Sign In

Gặp gỡ ông Nguyễn Ngọc Điệp, chiến sĩ Điện Biên năm xưa

11:02 03/05/2024
Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954 cả dân tộc Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đã ngần ấy thời gian trôi qua, nhưng ký ức về những trận đánh tại thung lũng Điện Biên Phủ, về tình cảm đồng đội vẫn không phai nhòa trong tâm trí ông Nguyễn Ngọc Điệp, nguyên chiến sĩ thuộc Trung đoàn 45, Sư đoàn 351.

Chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Ngọc Điệp tại nhà riêng ở khu phố 4, phường Kinh Dinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Khoác lên mình bộ quân phục với những huy chương đã nhuốm màu thời gian được Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trao tặng. Mặc dù đã 91 tuổi nhưng những câu chuyện liên quan đến trận đánh tại thung lũng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên trong trái tim đầy nhiệt huyết của người lính già. Trong mạch kể chuyện rõ ràng, mạch lạc của ông, chúng tôi hiểu rõ hơn mức độ tàn khốc của chiến tranh, qua đó càng khắc họa đậm nét tinh thần quả cảm, anh dũng của quân ta trước kẻ thù. Theo lời kể, ông sinh ra tại Nghệ An vào năm 1933. Tiếp bước truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1953, khi vừa tròn 20 tuổi, ông chủ động xin tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi được cử lên chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp xem lại những kỷ vật, huân chương của ông được Nhà nước trao tặng.

Lúc ấy, ông được đơn vị phân công nhiệm vụ hậu cần để tải đạn, pháo, đảm nhiệm việc chăm lo cơm, nước, thực phẩm cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ. Mặc dù không trực tiếp cầm súng, chiến đấu với quân giặc, nhưng lực lượng của ông cũng phải đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm. Nấu được cơm canh, nước uống trong điều kiện quân Pháp luôn ném bom đánh phá ác liệt đã khó, việc đưa cơm canh, nước uống ra tận nơi chiến hào còn khó khăn gấp bội lần. Mỗi ngày ông cùng lực lượng vượt qua những ngọn đồi trơ trụi, mặt đất nóng bỏng và ngổn ngang mảnh vỡ của bom đạn để đưa cơm, nước uống kịp thời cho anh em chiến sĩ. Hay những lúc được lệnh cấp trên huy động tham gia tải đạn, pháo, ông luồn lách qua các chiến hào để cung cấp vũ khí. Có những lúc giặc áp sát, nhằm bảo vệ số vũ khí trên, ông cùng đồng đội kéo pháo lên, rồi lại kéo xuống, đào hầm ẩn nấp dưới đất mặc kệ cho mưa, gió và bệnh sốt rét. Ông bảo: Khốc liệt lắm, những lúc hay tin đồng đội ngã xuống, tôi đau lắm. Bởi hôm trước còn tươi cười với nhau, hôm sau đã ngã xuống. Biết là thế nhưng chúng tôi không cho phép bản thân bị sao nhãng, xuống tinh thần vì còn có những đồng đội khác đang cần chúng tôi. Khi tham gia chiến dịch, chiến sĩ chúng tôi luôn xem nhau như anh em một nhà, đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ khó khăn, quyết tâm chiến đấu với quân địch đến cùng. Chính vì tinh thần đoàn kết ấy cùng sự lãnh đạo mưu lược của quân đội Việt Nam mà sau 56 ngày đêm chiến đấu cam go, quân ta đã giành chiến thắng. Tôi vẫn nhớ như in vào ngày 7/5/1954, cờ giải phóng của bộ đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát-tơ-ri (De Castries). Lúc ấy, tôi và các đồng đội bật khóc, ôm chầm lấy nhau vì quá vui, quá xúc động.

Kết thúc chiến dịch, ông về lại Nghệ An và tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ tại Quảng Trị. Đến năm 1978, ông chuyển công tác vào Ninh Thuận. Phát huy phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục có nhiều đóng góp cho địa phương; gương mẫu vận động con cháu và nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Bên cạnh đó, ông tích cực tham gia cùng các hội, đoàn thể, địa phương trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh địa phương. Qua đó lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc để thế hệ trẻ nỗ lực phấn đấu ra sức rèn luyện, học tập, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.

Tag:

File đính kèm