Sign In

Tọa đàm khoa học “Các xu thế lớn trên thế giới đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và tác động đến đường lối đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới”

21:14 11/07/2023

 

Ngày 10/7, Ban Đối ngoại Trung ương đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Các xu thế lớn trên thế giới đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và tác động đến đường lối đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới” với sự tham gia của hơn 40 đại biểu là các đồng chí Lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương, các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu trong nước.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia “Cơ sở khoa học, thực tiễn xây dựng đường lối đối ngoại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, thuộc Chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 - 2025” của Hội đồng Lý luận Trung ương giao Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Đề tài, nhấn mạnh Đề tài “Cơ sở khoa học, thực tiễn xây dựng đường lối đối ngoại Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, hướng đến mục tiêu chung là: Làm sáng tỏ và hệ thống hóa cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng đường lối đối ngoại Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045; dự báo tình hình thế giới ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới; đề xuất các thành tố, cấu trúc và nội dung của đường lối đối ngoại đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và đề xuất nội dung về đối ngoại trong văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Đây là công trình nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần bổ sung và hoàn thiện nền tảng khoa học và thực tiễn xây dựng đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Quang cảnh buổi Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận làm rõ các xu thế vận động chính của thế giới, các khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đông Nam Á; xu thế vận động của các chính đảng, các phong trào xã hội, các cơ chế đa phương, mối quan hệ giữa các quốc gia, nhất là giữa các nước lớn; xu thế vận động và hoạch định chính sách ở một số lĩnh vực cụ thể như quốc phòng, an ninh, kinh tế, thông tin… Các đại biểu cũng đi sâu phân tích tác động của những xu thế này đến việc hoạch định, triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp cho công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian tới.

Các tham luận đều là những nghiên cứu công phu, có chất lượng khoa học, giá trị tham khảo cao và bám sát chủ đề Tọa đàm. Những kết quả của Tọa đàm đóng góp thiết thực cho công tác nghiên cứu, tham mưu về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung và cung cấp nhiều thông tin giá trị cho Ban Chủ nhiệm Đề tài nói riêng./.

Xuân Thu (Văn phòng Ban)

Tag:

File đính kèm