|
|
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Sáng 27/12, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, thay mặt Bộ Chính trị đã ghi nhận, biểu dương những kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.
Tán thành với những kết quả nổi bật cũng như những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo tổng kết của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí Trương Thị Mai đặc biệt ghi nhận việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tích cực tham mưu ban hành 15 văn bản của Đảng, đáp ứng kịp thời với yêu cầu của tình hình mới, trong đó phải kể đến Quy định 110 về luân chuyển cán bộ kiểm tra; Quy định 117 về xin lỗi, phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên; Quy định 131 về công tác thanh tra, kiểm tra… được dư luận đảng viên quan tâm, đánh giá cao. Trên cơ sở các văn bản này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tăng cường hướng dẫn các cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện có hiệu lực, hiệu quả những quy định của Đảng liên quan công tác kiểm tra, giám sát.
Điểm nổi bật nữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã làm được trong năm 2023, theo đồng chí Trương Thị Mai đó là đã thực hiện nghiêm, chủ động, có hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, càng ngày càng rõ ràng hơn, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang tập trung đẩy mạnh chỉ đạo các nội dung: Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực. Việc tăng cường giám sát, phòng ngừa góp phần cảnh báo từ sớm, từ xa, nhắc nhở tổ chức đảng, đảng viên….
|
|
Các đại biểu tại Hội nghị. |
Đồng chí Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh thêm, trong thực tiễn có những tổ chức đảng, sau khi giám sát, có kết luận, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tiếp tục kiểm tra có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức 31 đoàn kiểm tra 53 tổ chức đảng; trong năm 2023 có 10 đoàn kiểm tra 30 tổ chức đảng; qua kiểm tra cho thấy các cấp ủy, tổ chức đảng có điều kiện nhìn lại sâu sắc hơn việc quán triệt, cụ thể hóa, chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, có giải pháp khắc phục hạn chế khuyết điểm, mang lại kinh nghiệm chung.
Thường trực Ban Bí thư cũng nêu rõ, công tác kiểm tra có dấu hiệu vi phạm là công việc rất lớn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có hơn 1.400 tổ chức đảng, hơn 66.000 đảng viên bị kỷ luật, so với con số hơn 50.000 tổ chức đảng, hơn 5,3 triệu đảng viên, con số này không phải quá lớn nhưng cũng không nhỏ. Trong số các cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, có 59 cán bộ vi phạm do khuyết điểm từ trước, 24 đảng viên do vi phạm tại thời điểm hiện nay. “Cần phân tích rõ hơn số liệu này cho thấy điều gì, chúng ta cần đặt ra câu hỏi và tìm câu trả lời. Đó là sau khi Đảng đẩy mạnh chủ trương xây dựng chỉnh đốn đảng, phòng chống tham nhũng tiêu cực, vẫn còn tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý, vi phạm do vô ý hay do cán bộ chưa biết sợ, đặt lợi ích của cá nhân cao hơn lợi ích của Đảng mà vi phạm quy định?” - Thường trực Ban Bí thư yêu cầu.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần tiếp tục phân tích, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư để có những chế tài đủ mạnh, để làm sao để khắc phục, giảm mạnh, dừng được cơ bản vi phạm mới đối với cán bộ đảng viên.
Đồng chí Trương Thị Mai lưu ý, để làm được nhiệm vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm phải tốn nhiều công sức, thời gian, con người; kết luận phải đúng, thận trọng, chặt chẽ, khách quan, công tâm và phải qua nhiều khâu, làm sao để tới khi ban hành kết luận người ta phải tâm phục khẩu phục, chính xác, trung thực... Kết luận là một việc, nhưng xử lý phải xem xét toàn diện, cân nhắc nhiều mặt, nhiều góc độ, quan trọng nhất là làm sao để cán bộ bị xử lý kỷ luật nhận thức được sâu sắc sai phạm của mình, chấp nhận yêu cầu của Đảng, thậm chí kỷ luật ở mức cao, để nỗ lực khắc phục.
|
|
Hình ảnh tại điểm cầu Trung ương. |
Thường trực Ban Bí thư cũng chia sẻ, thực tiễn xử lý vừa qua, cho thấy đa số cán bộ vi phạm chấp hành nghiêm túc quy định của Đảng, tán thành cao với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các cấp. Có cán bộ sau khi nhận quyết định kỷ luật đã bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm trong tư tưởng, giải tỏa được gánh nặng khi chấp hành kỷ luật của Đảng.
Nhất trí với 6 nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, đồng chí Trương Thị Mai cũng đề nghị các cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp sớm cụ thể hóa từng mục tiêu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là dấu hiệu suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra và các cơ quan thanh tra, kiểm toán, truy tố, xét xử của Nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời lưu ý, qua kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp phải kiến nghị, tham mưu cho Đảng hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định ngày càng sát hợp hơn… để tăng cường công tác phòng ngừa, tính răn đe và xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.