Đồng chủ trì buổi làm việc, về phía Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ có đồng chí Lê Xuân Định, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, tham gia buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Về phía đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương có các đồng chí là thành viên Tổ Biên tập các đề án sơ kết 3 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII đến từ một số cơ quan liên quan gồm: Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Vụ Kinh tế tổng hợp và Vụ Công nghiệp của Ban Kinh tế Trung ương.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu đề dẫn nội dung buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban, Tổ trưởng Tổ Biên tập 3 nghị quyết nêu rõ, ngày 03/6/2017 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành 03 Nghị quyết 10-NQ/TW, 11-NQ/TW, 12-NQ/TW mang ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, Chính phủ, các tỉnh thành ủy đã ban hành các chương trình hành động/kế hoạch thực hiện để triển khai các nghị quyết nêu trên. Hiện nay, đã đến giai đoạn sơ kết các nghị quyết này và Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được đầy đủ báo cáo của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tỉnh uỷ, thành ủy. Các báo cáo sơ kết của Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình thực hiện các nghị quyết đã cung cấp khá đầy đủ, toàn diện các thông tin cho các tổ biên tập. Tuy nhiên, để có thêm các luận cứ phục vụ nhiệm vụ sơ kết các nghị quyết, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có báo cáo để làm sâu sắc thêm một số vấn đề trong thực tiễn triển khai các nghị quyết; đặc biệt là việc thể chế hóa các nghị quyết, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và các đề xuất: (i) Đối với Nghị quyết 11 là những vấn đề liên quan đến cơ chế quản lý tài chính cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đầu tư cho khoa học công nghệ; các mô hình khu công nghệ cao; cơ chế cho sự tham gia của khu vực tư nhân; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn; công tác phối hợp giữa các bộ ngành trong hoàn thiện thể chế phát triển lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; (ii) Đối với Nghị quyết 10 trọng tâm là triển khai cơ chế cho quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, quỹ khởi nghiệp, quỹ phát triển khoa học công nghệ cho địa phương; cơ chế khuyến khích các trung tâm đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, viện nghiên cứu; chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi, khuyến khích cho khoa học công nghệ…; (iii) Đối với Nghị quyết 12, cụ thể là cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ; cơ chế đặc thù cho chương trình khoa học công nghệ; triển khai trung tâm đổi mới sáng tạo khởi nghiệp quốc gia; các chương trình khoa học đặc thù; quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước…
Đồng thời, đồng chí đề nghị Bộ báo cáo về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực KHCN và ĐMST được nêu tại các Nghị quyết như: Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết số 10, 11 và 12. Theo đó, Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền nội dung, quan điểm chỉ đạo của các Nghị quyết đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức và người lao động của các đơn vị thuộc Bộ thông qua hội nghị trực tuyến với 7 điểm cầu. Sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 97-NQ-CP, 98-NQ-CP, 99-NQ/CP về Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết 10,11 và 12, Ban cán sự đảng Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ có liên quan.
Về kết quả triển khai các Nghị quyết, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình bày một số kết quả trọng tâm, như: (i) Đối với Nghị quyết 10-NQ/TW: Công tác tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; phát triển khu công nghệ cao…; (ii) Đối với Nghị quyết 11-NQ/TW: Hoàn thiện chính sách tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế nhằm đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường KHCN; phát triển doanh nghiệp KHCN; phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoàn thiện chính sách nhập khẩu công nghệ đến năm 2025…; (iii) Đối với Nghị quyết 12-NQ/TW: Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp; thống kê năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu ứng dụng KHCN trong doanh nghiệp nhà nước…;
Các thành viên đoàn công tác thảo luận tại buổi làm việc
Sau khi nghe báo cáo, các đồng chí trong đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đặt ra một số vấn đề trao đổi thêm với các đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng chí Thứ trưởng Lê Xuân Định và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi, chia sẻ, giải đáp về tình hình thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các Nghị quyết số 10, 11 và 12-NQ/TW, như các vấn đề liên quan đến: công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nghị quyết; các định hướng về KH&CN trong giai đoạn mới; các chương trình khởi nghiệp trong các trường đại học; cơ chế đầu tư, sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ; cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước; thống kê về ĐMST của doanh nghiệp; quỹ khoa học và công nghệ; liên kết trong đào tạo, thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực KHCN và ĐMST; đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; nâng cao năng suất trên nền tảng ứng dụng KHCN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng kiến nghị, đề xuất một số nội dung để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII trong thời gian tới, đặc biệt là việc điều chỉnh, bổ sung quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong bối cảnh mới với một số nội dung cụ thể gồm: (i) Tiếp tục triển khai chủ trương, đường lối trong các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, đối với lĩnh vực KHCN và ĐMST, trọng tâm là: phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế…; (ii) Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công cuộc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (iii) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN và ĐMST; (iv) Phát triển tiềm lực KHCN và ĐMST quốc gia; Triển khai các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực KHCN và ĐMST đáp ứng nhu cầu của khu vực doanh nghiệp…
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tổng kết, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cảm ơn và đánh giá cao sự chuẩn bị Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ cho buổi làm việc; cảm ơn sự tham gia, phối hợp tích cực của các cục, vụ, viện và các đơn vị liên quan. Đồng chí Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh các ý kiến trao đổi, thảo luận trong buổi làm việc đã tập trung vào những vấn đề quan trọng của các nghị quyết, Ban Kinh tế Trung ương sẽ nghiên cứu, tổng hợp, chắt lọc để đưa ra các đề xuất trình Bộ Chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XII về kinh tế trong giai đoạn tới, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045./.
Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế