Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, NHCSXH tỉnh.
Đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo
10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt được một số kết quả nổi bật: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban các công văn lãnh đạo, chỉ đạo, trên cơ sở đó, UBND và các cơ quan liên quan đã ban hành hệ thống văn bản triển khai thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm ASXH, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn… MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng chính sách xã hội; tăng cường giám sát; thực hiện tốt các hoạt động nhận ủy thác. Tính đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn ngân sách của tỉnh ủy thác sang NHCSXH đạt hơn 1.967 nghìn tỷ đồng, chiếm 42% tổng nguồn vốn, tăng 30 lần so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 4.710 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với cuối năm 2014. Chất lượng tín dụng chính sách được duy trì tốt, nợ quá hạn chiếm 0,2%/tổng dư nợ. Giai đoạn 2014-2024, tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho hơn 27,4 nghìn lượt hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 227 nghìn lao động; hơn 9.800 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, sửa chữa hơn 158 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; xây dựng mới, mua nhà ở xã hội 778 căn nhà; góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống 0,5%.
Đồng chí Nguyễn Lộc Hà phát biểu tại buổi làm việc
Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhà ở xã hội; Bình Dương là một trong những tỉnh có thu nhập bình quân/người cao nhất toàn quốc, trong khi đó cơ chế các chương trình tín dụng chính sách xã hội được ban hành, thực hiện thống nhất toàn quốc dẫn đến đối tượng được thụ hưởng trên địa bàn bị thu hẹp với các tỉnh có thu nhập thấp hơn.
Thành viên đoàn công tác phát biểu ý kiến
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại tỉnh Bình Dương; đồng thời đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay, đồng thời thu hút các nguồn vốn khác cho tín dụng chính sách, trong đó chú trọng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo tính hiệu quả và tính bền vững của nguồn vốn chính sách xã hội. Đồng chí đề nghị NHCSXH chủ động hơn trong công tác tham mưu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Toàn cảnh buổi làm việc
Để có thêm cơ sở xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đề nghị tỉnh Bình Dương đề xuất cụ thể hơn về chính sách, đối tượng, lĩnh vực, mức độ, thời gian cho vay và mô hình hoạt động của NHCSXH, cũng như các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng chính sách phát huy hiệu quả; bổ sung số liệu cụ thể về nhu cầu vốn vay của từng nhóm đối tượng, mức độ đáp ứng nguồn vốn; một số mô hình tốt, cách làm hay và bài học kinh nghiệm của tỉnh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Trước đó, chiều ngày 09/7, Đoàn công tác có buổi làm việc với Đảng ủy, UBND phường Vĩnh Phú, Đảng ủy và UBND thành phố Thuận An, đại diện các tổ tiết kiệm và vay vốn, thăm 02 hộ sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội có hiệu quả.
Đoàn công thác thăm hộ sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội phát triển mô hình sản xuất heo đất tại phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An
Tống Thu Huyền, Vụ Xã hội