Sign In

Ninh Bình: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

14:23 19/04/2024
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: 
 
    Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. 
 
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 4/2024
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 4/2024

    Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị được phân công quản lý, phụ trách; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực, nhất là đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. 

    Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là hành vi “tham nhũng vặt”, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý. Thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo theo quy định. 
 
    Xử lý kịp thời, nghiêm minh việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạm trong công tác cán bộ; kịp thời chấn chỉnh, thay thế những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, có hành vi tham nhũng, tiêu cực, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị xử lý kỷ luật hoặc có tín nhiệm thấp theo đúng quy định; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
 
    Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát để phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.
 
    Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi chỉ đạo. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; làm tốt công tác giám định, định giá tài sản phục vụ việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
 
    Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Thực hiện tốt việc giải trình chất vấn, tiếp xúc cử tri; phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội; thực hiện giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.
 
    Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong đấu tranh, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách còn sơ hở, bất cập, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
 
    Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình để ngăn chặn hành vi nhũng nhiễu, lạm quyền, gợi ý “lót tay” và các hành vi vi phạm khác về tham nhũng, tiêu cực. Bộ phận tham mưu, giúp việc các huyện ủy, thành ủy thực hiện tốt công tác tham mưu cho thường trực, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 
 
    Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Bích Hạnh 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình)

Tag:

File đính kèm