Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 10/4/2023 của Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chương trình công tác trọng tâm năm 2023, ngày 21/11/2023, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố”.
Các đồng chí: Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp; Võ Công Chánh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp; Nguyễn Quang Thanh, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội thảo; tham dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan, sở, ban ngành trên địa bàn thành phố.
|
Toàn cảnh Hội thảo |
Theo thông tin từ Hội thảo, thời gian qua, các cơ quan tư pháp của thành phố đã chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về triển khai Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/4/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tiếp cận xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0; các văn bản chỉ đạo của thành phố cũng như các văn bản chỉ đạo của ngành dọc Trung ương trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo điều hành, trong quá trình giải quyết công việc chuyên môn nghiệp vụ, phù hợp với yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời đại kỹ thuật số, thúc đẩy toàn diện việc chuyển đổi số quốc gia và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số cũng như công tác cải cách tư pháp trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tạo mối quan hệ phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị, góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, chỉ ra những khó khăn vướng mắc, như: Các thông tin xấu, độc, chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng ngày càng gia tăng trong khi đó công tác quản lý, kiểm soát, đấu tranh, phản bác vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; việc triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực (giao thông, xuất, nhập cảnh…) chưa được triển khai thực hiện; việc nộp đơn khởi kiện của người dân qua Cổng thông tin điện tử trên cả nước còn ít; thành phố Đà Nẵng hiện nay chưa nhận được đơn, thư nào bằng phương thức điện tử; công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin ở một số đơn vị chưa được chú trọng; tốc độ phát triển nhanh, mạnh của khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) làm gia tăng các nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin của các hệ thống, phần mềm hoặc bị xâm nhập bất hợp pháp, kiểm soát quyền quản trị, đánh cắp dữ liệu, làm lộ lọt bí mật Nhà nước, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố biểu dương những kết quả đạt được và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tăng cường, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn thành phố.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung một số vấn đề trọng tâm: (1) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến rộng rãi và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành ủy liên quan đến cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, hướng đến xây dựng thành phố thông minh; (2) Các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đảng trực tiếp chủ trì, lãnh đạo thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên lĩnh vực quản lý. Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi số và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; (3) Các cơ quan tư pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường sử dụng văn bản điện tử thay thế cho các văn bản giấy trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; khai thác, sử dụng triệt để hộp thư điện tử công vụ; sử dụng hiệu quả mạng Internet để khai thác thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn. Nâng cấp, hoàn thiện, mở rộng các Hệ thống cũng như các Phần mềm hiện có; (4) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng và bảo mật thông tin. Triển khai nghiêm túc và đầy đủ các biện pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước trên không gian mạng phù hợp với quy định của pháp luật, nhất là Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 04/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng và Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 27/3/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố; (5) Ban cán sự đảng UBND thành phố giao UBND thành phố quan tâm, nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan tư pháp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin ứng dụng, chuyển đổi số trong hoạt động.
Mỹ Ngọc
(Ban Nội chính Trung ương)