Kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo của Đảng, một trong những nội dung của công tác xây dựng Đảng, một trong những phương thức thiết thực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và ý thức, quyết tâm PCTNTC. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện tốt, thường xuyên, nền nếp sẽ giúp nêu cao tính tự giác, chủ động của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ; khiến họ sử dụng quyền lực được giao một cách đúng đắn, không dám lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Thông qua kiểm tra, giám sát, cấp ủy và ủy ban kiểm tra của cấp ủy có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và xử lý sai phạm. Thực tế cho thấy, qua công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết đơn, thư tố cáo đối với các tổ chức đảng, đảng viên, đã phát hiệu được nhiều vụ việc lợi dụng quyền lực để tham ô, tham nhũng, chiếm dụng tài sản của Nhà nước, của tập thể. Trên tinh thần “kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật”, Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC đã tập trung tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát.
|
Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác nội chính năm 2024 của Thành ủy Đà Nẵng |
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã tập trung tham mưu xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm tạo lập hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; đồng thời làm cơ sở xem xét, đánh giá, kết luận xác định và xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm. Ngay sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố ban hành Quy định để triển khai tại địa phương. Qua quá trình triển khai, trên tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, Cơ quan Thường trực đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Quy định về kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Đồng thời, tham mưu sửa đổi, bổ sung Quy định xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo theo hướng bổ sung thêm các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và phân cấp, ủy quyền cho các đảng ủy trực thuộc Thành ủy theo dõi, chỉ đạo, báo cáo kết quả xử lý một số vụ án, vụ việc và giao Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp chỉ đạo một số vụ án, vụ việc.
Ngay từ đầu năm, Ban Nội chính Thành ủy đã chủ động tham mưu xây dựng Chương trình công tác, Chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy để tránh trùng lắp về nội dung, thời điểm kiểm tra, giám sát. Đặc biệt là bám sát chỉ đạo của Trung ương và cụ thể hóa các nội dung kiểm tra, giám sát, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, nhất là tăng cường kiểm tra, giám sát các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội (trọng tâm là công tác cán bộ; xây dựng pháp luật; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án đầu tư lớn, mua sắm lớn từ tài sản nhà nước; cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; hoạt động quản lý vốn đầu tư, sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ, hoạt động huy động vốn; mua sắm thiết bị trường học...). Trước khi xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, Ban thường xuyên tiến hành hoạt động nắm tình hình về đối tượng được kiểm tra, giám sát. Việc nắm tình hình được thực hiện qua nhiều kênh thông tin như: qua việc rà soát đơn thư; qua việc theo dõi tình hình xử lý các vụ án, vụ việc; qua việc trao đổi với các cơ quan liên quan… Trên cơ sở đó, Ban đã tham mưu chọn các lĩnh vực, đối tượng được kiểm tra, giám sát sát với tình hình thực tế của địa phương để kịp thời kiến nghị, chấn chỉnh khi có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Sau khi Ban Chỉ đạo thống nhất thông qua, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã ban hành văn bản thông báo cho các đơn vị được chọn kiểm tra để chủ động trong việc phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo.
Để đảm bảo được tính hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã đề nghị cử các cán bộ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác lâu năm tại các cơ quan là thành viên của Ban Chỉ đạo để tham gia đoàn kiểm tra, giám sát. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có trình độ chuyên môn sâu, phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, có dũng khí, công tâm, khách quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu nêu gương, tự tu dưỡng, rèn luyện tác phong, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; chỉ đạo và quyết tâm tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; duy trì hiệu quả hoạt động đối thoại với công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì ở đó, tình hình ổn định, thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, PCTNTC đạt hiệu quả, củng cố lòng tin của Nhân dân và nâng cao vị thế, uy tín người đứng đầu. Do đó, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã tập trung tham mưu Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và có nhiều khiếu kiện, khiếu kiện kéo dài; đồng thời, quan tâm giải quyết dứt điểm những vụ việc gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn, nhưng là việc không thể không làm. Thực tế xử lý kỷ luật cán bộ cao cấp vi phạm vừa qua cho thấy, vẫn còn sự thiếu trách nhiệm, nể nang, né tránh, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của những người có thẩm quyền, trách nhiệm... Vì thế, cần tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ Đảng, ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, phát hiện và khắc phục ngay những thiếu sót, khuyết điểm khi mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn; bảo đảm cho Đảng ta, trước hết là các cơ quan lãnh đạo và cán bộ lãnh đạo của Đảng luôn kiên định về chính trị, vững vàng về đường lối, không chệch hướng, có phẩm chất cách mạng tốt, ngăn chặn, đẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trên cơ sở tham mưu của Cơ quan Thường trực, năm 2023, Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC Đà Nẵng đã triển khai 04 đoàn kiểm tra, giám sát đã triển khai 02 Đoàn kiểm tra tại Ban Thường vụ Quận ủy Liên Chiểu, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân thành phố; 02 Đoàn giám sát tại Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố về việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PCTNTC. Sau khi kết thúc đoàn, Ban Chỉ đạo đã thực hiện báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát cho Ban Thường vụ Thành ủy, đồng thời ban hành văn bản gửi các địa phương, đơn vị để rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC trong thời gian tới. Hiện nay, trên cơ sở Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024, Ban Chỉ đạo thành phố đang tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PCTNTC tại 03 đơn vị, địa phương gồm Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê và Ban Thường vụ Đảng ủy Viễn thông Đà Nẵng. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Ban cũng kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố trình Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo việc tự kiểm tra, báo cáo các chuyên đề theo yêu cầu của Trung ương.
Có thể nói, công tác kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Nhưng càng khó thì càng phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tuyệt đối không né tránh trách nhiệm, bao che tham nhũng, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng sẽ nâng cao hơn nữa tính chủ động trong việc nắm chắc tình hình, theo dõi địa bàn, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý.
P.V