AI tại CIC vẫn còn hạn chế. Trong thời gian tới CIC tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự án ứng dụng công nghệ AI trong một số quy trình nghiệp vụ.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho rằng, AI mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích trong mọi hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt nâng cao hiệu suất của người lao động. Theo đó người lao động nói chung và người lao động ở NHTW nói riêng cần phải nâng cao kiến thức sử dụng công cụ về AI giúp cho việc thực hiện công việc chuyên môn ngày càng hiệu quả hơn.

CKH

Tag:

File đính kèm