Sign In

Hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

09:00 18/07/2023
Ngày 18/7, tại Hậu Giang, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”. Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang; Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang; Ông Herve Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam.

Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, các cơ quan liên quan của các tỉnh Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo hôm nay nằm trong chuỗi hội thảo về quy hoạch và phát triển đô thị bền vững gắn với từng vùng đô thị (bao gồm: Vùng đô thị trung du và miền núi Bắc Bộ đã tổ chức ngày 10/7/2023 tại tỉnh Sơn La; Vùng đô thị Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đã tổ chức ngày 14/7/2023 tại Quảng Trị và Vùng đô thị Đồng bằng Sông Cửu Long) được tổ chức nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Nguyễn Đức Hiển phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra yêu cầu phải đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch; kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, xác định quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang phát biểu chào mừng

Về mô hình phát triển đô thị, Nghị quyết 06 xác định định hướng phát triển các đô thị Việt Nam theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; phát triển các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, chú trọng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Riêng đối với phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết 06 đã đề ra yêu cầu phải tăng mật độ đô thị và ưu tiên đầu tư nâng cao khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị.

Đoàn chủ tọa Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố; là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh, song đây cũng là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu, được cảnh báo là 1 trong 3 vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.Với tính chất quan trọng của vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 04 năm 2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 42 đến 48%. Đồng chí nhấn mạnh, để triển khai các định hướng nêu trên của Nghị quyết 06 và các nghị quyết, chiến lược liên quan, một trong những yêu cầu quan trọng là phải tích hợp được các yêu cầu về khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các quy hoạch phát triển đô thị.

Ông Herve Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đồng chí đề nghị đại biểu các địa phương và các chuyên gia cùng trao đổi để nghiên cứu, đề xuất 3 nhóm vấn đề chính: (1) Từ yêu cầu của Nghị quyết 06, làm rõ mô hình đô thị phát triển bền vững cho các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long; (2) Với đặc điểm riêng của ĐBSCL, Làm thế nào để tích hợp rủi ro vào quy hoạch và chính sách phát triển đô thị của các đô thị và (3) Cách tiếp cận khả năng chống chịu ở cấp địa phương đối với các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục PTĐT, Bộ Xây dựng trình bày tham luận

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Hậu Giang cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP, để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết, Tỉnh Hậu Giang đã tổ chức triển khai và quán triệt bằng nhiều hình thức đến đảng viên, người dân trên địa bàn Tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình thực hiện các nghị quyết với mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá. Hậu Giang cũng đã xác định chủ trương phát triển đô thị nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, sau 20 năm thành lập, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đã có bước nâng lên vơi 19 đô thị; (01 đô thị loại 2; 02 đô thị loại 3 và 16 đô thị loại 5); tỷ lệ đô thị hóa đạt 29,75%, gần bằng mức bình quân chung của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên trong những năng gần đây tình trạng biến đổi khí hậu ra gây ra nhiễm mặn, nhiễm phèn, ngập lụt, sụt lún và ô nhiễm môi trường… Địa phương đã nỗ lực bằng các biện pháp để hạn chế thiệt hại nhưng về lâu dài đây là bài toán khó. Đồng chí nêu rõ, hội thảo ngày hôm nay sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng thể và tìm hiểu rõ hơn về chính sách quản lý rủi ro thiên tai và việc lồng ghép các chính sách này vào quy hoạch và phát triển theo vùng lãnh thổ ở Pháp; giúp chúng ta nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội thảo, ông Herve Conan, Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của ĐBSCL với sự phát triển của Việt Nam. Ông Conan cho rằng, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt, là một trong 3 đồng bằng chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Các thách thức mà ĐBSCL đang phải đối mặt như hiện tượng xói lở bờ sông, bờ kè, hiện tượng sụt lún, ngập lụt… Với tỉnh Hậu Giang, ông Herve Conan cho rằng, đây là địa phương phải chịu nhiều tác động về xâm nhập mặn, nước biển dâng và cũng chịu nhiều ảnh hưởng về ngập lụt, nước tràn bờ và một số tác động khác của biến đổi khí hậu. Từ tình hình đó, AFD mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm của Pháp trong ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như triển khai các mô hình phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam.

Ông Didier Felts, chuyên gia Cerema trình bày Báo cáo chính 1

Tại Hội thảo, các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu và Tư vấn quy hoạch Pháp (Cerema) đã trình bày hai báo cáo chính. Báo cáo thứ nhất có chủ đề “Chính sách về quản lý rủi ro thiên tai: từ kiến ​​thức đến việc tích hợp rủi ro vào quy hoạch và phát triển lãnh thổ ở Pháp”, báo cáo chia sẻ về 7 trụ cột của chính sách phòng ngừa rủi ro, tích hợp tầm nhìn của một chính sách tổng hòa; các mục tiêu và biện pháp tính đến rủi ro trong quy hoạch vùng; Tích hợp thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chính sách công: quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành, hiện trạng và những tồn tại cần cải thiện. Báo cáo chính thứ hai có chủ để “Các ví dụ và thực hành tốt trong việc triển khai các chính sách quản lý rủi ro thiên tai tại các vùng đồng bằng (cửa sông) và cách tiếp cận khả năng chống chịu cấp địa phương”. Báo cáo tập trung làm rõ về các công cụ và phương pháp cụ thể được sử dụng ở Pháp để tích hợp các rủi ro vào quy hoạch phát triển đô thị, thiết kế cơ sở hạ tầng đô thị; Ví dụ, thách thức và các vấn đề gặp phải của vùng ĐBSCL; Cách tiếp cận khả năng chống chịu cấp địa phương. Bên cạch đó, các chuyên gia cũng chia sẻ về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang).

Ông Remy Gasset, chuyên gia Cerema trình bày Báo cáo chính 2

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, hỏi - đáp với các chuyên gia về những nhóm vấn đề liên quan đến: cơ chế chính sách quản lý rủi ro thiên tai trong công tác quy hoạch đô thị; những thách thức trong quản lý quy hoạch gắn với phòng ngừa rủi ro phù hợp với điều kiện tự nhiên, hạ tầng tại từng địa phương; chia sẻ các giải pháp nhằm lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào công tác quy hoạch đô thị tại Hậu Giang cũng như các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long…

Ông Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên gia của AFD trình bày báo cáo tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nêu rõ, ĐBSCL có nhiều lợi thế, thuận lợi cho nông nghiệp; là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản. Đây là vùng có vai trò quan trọng không những về kinh tế vùng mà còn cho kinh tế của cả nước. Tuy nhiên ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức như hiện tượng sụt lún, sạt lở, ngập và xâm nhập mặn, thay đổi dòng chảy sông Mê Kông… do vậy quy hoạch và phát triển bền vững cần nhận diện đầy đủ các thuận lợi và thách thức. Đồng chí cho biết tỉnh Hậu Giang đã bám sát chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế vùng. Tỉnh xác định phát triển theo hướng “Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng”. Trong thời gian tới, bám sát các Nghi quyết của Trung ương, Hậu Giang và các tỉnh trong vùng ĐBSCL sẽ có những đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống của người dân.

Các đại biểu thảo luận bàn tròn

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cảm ơn các đại biểu, các chuyên gia đã tham dự, phát biểu, đóng góp các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm tại Hội thảo. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển đồng tình với các chia sẻ, kiến nghị và nhấn mạnh một số nội dung như: Việc hoàn thiện thể chế, chính sách giúp cho việc tích hợp phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển đô thị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Cần sớm hoàn thiện chính sách, thông tư, hướng dẫn, tài liệu về các nội dung liên quan đến vấn đề tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu vào quy hoạch phát triển đô thị và phát triển, thiết kế cơ sở hạ tầng đô thị. Cần đẩy nhanh hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các định mức kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị. Chú trọng bảo vệ không gian xanh, hạ tầng xanh, gắn kết nông nghiệp bền vững; Ưu tiên nguồn lực cho quy hoạch và phát triển đô thị ở ĐBSCL. Hội thảo cũng thu được nhiều ý kiến có giá trị của các chuyên gia quốc tế như: kinh nghiệm của Pháp trong ứng phó rủi ro thiên tai, lồng ghép với quy hoạch của địa phương; Coi lồng ghép vào quy hoạch là 1 trong 7 trụ cột lớn. Tích hợp rủi ro phải nhiều cấp độ; Xây dựng phương pháp tiếp cận tổng thể, lựa chọn cách tiếp cận đa thiên tai và đa rủi ro; cần thiết nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu.

Quang cảnh Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển khẳng định Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp nhận các thông tin, nội dung được trình bày tại Hội thảo hôm nay và các hội thảo tại 3 vùng để rà soát, đánh giá, thúc đẩy triển khai thực hiện thành công các chủ trương, mục tiêu, định hướng đã được nêu tại Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị./.

Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế

Tag:

File đính kèm