Sign In

Nam Định: Bước chuyển mình từ nông nghiệp sang công nghiệp

11:03 03/05/2024
Với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Nam Định vui”, “Thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh”. Đây cũng là một bước chuyển mình từ một tỉnh thuần nông trở thành địa chỉ vàng thu hút FDI.Bước chuyển “ngoạn mục”

Lượt xem: 12

Các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao chứng nhận đăng ký đầu tư vào KCN Dệt may Rạng Đông, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024.

Ảnh: Viết Dư

Nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ tỉnh Nam Định tập trung sự lãnh đạo, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Nam Định đang chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp sang tỉnh công nghiệp với tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt hơn 10%, quy mô công nghiệp lớn gấp hai lần so với năm 2020. Nam Định phấn đấu sớm trở thành tỉnh công nghiệp phát triển bền vững.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Thời gian qua tỉnh đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư tỉnh đã đẩy mạnh đi xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, kêu gọi có chọn lọc. Sự cầu thị, đổi mới trong tư duy này của tỉnh nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức.

Theo tỉnh Nam Định: Từ năm 2021 đến nay, Nam Định là điểm đến của gần 200 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 110.000 tỷ đồng và trên 1 tỷ USD, vượt xa mục tiêu về tổng số vốn thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025.

Có thể kể đến những dự án lớn như: Tổ hợp dự án của Tập đoàn Xuân Thiện, với tổng mức đầu tư là 98.900 tỷ đồng; Dự án sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính của Tập đoàn Quanta, với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Dự án sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao của Tập đoàn JiaWei (Đài Loan, Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; Dự án của Tập đoàn Toray (Nhật Bản) có tổng mức đầu tư 208 triệu USD; Dự án sản xuất sợi, vải dệt của Công ty SANBANG (Singapore), với tổng mức đầu tư gần 30 triệu USD; Dự án dệt nhuộm công nghệ cao của Công ty TNHH Top Textiles (Nhật Bản), với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD…

Theo ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh Nam Định: Đây là các dự án lớn có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường đầu tư, và thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Theo ông Túc, phải có đầu tư mới có tăng trưởng.

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng

Những dự án đầu tư lớn đến với Nam Định không phải ngẫu nhiên. Với chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, giao thông phải đi trước một bước. Trong đó, xác định phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật là một trong những điều kiện quyết định đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Nam Định đã ưu tiên và huy động tối đa các nguồn lực cho việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối thông suốt liên vùng. Thời gian qua, địa bàn tỉnh Nam Định được xem như một “đại công trường”.

Có thể kể đến dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài tuyến là 46 km (đã hoàn thành giai đoạn I), dự kiến hoàn thành giai đoạn II trong năm 2025. Đây là dự án có tính đột phá về chiến lược, tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đường bộ.

Thi công xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Giao Thủy.

Thi công xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Giao Thủy.

Ảnh: Thành Trung

Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, với chiều dài khoảng 25 km và tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, hiện đang được tích cực thi công, dự kiến hoàn thành trong nửa đầu năm 2025.

Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển dài 65,58 km, đoạn qua tỉnh Nam Định có tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng dự kiến thông xe vào dịp 30/4 sắp tới. Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ với kênh dẫn và 2 dàn van.

Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ với kênh dẫn và 2 dàn van.

Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Trước đó, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ, vốn đầu tư 107,19 triệu USD tại Nam Định đã được Bộ Giao thông vận tải công bố mở luồng đường thuỷ nội địa quốc gia. Đây là cụm công trình có ý nghĩa lớn với sự phát triển của Nam Định cũng như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, giúp cho tàu có trọng tải lớn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, giảm tải cho đường bộ.

Ông Nguyễn Hoàng Anh - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nam Định cho biết: Không chỉ giao thông, hạ tầng điện, nước và các dịch vụ ngân hàng, viễn thông cũng đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp., tỉnh đã thiết kế cả nguồn điện riêng phục vụ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh đảm bảo không cắt điện, duy trì ổn định cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, Nam Định đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cam kết sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Theo đó, một tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được thành lập và do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Như dự án của tập đoàn Quanta đã được cấp phép chỉ sau 36 giờ nộp hồ sơ hợp lệ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, những năm qua, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc với đại sứ quán các nước, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để giới thiệu các tiềm năng, chính sách của tỉnh nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư “đại bàng”.

Định hướng thu hút có chọn lọc

Sản xuất ở Công ty TNHH Top Textiles (KCN Dệt may Rạng Đông, Nghĩa Hưng)

Sản xuất ở Công ty TNHH Top Textiles (KCN Dệt may Rạng Đông, Nghĩa Hưng).

Ảnh: Viết Dư

Cùng với nỗ lực thu hút đầu tư, việc chọn lọc, định hướng đầu tư rất được chú trọng. Với truyền thống là thủ phủ công nghiệp, “cái nôi" của ngành dệt may Việt Nam, Nam Định đã có những định hướng cụ thể trong việc lựa chọn thu hút đầu tư các dự án dệt may với công nghệ tiên tiến, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội…

Bảo Minh là điển hình thành công của các dự án KCN đã đi vào hoạt động của tỉnh Nam Định xét trên đầy đủ các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, chất lượng và hiệu quả thu hút vốn đầu tư, bảo vệ môi trường, hiệu quả sử dụng đất, thu hút và nâng cao thu nhập cho người lao động, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề và đóng góp cho ngân sách địa phương, được xếp trong top các KCN phía Bắc.

Nơi đây thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc, dệt nhuộm, vấn đề môi trường được hết sức chú trọng. Như về xử lý nước thải, 100% lượng nước thải được thu gom bằng hệ thống xử lý. Mỗi ngày có 5.000 m3 nước thải được tái sử dụng với các tiêu chuẩn còn cao hơn tiêu chuẩn nước sinh hoạt.

Sản xuất tại Công ty TNHH Smart Shirt Garments Manufacturing Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).

Sản xuất tại Công ty TNHH Smart Shirt Garments Manufacturing Bảo Minh, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản).

Ảnh: Ngọc Ánh

Ông Hoàng Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh cho biết: Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 sẽ tái sử dụng 50% số nước thải, tức là khoảng 10.000 m3 mỗi ngày. Tại đây, cũng đã có doanh nghiệp sử dụng công nghệ nhuộm không nước, đảm bảo tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh Bảo Minh, Nam Định còn có 5 KCN khác, với tổng diện tích gần 1.300 ha, đã đi vào vận hành. Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm 10 KCN mới với tổng diện tích 1.250 ha và khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô gần 14.000 ha.

Có thể nói đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, từ đó thu hút đầu tư tư một cách có chọn lọc, có định hướng là một cú huých đã đưa tăng trưởng GRDP của Nam Định năm 2023 đạt 10,19%, mức cao nhất từ trước tới nay của tỉnh (đứng thứ 6 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Hồng). Trong đó, ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng đến 82%.

Trong những năm gần đây với lợi thế từ cơ sở hạ tầng đồng bộ, thủ tục hành chính thông thoáng, nguồn nhân lực dồi dào… là những yếu tố quyết định với doanh nghiệp khi chọn “đất lành” để đầu tư. Đây cũng chính là những lợi thế đã đưa Nam Định chuyển mình từ một tỉnh thuần nông trở thành địa chỉ vàng để thu hút các “đại bàng”./.

Theo diendandoanhnghiep.vn

Tag:

File đính kèm