Tại Tỉnh Sóc Trăng, tiếp và làm việc với đoàn giám sát có các đồng chí: Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện Lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sóc Trăng; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND; UBND các huyện, thị xã; giám đốc các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thị xã.
Đồng chí Đỗ Ngọc An phát biểu chỉ đạo
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, cấp ủy, chính quyền các cấp đã phổ biến quán triệt và ban hành kế hoạch cụ thể để cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện, đồng thời ban hành các quy định, cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tính đến 31/5/2023, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 147.418 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 3,2% tổng nguồn vốn của NHCSXH, tăng 100.601 triệu đồng so với thời điểm ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 4.637 tỷ đồng, tăng 2.389 tỷ đồng, tăng 2,06 lần so với năm 2014.
Nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đã giúp cho 85.059 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 36.801 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; 260.027 lao động được tạo việc làm; 1.016 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây mới, sửa chữa 145.505 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường…
Việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW tại Sóc Trăng còn một số khó khăn, hạn chế như: việc bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH còn hạn chế; nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 7,09% tổng dư nợ; tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình và yếu chiếm 20,8%...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW. Đồng thời đề nghị Tỉnh ủy, UBND, HĐND tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đoàn giám sát ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Sóc Trăng để chuyển đến các cơ quan Trung ương xem xét, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW.
Đoàn Giám sát làm việc tại xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, Tỉnh Tiền Giang
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn Giám sát có buổi làm việc tại xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách; thăm điểm giao dịch của NHCSXH tại xã và trao đổi với đại diện các tổ tiết kiệm và vay vốn, đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội.
Tại Tỉnh Tiền Giang, tiếp và làm việc với đoàn giám sát có các đồng chí: Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện Lãnh đạo UBMTTQ tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Sở Tài chính; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn; Liên đoàn Lao động tỉnh; các tổ chức - chính trị xã hội; Văn phòng Tỉnh ủy.
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri và Công văn triển khai thực hiện đến các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; UBND và HĐND ban hành kế hoạch và nghị quyết thực hiện. Tính đến ngày 31/12/2022, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH là 297,5 tỷ đồng chiếm 8,20%/ tổng nguồn vốn, tăng 1.674% so với năm 2014 (tăng 281 tỷ đồng) so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.622 tỷ đồng, tăng 2.008 tỷ đồng, tăng 124,48% so với năm 2014. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,2% tổng dư nợ, trong đó có 77 xã không có nợ quá hạn. Đã có 310.911 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; 54.329 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 32.392 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; 36.675 lao động được tạo việc làm; 264 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW tại Tiền Giang còn một số khó khăn, hạn chế như: việc bố trí, cấn đối ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH còn hạn chế; việc huy động sự đóng góp của xã hội bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách chưa nhiều; việc chỉ đạo điều hành phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách chưa thật sự gắn kết, hiệu quả và đồng bộ…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Tiền Giang trong việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng, thu hẹp khoảng cảnh giữa giàu và nghèo… Đồng thời đề nghị Tỉnh ủy, UBND, HĐND tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đoàn giám sát ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Tiền Giang để chuyển đến các cơ quan Trung ương.
Sáng ngày 09/6/2023, Đoàn Giám sát có buổi làm việc tại xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây; thăm điểm giao dịch của NHCSXH tại xã và trao đổi với đại diện các tổ tiết kiệm và vay vốn, đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội.
Tin và ảnh: Tống Thu Huyền, Vụ Xã hội