Sign In

Hội thảo chuyên đề 2 của Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023: "Thúc đẩy ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa"

08:28 13/06/2023
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023, Phiên Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Thúc đẩy ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã được tổ chức, với sự chủ trì của các đồng chí: PGS.TS. Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; TS. Dương Duy Hưng, Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông..

 Hội thảo có sự tham gia của khoảng 250 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương,địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Visa Việt Nam và Lào;  các tập đoàn hàng đầu trong nước về phát triển và ứng dụng AI như FPT, VNPT, Viettel, Qualcomm, Noventiq.

PGS.TS. Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ  phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS. Dương Duy Hưng, Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ: tình hình thế giới và khu vực đã và đang có những diễn biến ngày càng nhanh chóng hơn, phức tạp hơn và khó đoán định hơn; đang đặt ra những cơ hội,  thách thức cũng như những thời cơ và thuận lợi mới; đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của mỗi quốc gia ngày càng mạnh mẽ hơn để vươn lên tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Việc thích ứng và hành động một cách chủ động, kịp thời và có chiến lược trong thời đại công nghệ và hội nhập quốc tế hiện nay là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài đối với các quốc gia. Trên thế giới, các chính phủ, các tập đoàn, các viện nghiên cứu và trường đại học đang dành sự quan tâm và đầu tư ngày càng nhiều cho AI vì những lợi ích to lớn mà nó đem lại. Nhiều tổ chức quốc tế nhận định AI là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức, doanh nghiệp.

TS. Dương Duy Hưng, Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo

Đồng chí nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Đảng ta đã xem xét, thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng thời làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.Theo đó, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định rõ mô hình CNH, HĐH của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các thành tựu cuộc CMCN lần thứ tư, với việc coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH; CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường... Đặc biệt, lần đầu tiên, chúng ta đã coi ngành công nghiệp công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn) là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng.

Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc,  Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Namđiều phối thảo luận

Riêng trong lĩnh vực AI, trong những năm gần đây tại Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đi vào chiều sâu và mở rộng ở nhiều lĩnh vực. Theo Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng về AI của chính phủ” (ngày 22/02/2023) do tổ chức Oxford Insights kết hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, ghi nhận chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã đạt mức 51,82/100, tăng 14 bậc so với trước và vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72. Điều này cho thấy dấu hiệu tích cực về khả năng tiếp cận và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam. 

 Tiến sĩ Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng, Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ   chia sẻ tại hội thảo.

Năm 2022, Việt Nam cũng được đánh giá xếp hạng thứ 48/132 quốc gia về chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và tiếp tục được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn, tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia mình.

Tiến sĩ Lê Thái Hưng, Giám đốc Chiến lược Hệ sinh thái, VNPT AI.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua. Đó là cần phải tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng và kết nối hạ tầng dữ liệu và tính toán; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; hoàn thiện thể chế, chính sách; huy động và thu hút nguồn lực đa dạng vào phát triển AI...

Quang cảnh hội thảo

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trí tuệ nhân tạo đang góp phần thay đổi phương thức làm việc và trở thành công nghệ nền tảng quan trọng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực.

Đồng chí chia sẻ: kể từ khi khái niệm 4.0 được đưa ra trên toàn thế giới, cuộc chơi định hình và dần chuyển sang công nghệ thiết thực gần gũi hơn, thúc đẩy ứng dụng AI trong cuộc sống. Trong 6 tháng qua cả thế giới chứng kiến sự phát triển bùng nổ về xu thế AI siêu lớn, qua các hệ thống AI tạo sinh, chat GPT, hệ thống xử lý ảnh, video kết hợp dữ liệu lớn làm thay đổi cuộc sống hàng ngày con người.

“Việt Nam đã có những tiếp cận xu thế nhanh thông qua tổ chức, diễn đàn 4.0, triển khai ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia", đồng chí cho biết. Những ứng dụng cho thấy AI đang là công nghệ nền tảng quan trọng dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, trong đó lớn nhất là tạo động lực và thay đổi phương thức làm việc. Một số trụ cột thúc đẩy và phát triển trí tuệ nhân tạo cần được chú trọng, trong đó trụ cột đầu về nhân lực chuyên gia AI và nhóm kỹ năng công nghệ số; hạ tầng tính toán và dữ liệu... Cả ba trụ cột này  đều rất quan trọng và phía trước có rất nhiều việc cần phải làm. Một trụ cột khác là thể chế quy định về đạo đức AI, ví dụ như deepfake sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tái tạo lại khuôn mặt của người trong video vào mục đích giả mạo, lừa đảo người dùng... "Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp các chuyên gia Australia xây dựng hệ thống quy định "Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm" - trách nhiệm từ người xây dựng đến người sử dụng", đồng chí Bùi Thế Duy cho biết.

Tại Hội thảo, các báo cáo chính tập trung chia sẻ và làm rõ những nội dung về: Thực trạng nghiên cứu, phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam và định hướng đến năm 2030; Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; Tương lai của trải nghiệm khách hàng; Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tái định hình các ngành công nghiệp số; Bước tiến mới của AI trong ngành sản xuất thông minh; Trí tuệ nhân tạo (AI)- chìa khóa tối ưu vận hành doanh nghiệp.

Hội thảo đã giúp chúng ta nhận điện và làm rõ các vấn đề về bối cảnh, xu thế lớn của AI trên thế giới cũng như thực trạng AI tại Việt Nam, những nguy cơ trong việc phát triển và ứng dụng AI; yếu tố quan trọng nhất trong quá trình đưa AI vào thực tiễn để các doanh nghiệp có thể ứng dụng AI hiệu quả và tiềm năng ứng dụng đa lĩnh vực của Trí tuệ Nhân tạo trong Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu; những ngành nghề, lĩnh vực đã, đang, có thể ứng dụng AI tại Việt Nam hiện nay và các ngành nghề có tiềm năng ứng dụng AI trong tương lai.

Hội thảo đã thảo luận về tương lai đâu là những ngành nghề mũi nhọn cần được đầu tư nhiều hơn và đâu là những ngành nghề tiềm năng cần được chú ý phát triển hơn nữa, qua đó các tập đoàn công nghệ lớn trong nước và các startup khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ nhìn nhận đúng hướng trong nghiên cứu và ứng dụng AI cho nhiều mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp có thể vừa tận dụng lợi thế của AI trong việc xử lý dữ liệu, tối ưu vận hành và đưa ra quyết định hiệu quả mà vẫn áp dụng AI vào tự động hóa để thúc đẩy chuyển đổi số mà vẫn đảm bảo an toàn.

Những kiến nghị để đẩy nhanh quá trình phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam trong thời gian tiếp theoKết quả hội thảo ngày hôm nay nhằm cung cấp luận cứ giúp Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương và các Nghị quyết số 52-NQ/TW, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ban tổ chức hội thảo sẽ tập hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để góp phần nhanh chóng thể chế hóa và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về CNH, HĐH, về chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư.

Kết quả của hội thảo sẽ cung cấp luận cứ giúp Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ban tổ chức hội thảo sẽ tập hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để góp phần nhanh chóng thể chế hóa và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về CNH, HĐH, về chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư.

Ban tổ chức Diễn đàn

Tag:

File đính kèm