Sign In

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển chủ trì Tọa đàm “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm của một số nước về công tác tham mưu trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và bài học rút ra đối với Việt Nam”

15:40 21/11/2023
Sáng ngày 21/11/2023 tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức buổi Tọa đàm “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm của một số nước về công tác tham mưu trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và bài học rút ra đối với Việt Nam”. Tọa đàm nhằm có thêm luận cứ phục vụ nhiệm vụ tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển phát biểu đề dẫn tọa đàm

Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các ban đảng Trung ương; Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tham dự tọa đàm có hơn 60 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, các vị đại biểu, các vị khách quý là đại diện của Hội đồng Lý luận Trung ương, đại diện các ban đảng trung ương, đại diện Văn phòng ban cán sự đảng các bộ, ngành trung ương; các viện nghiên cứu, trường đại học tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu chào mừng, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng và sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo một cách khoa học, dân chủ, trong đó coi trọng công tác đổi mới lý luận, tổng kết thực tiễn, công tác tham mưu. Trong tình hình thế giới và khu vực đang biến đổi nhanh chóng đòi hỏi các cơ quan tham mưu của Đảng phải đánh giá đúng tình hình, luận giải sâu sắc các cơ hội và thách thức đặt ra, đặc biệt là tham mưu đề xuất và kiến nghị các giải pháp khả thi. Do đó việc trao đổi về kinh nghiệm quốc tế của các chính đảng trên thế giới trong tham mưu phát triển kinh tế - xã hội là việc làm thiết thực góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc phát biểu chào mừng

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đánh giá cao chủ đề của tọa đàm. Đồng chí nêu rõ, Đảng ta đang triển khai tổng kết 40 năm đổi mới của đất nước một cách sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, đây là dịp để chúng ta nhìn lại công tác tham mưu trên các lĩnh vực trong đó có tham mưu về phát triển kinh tế - xã hội của các cơ quan đảng Trung ương, gắn với các giai đoạn lịch sử, các quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước... 

PGS.TS Nguyễn Duy Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á trình bày tham luận

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cảm ơn sự phối hợp của các cơ quan đồng chủ trì; đánh giá cao tính chất, ý nghĩa của tọa đàm hôm nay với mục tiêu đóng góp một phần trong xây dựng Văn kiện Đại hội XIV.  

TS. Nguyễn Thị Thắm, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trình bày tham luận

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn về kinh nghiệm quốc tế theo các nhóm vấn đề chính như: Thứ nhất, các mô hình tổ chức, cơ quan tham mưu về phát triển kinh tế - xã hội của các nước trên thế giới; định vị, ý nghĩa, vai trò, việc triển khai các nghị quyết của đảng. Thứ hai, việc tập hợp ý kiến đại chúng, các nghiên cứu khoa học trong quá trình xây dựng nghị quyết. Thứ ba, việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối sau khi ban hành nghị quyết; công tác sơ kết, tổng kết; đánh giá, kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết; cách thức phân bổ nguồn lực thực hiện của các nước.

TS. Đặng Thái Bình, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á trình bày tham luận

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã phát biểu các tham luận sâu sắc, có tính chuyên môn sâu về kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong công tác tham mưu về phát triển kinh tế - xã hội như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về công tác tham mưu trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đặt ra qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới; Những nhân tố tác động tới công tác tham mưu về phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới; vai trò, vị trí của công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong thực hiện công tác tham mưu trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; Nhận diện bối cảnh và những vấn đề mới đặt ra về công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các đại biểu đưa ra nhiều đề xuất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Quang cảnh tọa đàm

Kết luận tọa đàm, Đồng chí Nguyễn Đức Hiển cảm ơn các ý kiến chia sẻ tâm huyết, các khuyến nghị có giá trị của các chuyên gia, nhà khoa học. Tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến về đổi mới mô hình, cơ chế và sự phối hợp trong công tác tham mưu về kinh tế - xã hội của các ban Đảng Trung ương. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển cho biết, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu ý kiến, khuyến nghị tại tọa đàm hôm nay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Ban./.

Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế

Tag:

File đính kèm