Trong những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Kết luận Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và chủ trương tái thành lập các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy, công tác nội chính trên địa bàn tỉnh Điện Biên dưới sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Nội chính Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, quyết liệt của Tỉnh ủy Điện Biên, sự phối hợp của các cơ quan nội chính tỉnh, sự ủng hộ của Nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, không ngừng vươn lên, ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là:
Thông qua hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nội chính, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, xác định công tác nội chính là nhiệm vụ trọng yếu, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trong đó nòng cốt là các cơ quan khối nội chính. Công tác nội chính phải được gắn chặt với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, đóng góp tích cực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
|
Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 |
Tỉnh ủy Điện Biên đã triển khai kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng của Trung ương về lĩnh vực nội chính, trọng tâm là nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Quan tâm lãnh đạo công tác sơ kết, tổng kết, việc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh để đánh giá đúng thực trạng; rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả. Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng để Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính tại địa phương.
Các lực lượng chức năng tỉnh đã chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời tham mưu cấp ủy chỉ đạo, xử lý kịp thời những vẫn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến tôn giáo, dân tộc; khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. Qua đó, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong 10 năm qua (2013-2023), Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời dứt điểm 11 vụ việc, vấn đề nổi cộm, phức tạp có liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; cho chủ trương, định hướng xử lý đối với 14 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo nhất là công tác đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân theo Quy định số 11-QĐi/TW được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành văn bản tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân; xử lý đơn, thư để chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh thực hiện nghiêm túc; tuyệt đối không để hình thành các “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo nhất là các đơn, thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát về lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp được tăng cường; tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý tài chính tín dụng, các dự án đầu tư công, các nguồn tài trợ nước ngoài, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đầu tư mua sắm công, công tác cán bộ… Trong giai đoạn 2013 - 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện 19 cuộc kiểm tra, 10 cuộc giám sát đối với 39 cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ; chỉ đạo rà soát 777 kết luận thanh tra và 80 kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn từ năm 2015 đến nay. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các kết luận sau kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là sau rà soát các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo chỉ đạo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) để chỉ đạo xử lý dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài.
Kịp thời tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh và mới nhất là tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; khẩn trương đưa Ban Chỉ đạo đi vào hoạt động, phát huy vai trò, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, thời gian qua công tác Nội chính Đảng của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, thách thức như: Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, có thể gây mất ổn định. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng, chưa thực sự có hiệu quả, vẫn còn để xảy ra sai phạm phải xử lý kỷ luật đảng, hành chính và xử lý hình sự…
Để công tác nội chính kịp thời đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cần tiếp tục kế thừa những kết quả, kinh nghiệm 10 năm qua, phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cấp, các ngành; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm, vai trò chủ động của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và sự ủng hộ của Nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục xây dựng, bổ sung và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong khối nội chính, các cơ quan nội chính với cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và các cơ quan liên quan. Quy định rõ nội dung, cơ chế, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong nắm, phân tích, dự báo, xử lý tình hình thực hiện công tác nội chính; PCTNTC và cải cách tư pháp. Xây dựng chương trình phối hợp trọng tâm, theo chiều sâu đối với từng lĩnh vực, trong từng giai đoạn, bảo đảm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các cấp ủy, chính quyền phối hợp với các cơ quan nội chính thực hiện củng cố kiện toàn tổ chức, đảm bảo số lượng, chất lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là ở cấp cơ sở; phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các khâu về công tác cán bộ. Đề cao trách nhiệm của Ban Nội chính Tỉnh ủy trong tham mưu, đề xuất giúp Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính; PCTNTC và cải cách tư pháp. Chủ động phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính và các cơ quan có liên quan tham mưu đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp, kịp thời của Tỉnh ủy đối với công tác nội chính. Chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, quyết liệt tham mưu có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án theo quy định; nhất là các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa tham mưu, đề xuất và theo dõi, đôn đốc thực hiện Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo vừa đề xuất Ban Chỉ đạo các cơ chế, cách làm hay, hiệu quả. Ban Nội chính Tỉnh ủy là cầu nối phát huy cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc bảo đảm kịp thời, nghiêm minh.
Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí, truyền thông và sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân trong công tác PCTNTC. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về PCTNTC; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Quốc Cường
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên)