Sign In

Đổi thay trên quê hương cách mạng Bài cuối: Tây Ninh – vươn lên cùng đất nước

09:05 03/05/2024
BTNO - 49 năm sau ngày đất nước thống nhất, mảnh đất chiến khu Tây Ninh đầy bom đạn năm nào nay đã thay da đổi thịt, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh nỗ lực vượt qua bao khó khăn, quyết tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống.

 

 Tây Ninh vươn mình, phát triển vượt bậc

Vươn lên từ đau thương

Trong 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tây Ninh là căn cứ địa kháng chiến đầu não của cách mạng miền Nam, nơi trú đóng của Trung ương cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam… Nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, quân và dân Tây Ninh một lòng đoàn kết, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ địch, lập nhiều chiến tích lớn, góp phần cùng cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược leo thang chiến tranh của Mỹ.

Trải qua những năm tháng chiến tranh, Tây Ninh bị thiệt hại nặng nề, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sau năm 1975, vết thương chiến tranh chưa kịp hàn gắn, Tây Ninh lại bước vào cuộc chiến đấu chống Pol Pot, bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc, một cuộc chiến đấu không kém phần khó khăn, gian khổ và hy sinh. Sau khi giúp nước bạn Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Pol Pot đứng đầu, thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, Tây Ninh vừa ra sức khôi phục kinh tế tỉnh nhà, vừa "thắt lưng buộc bụng" chi viện sức người, sức của giúp tỉnh Kampong Cham (Campuchia) hồi sinh.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, bằng nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Tây Ninh từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, kinh tế có bước phát triển vượt bậc, mọi mặt đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, ngày 29.4.1981, tại huyện Dương Minh Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Huỳnh Tấn Phát đặt nhát cuốc đầu tiên phát lệnh khởi công công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng, nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn. Đây được xem là “mạch máu” cấp nước cho hàng ngàn ha đất cây trồng của Tây Ninh và các tỉnh lân cận.

 

Du lịch được quan tâm đầu tư, phát triển vượt bậc

Từ điểm xuất phát gần như không đáng kể trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm gần 90%, công nghiệp chỉ có 2%, thương mại dịch vụ chiếm khoảng 9%, đến cuối năm 2023, GRDP của tỉnh ước đạt 6,12%; tỷ trọng nông - lâm - thủy sản ước đạt 19,8%, công nghiệp - xây dựng 44,8%, dịch vụ 31%.

Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nông nghiệp của tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc; đặc biệt năm 2023, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 3%- cao nhất trong những năm gần đây, giá trị tuyệt đối đạt 21.726 tỷ đồng, đóng góp 19,8% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 78% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, bắt đầu phát triển mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường.

Tây Ninh- nơi đáng đến, đáng sống

Trên tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Tây Ninh đã và đang viết tiếp những trang sử mới của mảnh đất vùng biên trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, phát triển, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Từ một tỉnh nông nghiệp, năm 1993 là năm đầu tiên Tây Ninh có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký hơn 3,8 triệu USD. Qua từng giai đoạn, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Tây Ninh ngày càng nhiều. Đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 369 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với số vốn đăng ký hơn 9,7 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều đột phá.

Theo ông Gabor Fluit- Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam, Tây Ninh được coi là điểm sáng trong hợp tác đầu tư phát triển chuỗi chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. “Hai tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn cam kết sẽ đầu tư tổng cộng 2.500 tỷ đồng ở Tây Ninh trong những năm tới. Kỳ vọng lớn nhất là sẽ xây dựng thành công một vùng an toàn dịch bệnh, hợp tác với người nông dân ở Tây Ninh tạo ra việc làm và có những sản phẩm tốt cung cấp cho địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh và cả chế biến, xuất khẩu”- ông Gabor Fluit nói.

 

Du lịch được quan tâm đầu tư, phát triển vượt bậc.

Đối với lĩnh vực du lịch, tỉnh cũng đã mời gọi được nhà đầu tư chiến lược khai thác hiệu quả các điểm đến; đưa Tây Ninh trở thành một điểm du lịch “không thể không đến”. Trong năm 2023, Tây Ninh đón hơn 5,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng.

Về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, kết nối nội tỉnh phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị và du lịch, như: dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án đường cao tốc Gò Dầu - thành phố Tây Ninh - Xa Mát; quy hoạch trung tâm logistics, đường thuỷ nội địa, cảng cạn ICD... trên địa bàn tỉnh. Các dự án này khi triển khai thực hiện sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông kiềm chế sự phát triển của tỉnh Tây Ninh thời gian qua cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và cả vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Năm 2024 tỉnh nhận định là một năm tăng tốc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội. Tỉnh sẽ công bố và triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, trong đó là tập trung phát triển hạ tầng giao thông. Trong năm 2024, tỉnh sẽ phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các thủ tục pháp lý, đền bù giải phóng mặt bằng để đầu năm 2025 triển khai 2 tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Mộc Bài - Tây Ninh. Khi hai tuyến cao tốc này hoàn thành, Tây Ninh sẽ thu hút được đầu tư và phát triển kinh tế mạnh hơn.

 

Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP đã và đang mang lại kinh tế cao cho nông dân.

Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người, tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước; nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn. 

Vũ Nguyệt

Tag:

File đính kèm