Sign In

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển chủ trì và phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”

10:34 17/04/2024
Sáng ngày 17/04/2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, công bố ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2023”. TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tham dự, đồng chủ trì hội thảo.

Đồng chủ trì có TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân. Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, năm 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây khi phải đổi mặt với nhiều rủi ro và bất ổn của bối cảnh quốc tế, tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu ở mức cao, chính sách thắt chặt tiền tệ của nhiều nước, căng thẳng địa chính trị gia tăng... Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn xa so với giai đoạn trước Covid-19 trong đó nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và những thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng, đầu tư và đặc biệt là chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện. GS Chương nhấn mạnh, tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm cho nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất sụt giảm, thất nghiệp tăng cao dẫn đến cuối cùng là giảm thu nhập và chi tiêu của người dân. Chính vì vậy, phục hồi tổng cầu là nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương trong những biện pháp kích cầu kịp thời, đúng mức để củng cố động lực tăng trưởng về phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

PGS.TS Phạm Hồng Chương phát biểu khai mạc

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều biến động: lạm phát vẫn ở mức cao, các ngân hàng trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại; xung đột trên thế giới tiếp tục căng thẳng; tranh chấp thương mại tiếp tục gây rủi ro cho thương mại và ổn định kinh tế toàn cầu; tác động của biến đổi khí hậu làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Đồng chí cho biết, Hội nghị Chính phủ và chính quyền địa phương tổng kết công tác năm 2023 cũng như các báo cáo các tổ chức quốc tế gần đây đều thống nhất nhận định, đánh giá nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng như tăng trưởng GDP đạt 5,05%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và thế giới; lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý 3,25%; lãi suất có xu hướng giảm và tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 6,5%

Quang cảnh hội thảo

Đồng chí nêu một số thách thức chúng ta đang gặp như: chất lượng tăng trưởng còn hạn chế khi năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam có mức tăng trưởng âm. Các cực tăng trưởng chưa phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng khi 2 trong số 4 vùng động lực quốc gia có mức tăng thấp hơn bình quân của toàn vùng và cả nước. Khu vực công nghiệp và xây dựng chưa cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực. Đáng chú ý là tổng cầu của nền kinh tế năm 2023 có sự sụt giảm khá mạnh (trên cả ba lĩnh vực: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) so với năm 2022 khi vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội chỉ tăng 6,2%. Điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như: sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân...

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển khẳng định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 do Quốc hội giao là 6,0-6,5%, ngay từ đầu năm phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, Ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo hôm nay, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đê nghị các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận, phân tích, làm rõ bối cảnh kinh tế thế giới và tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2023; đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2023 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách); thành tựu và những hạn chế, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế; đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, chênh lệch xuất nhập khẩu), những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân; đánh giá đóng góp của các thành tố này đến tăng trưởng kinh tế. Phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2024; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024; từ đó khuyến nghị chính sách thúc đẩy tổng cầu, đóng góp vào tăng trưởng một cách bền vững trong bối cảnh mới. Trong đó, tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công; tư duy và cách tiếp cận mới về đầu tư nước ngoài; khơi thông đầu tư tư nhân; các chính sách về tiêu dùng trong nước; cải thiện môi trường kinh doanh…

Buổi công bố ấn phẩm thường niên

Tại hội thảo đã công bố nội dung ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên năm 2023”. Ấn phẩm nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2023, nêu rõ thành tựu, tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích và đề xuất, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo. Trong năm 2023 tổng cầu cũng như thành tố của tổng cầu suy giảm rất sâu, nếu không có động thái thúc đẩy lại tổng cầu có thể tác động đến sản xuất, thu nhập và tăng trưởng. Theo báo cáo, thúc đẩy tổng cầu là yếu tố then chốt trong giai đoạn hiện nay để đạt được mức tăng trưởng tôt trong năm 2024 và bền vững trong những năm tiếp theo. Hội thảo đã nghe các tham luận quan trọng về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tổng cầu và những bài học cho Việt Nam trong bối cảnh mới; triển vọng, cơ hội và thách thức cho Việt Nam năm 2024 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm; thúc đẩy đầu tư tư nhân, thể hiện vai trò là một động lực quan trọng của tổng cầu và tăng trưởng…

Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều