Sign In

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội về sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và 23-NQ/TW

16:27 17/04/2024
Chiều ngày 17/04/2024, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban, Tổ trưởng Tổ Biên tập các Đề án làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tiếp và làm việc với đoàn có Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn. Cùng dự có các thành viên đoàn công tác đến từ một số bộ, ban, ngành liên quan; đại diện các đơn vị của Viettel.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Mở đầu cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Hiển cho biết, Ban Kinh tế Trung ương đang chủ trì sơ kết một số nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về "Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Để có thêm luận cứ và hoàn thiện các báo cáo Đề án Sơ kết Nghị quyết số 52 và 23 trình Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương và đoàn công tác tổ chức buổi làm việc với một số cơ quan, đơn vị, trong đó có Tập đoàn Viettel để làm rõ hơn thực tiễn triển khai thực hiện các Nghị quyết nêu trên và hiện nay Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được báo cáo của Tập đoàn.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Viettel báo cáo đoàn công tác

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị Viettel báo cáo thêm một số nội dung trọng tâm từ thực tiễn tập đoàn như: Những khó khăn về cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện các nghị quyết; cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng; chính sách để thúc đẩy nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Bên cạnh đó đoàn công tác mong muốn các đại biểu chia sẻ ý kiến về cơ chế, chính sách giúp cho các DNNN chủ động trong công tác đầu tư và công tác tổ chức; vấn đề thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong DNNN; khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp nhà nước; sự tham gia của Viettel trong các lĩnh vực mới…

Đồng chí Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia ý kiến

Báo cáo đoàn công tác, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam cho biết, Viettel là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực lớn như viễn thông, các giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư ra nước ngoài, nghiên cứu phát triển cả dân sự và quân sự… Trong quá trình đó, tập đoàn đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, các thủ tục hướng dẫn, xây dựng nguồn lực, chế độ thu hút, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài…  Phó Tổng Giám đốc Viettel nhấn mạnh, nghị quyết 52-NQ/TW và 23-NQ/TW là các nghị quyết rất sát với quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh và phát triển của Tập đoàn; đánh giá cao việc các doanh nghiệp lớn, các đơn vị tổ chức thực hiện được đóng góp ý kiến, đề xuất vào quá trình sơ kết các nghị quyết.  

Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng tham gia ý kiến

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Viettel và các đơn vị chuyên môn đã báo cáo đầy đủ, giải đáp các yêu cầu của đoàn công tác; chia sẻ một số vấn đề quan tâm mang tính đặc thù của Viettel. Các thành viên đoàn công tác đến từ Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ban, ngành cùng đại diện các đơn vị của Viettel đã trao đổi, thảo luận xung quanh việc thực hiện nghị quyết 52-NQ/TW và 23-NQ/TW tại Viettel, đóng góp ý kiến vào nội dung Đề án.

Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển ghi nhận kết quả của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trong triển khai các nghị quyết; đánh giá cao Viettel trong chuẩn bị báo cáo. Đồng chí nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan đầu mối sơ kết Nghị quyết 52-NQ/TW và 23-NQ/TW, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị trong thời gian tới Viettel cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu sâu hơn, cung cấp thêm thông tin, làm rõ thêm một số vấn đề quan đến tình hình thực hiện nghị quyết, đồng thời có thêm các đề xuất về cơ chế, chính sách. Các ý kiến tại buổi làm việc hôm nay sẽ được tiếp thu trong quá trình xây dựng Đề án./.

Đoàn công tác tham quan Tham quan Bảo tảng số Viettel

 

Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều