Sign In

TP. Hồ Chí Minh: Phát huy dân chủ ở cơ sở thông qua giám sát, phản biện xã hội

15:32 05/09/2024
Ngày 4/9, Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm Thực hành dân chủ ở cơ sở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay: Thực trạng và kiến nghị.

 
Các đại biểu tham dự tọa đàm 


Chủ trì buổi tọa đàm có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Bạch Mai và Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, Phó Viện Trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm đề tài.

Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, cho rằng, tại TP. Hồ Chí Minh, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là mục tiêu, động lực quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển thành phố, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực. Đây cũng là động lực để người dân tích cực tham gia vào các hoạt động quản lý xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển thành phố.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hà, thời gian vừa qua, việc thực hiện dân chủ cơ sở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, đây cũng là nội dung cần được tiếp tục thực hiện sâu sắc hơn nữa, hiệu quả hơn, nhằm thực hiện mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về những hạn chế, khó khăn trong thực hành dân chủ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện nay; vai trò của các chủ thể trên địa bàn thành phố trong việc thực hiện dân chủ cơ sở. Các đại biểu cũng đề xuất giải pháp, kiến nghị cách làm nhằm phát huy vai trò của các chủ thể, làm cơ sở để nâng cao hiệu quả trong thực hành dân chủ ở TP. Hồ Chí Minh.

Theo Trưởng phòng Dân vận của hệ thống chính trị Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Hồng Nguyệt, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là chính quyền cơ sở, phần lớn đều nhận thức được việc thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở là cần thiết, là phương thức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Trần Thị Hồng Nguyệt cho rằng, việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về thực hiện dân chủ ở cơ sở phải tiến hành sâu, đúng, trúng. Nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị cần phải xây dựng được những quy định, quy chế, nội quy sát hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị, quá trình xây dựng cần phát huy trí tuệ của cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân. Điều này giúp cho mọi người nhận thức được quyền làm chủ của mình để tự nguyện, tự giác thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Thắm cho rằng, để phát huy dân chủ ở cơ sở, cấp ủy cần kịp thời giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các “điểm nóng”, vụ, việc phức tạp, kéo dài; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân.

Một số ý kiến của đại biểu cho rằng, thực hành dân chủ ở cơ sở cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chú trọng giám sát hoạt động của chính quyền địa phương, giám sát việc công khai những nội dung nhân dân được biết, được góp ý bàn bạc trước khi quyết định ban hành. Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại địa phương.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội với những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân, những lĩnh vực nhân dân quan tâm, bức xúc, phản ánh. Cùng với đó, giám sát đối với những ý kiến, kiến nghị nhân dân đã phản ánh.

(sggp.org.vn)

Tag:

File đính kèm