Sign In

Hội thảo chuyên đề 1 của Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023: “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam”

07:53 13/06/2023
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023, Hội thảo chuyên đề 1 với chủ đề: “Nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức. Sự kiện diễn ra vào ngày 14/6/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác.

Hội thảo chuyên đề 1 do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng với đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đồng chủ trì, cùng với sự tham gia trình bày của các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu trong nước và quốc tế như VNPT IT, ABB, EY Consulting Vietnam JSC, Azentio Software, CMC Việt Nam, Misa. Hội thảo có sự tham dự của 150 đại biểu là các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thông minh.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho việc xây dựng những cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng xác định công nghiệp công nghệ số là một trong sáu ngành công nghiệp nền tảng, trong đó sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lõi của công nghiệp công nghệ số.

Trong báo cáo CNH trong kỷ nguyên số của UNIDO, Việt Nam được xếp trong nhóm các nền kinh tế tiêu dùng công nghệ số, trong số 40 nền kinh tế chủ động theo đuổi Công nghiệp 4.0. Nhập khẩu thiết bị, công nghệ số của Việt Nam đứng thứ 15, xuất khẩu công nghệ đứng thứ 46 và hoạt động sáng chế đứng thứ 48 trong số 150 nền kinh tế. Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ Việt Nam đang đứng trước cơ hội đẩy mạnh phát triển sản xuất thông minh, cùng với đó là những thách thức đan xen.


Đoàn chủ tọa Hội thảo

Hội thảo có 6 báo cáo chính với nội dung tập trung vào: Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số; Chuyển đổi số trong sản xuất: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam; Ứng dụng IoT trong tối ưu sản xuất; Công nghệ 4.0 trong sản xuất: thúc đẩy nâng cao giá trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh; Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với giải pháp Make in Vietnam; Giải pháp quản lý và điều hành sản xuất thông minh (MoM) thế hệ mới: Nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. Tiếp đó, Hội thảo còn có phiên thảo luận mở về nâng cao năng lực sản xuất thông minh, phát triển ngành công nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động của cả hệ thống chính trị và xã hội về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong tình hình mới. Hội thảo đã nghe những đề xuất, kiến nghị thiết thực từ các diễn giả và đại biểu tham dự về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng make in Việt Nam giúp Việt Nam chủ động tiếp cận, hấp thụ và ứng dụng công nghệ số, công nghệ tự động hóa vào sản xuất.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng Cục trưởng phụ trách,

Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ điều phối thảo luận

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đã nhấn mạnh nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Đ/c Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo


Ông Shashi J, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Bộ phận Tư vấn Công nghệ,  EY Consulting Vietnam JSC phát biểu tham luận

Quang cảnh hội thảo

Ban tổ chức Diễn đàn

Tag:

File đính kèm