Sign In

Nâng cao hiệu quả, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay

08:44 24/09/2024
Trong thời gian qua, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là vấn đề đã được đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phải chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

     Trên cơ sở đánh giá khái quát về thực trạng, hậu quả và nguyên nhân, tác giả bài viết gợi mở những giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

    1. Để động viên, khuyến khích tinh thần làm việc cống hiến vì lợi ích quốc gia, vì nhân dân phục vụ, Chính phủ đã ban hành, triển khai Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Từ thực tiễn đã cho thấy, có nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm, ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là vấn đề đã được đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo phải chấn chỉnh, khắc phục kịp thời: “Chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”(1).

Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính, Trưởng Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo phát biểu tại buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ngày 02/8/2024 (ảnh Tạ Anh Hưng)
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính, Trưởng Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo phát biểu tại buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ngày 02/8/2024 (ảnh Tạ Anh Hưng)

    Thực trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã được đề cập trong Công điện số 968/CĐ-TTg, ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp: “tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc”(2). Phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là”(3).

    Ban cán sự đảng Chính phủ đã đánh giá: “Né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm là thực trạng xảy ra ngày càng rõ nét trong thời gian gần đây ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý”(4). Thành ủy Hà Nội nêu rõ: “…Còn có một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, có tâm lý e dè, làm việc cầm chừng, sợ sai phạm, sợ trách nhiệm không dám làm; có tư tưởng, quan niệm “làm nhiều sai nhiều”; không dám mạnh dạn, quyết liệt tham mưu, đề xuất xử lý công việc, nhất là những việc khó; đùn đẩy công việc sang bộ phận khác…”(5). Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “…Còn có một số cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các bộ phận, các cơ quan với nhau khiến công việc bị đình trệ; một số cán bộ lãnh đạo chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ động né tránh, không dám quyết, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên…”(6). Theo đánh  giá của tỉnh ủy Vĩnh Phúc, trong thực thi công vụ, “vẫn còn tình trạng sở, ngành, địa phương có triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng quá trình thực hiện chưa có quyết tâm cao; có việc triển khai mang tính hình thức, đối phó, nhiệm vụ giải quyết chưa hết thẩm quyền, trách nhiệm đã báo cáo; chưa mạnh dạn nhận trách nhiệm của mình, còn có hiện tượng đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan.

    Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nhịp nhàng, nhất là trong giải quyết khó khăn, vướng mắc; còn có tình trạng thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, có tư tưởng giữ an toàn cho mình, cho đơn vị mình, còn khó khăn đẩy về cơ quan khác; gặp khó khăn thì không dám quyết định, sợ sai, thường xuyên có văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị cấp trên để hỏi, hướng dẫn, xin ý kiến”(7).

    Các đơn vị, địa phương trong phạm vi quản lý, phụ trách đã nhận diện tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên xảy ra trên nhiều lĩnh vực của xã hội. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực: Giải ngân vốn đầu tư công; quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; bất động sản; quản lý, sử dụng ngân sách; đấu thầu, mua sắm trang thiết bị khu vực công; cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp người dân, doanh nghiệp; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân tại cơ sở; bồi thường, giải phóng mặt bằng; công tác tự phê bình, phê bình, đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên;… và vấn đề khó, mới phát sinh, chưa có tiền lệ. Điển hình như, Ban cán sự đảng thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ: “…thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ diễn ra khá phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là trong lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp người dân, doanh nghiệp…”(8). Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nhận định tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên “thường xảy ra đối với một số cán bộ, đảng viên, công chức làm việc trong các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công, mua sắm trang thiết bị khu vực công, cung cấp dịch vụ liên quan trực tiếp người dân, doanh nghiệp… và đối với các vấn đề khó, mới phát sinh, chưa có tiền lệ”(9). Tỉnh ủy Hòa Bình đánh giá “một số lĩnh vực có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm như các thủ tục liên quan đến đất đai, tài nguyên, cấp phép, định giá, giám định, đấu thầu mua sắm…”(10). Theo tỉnh ủy Nghệ An, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thường xảy ra ở một số lĩnh vực:  “Quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư công; bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý, sử dụng ngân sách; đấu thầu mua sắm tài sản, trang bị…; công tác tự phê bình, phê bình, đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức”(11). Tỉnh ủy Bắc Ninh đánh giá, hiện tượng e ngại, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm xảy ra ở lĩnh vực: Quản lý đất đai; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân tại cơ sở; lĩnh vực đầu tư công; mua sắm trang thiết bị phục vụ giáo dục và đào tạo, y tế, phục vụ cho sản xuất(12).

    Về hậu quả, tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên gây ra hậu quả tiêu cực đối với mọi mặt của đời sống xã hội, làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, suy giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; gây cản trở sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; làm cho một số cán bộ, đảng viên mất đi động lực phấn đấu, cống hiến. Những vấn đề này được thể hiện rõ trong báo cáo đánh giá của các đơn vị, địa phương. Điển hình như, theo Ban cán sự đảng Chính phủ đánh giá, tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên “dẫn đến quá trình xử công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giảm niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…”(13). Theo Thành ủy Đà Nẵng, “tình trạng sợ, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức dù ở cấp độ khác nhau nhưng đều hết sức nguy hại, tác động tiêu cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc… Cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm sẽ làm giảm sút năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng”(14). Tỉnh ủy Bạc Liêu đánh giá, tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên “hình thành tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, không vì lợi ích chung, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh và tư tưởng không có lợi cho bản thân thì không làm, làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai; thiếu ý thức nâng cao trình độ, năng lực để phục vụ tốt cho công việc”(15). Tỉnh ủy Hải Dương đánh giá, “người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị sợ trách nhiệm sẽ làm cán bộ, nhân viên thuộc quyền thiếu niềm tin, thiếu năng nổ, thiếu nhiệt huyết, làm việc cầm chừng, không muốn cống hiến”(16). Ngoài ra, các thế lực thù địch lợi dụng tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên để kích động, gây mâu thuẫn nội bộ ta, tuyên truyền, xuyên tạc nhằm chống Đảng, Nhà nước, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

    Tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nổi lên là những nguyên nhân chủ quan: Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ còn hạn chế, có tâm lý và thái độ làm việc cầm chừng với quan điểm “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai”, nảy sinh tư tưởng ngại khó, ngại khổ; một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức do không hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đang công tác hoặc thiếu năng lực, bản lĩnh chính trị, công việc được giao vượt quá năng lực nên có tâm lý sợ sai, sợ bị trách nhiệm, không dám làm, từ đó né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, đơn vị khác; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bị áp lực công việc, không nhận được chia sẻ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Nhân dân, Đảng, Nhà nước; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức lười học tập, nâng cao trình độ, một số chưa thực sự tâm huyết với nghề; công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được quan tâm nhưng chưa thường xuyên; đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên còn nể nang, “cào bằng”, không đúng thực chất nên nảy sinh tâm lý chán nản, né tránh, làm việc cầm chừng; người đứng đầu một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý việc thực thi công vụ của một số cơ quan, đơn vị đôi khi chưa quyết liệt;… Về nguyên nhân khách quan, nổi lên là những vấn đề sau: Một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu thống nhất, rõ ràng, có cách hiểu khác nhau khi áp dụng, còn chồng chéo, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn khi thực hiện, cán bộ chưa tiếp thu đầy đủ, kịp thời nên còn e dè, sợ sai, né tránh, đùn đẩy; một số quy trình công tác chưa rõ ràng nên áp dụng không thống nhất, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả giữa các khâu và giữa các ngành, cơ quan chức năng; chế độ, chính sách còn thấp, rủi ro pháp lý cao trong một số lĩnh vực, nhiệm vụ dẫn đến tâm lý sợ sai, sợ bị xử lý trách nhiệm, làm việc qua loa, chiếu lệ, cầm chừng, không muốn làm, không dám làm; vấn đề mới nảy sinh cần giải quyết trong thời gian ngắn, gấp nhưng chưa có tiền lệ hoặc thiếu cơ chế, chính sách và pháp luật; cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung chưa đủ mạnh; nhận diện, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm là lĩnh vực khó, nhạy cảm; cho đến nay chưa có quy định, tiêu chí đánh giá, xử lý tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

    2. Thời gian tới, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ trên một số mặt tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ âm mưu, ý đồ và dùng mọi thủ đoạn chống lại sự nghiệp cách mạng Việt Nam, tăng cường tấn công, lôi kéo, mua chuộc đội ngũ cán bộ, đảng viên công tác trong cơ quan Đảng, Nhà nước. Nội luật hóa văn bản quy phạm pháp luật quốc tế chưa theo kịp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, gây khó khăn khi triển khai một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, mang tính đột phá, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao để xứng đáng niềm tin, kỳ vọng của nhân dân. trong bối cảnh đó, trách nhiệm, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng cao hơn so với giai đoạn trước. trong khi đó, chế độ, chính sách với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mặc dù đã được quan tâm những vẫn còn thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới… Những vấn đề trên tiếp tục tác động mạnh mẽ, đặt ra nhiệm vụ nặng nề hơn với công tác chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở nước ta thời gian tới.

    “Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan. Cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện đối với việc đề xuất và thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo. Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 Nghị định này”.
Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 của Chính phủ.

    Để nâng cao hiệu quả chấn chỉnh, khắc phục vấn đề né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cần thực hiện tốt những nội dung sau: 

    Thứ nhất, thống nhất, nâng cao nhận thức về chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn dân.

    Đây là giải pháp về mặt nhận thức, có tính định hướng cho triển khai hành động trên thực tiễn. trước hết, cần thống nhất, nâng cao nhận thức rằng, chấn chỉnh, khắc phục vấn đề né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Tập trung nâng cao nhận thức về trách nhiệm thực thi công vụ; biểu hiện, nguyên nhân và hậu quả của vấn đề né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phạm vi từng ngành, lĩnh vực; ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; yếu tố tác động và công tác, biện pháp cần thực hiện để phòng ngừa, phát hiện, xử lý tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… Cần tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để sáng tỏ những nội dung nêu trên. Ban Nội chính Trung ương phối hợp chặt chẽ với Ban tuyên giáo trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ thông tin và truyền thông… tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về chấn chỉnh, khắc phục vấn đề né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, phát triển thành phong trào, xu thế rộng rãi trong xã hội. 

    Thứ hai, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật để phòng ngừa tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

    Tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Chỉ thị số 27-Ct/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên trong giai đoạn mới; Công điện số 968/CĐ-TTg, ngày 16/10/2023 của Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp... Nghiên cứu, bổ sung vấn đề né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm là căn cứ đánh giá, xếp loại, để xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến thực hiện chức trách công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo hướng đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và bảo đảm vừa tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ, công chức yên tâm thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

    Tăng cường nghiên cứu thực hiện đồng bộ, quyết liệt giải pháp phân công, phân quyền theo Nghị quyết số 04/NQ-CP, ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, bố trí nguồn lực phù hợp gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Nghiên cứu, rà soát bất cập, hạn chế trong quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để tham mưu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, địa phương trong giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, đẩy mạnh phân công, phân cấp rõ ràng; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống quản lý. Bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật khắc phục những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro trong quá trình thực thi công vụ, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức yên tâm thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức về đổi mới, sáng tạo; thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, cán bộ năng động, có sáng kiến, đề xuất đổi mới hiệu quả. Rà soát, hoàn thiện quy chế làm việc, sửa đổi, bổ sung quy trình phân công và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị; cụ thể hóa, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu công việc, trong đó công việc thuộc thẩm quyền phải xử lý kịp thời, đơn giản hóa thủ tục.

    Đổi mới phương thức làm việc theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, nâng cao chỉ số mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Hoàn thiện thể chế để thích ứng, phù hợp với môi trường làm việc số, tăng tính công khai, minh bạch. Đẩy mạnh kết nối, chia dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị vừa bảo đảm đúng quy định bảo mật, vừa nâng cao hiệu quả công việc, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước. 

    Thứ ba, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

    Sử dụng tổng hợp các công tác, biện pháp, như kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, công tác tổ chức, cán bộ… để phát hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kiên quyết xử lý nghiêm minh số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm theo tinh  thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Không đưa vào quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với cán bộ, đảng viên né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ, không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao. Phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, đối với các trường hợp cán bộ, đảng viên cố tình né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, cơ quan, đơn vị, gây hậu quả nghiêm trọng. Phải kiên quyết đấu tranh, sàng lọc những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tranh công, đổ lỗi, nể nang, né tránh, không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm.

    Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tâm, tận lực cống hiến vì lợi ích quốc gia - dân tộc, vì nhân dân phục vụ và bố trí theo đúng vị trí việc làm, phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn.

    Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tâm, tận lực cống hiến vì lợi ích quốc gia - dân tộc, vì nhân dân phục vụ, được bố trí công việc phù hợp năng lực, sở trường thì sẽ không xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất liêm chính, có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu nước, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đạo đức trong sáng, lối sống gương mẫu, trọng liêm sỉ, luôn xác định “danh dự là điều thiêng, cao quý nhất”, giản dị, có bản lĩnh và dũng khí bảo vệ lẽ phải, đặt lợi ích của Nhân dân, của Đảng, Nhà nước lên trên hết, trước hết. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo hướng toàn diện về chính trị, tư tưởng và chuyên môn nghiệp vụ. Công tác tổ chức, cán bộ phải dựa trên năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để bố trí theo đúng vị trí việc làm, phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đảm nhận chức trách, nhiệm vụ được tổ chức giao phó phải “đúng vai, thuộc bài”, phải thật chuyên nghiệp, đóng vai trò là chuyên gia trên lĩnh vực công tác đảm nhận. thực hiện tốt chế độ, chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm điều kiện làm việc để tạo động lực thúc đẩy cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhiệt huyết, trách nhiệm, nêu cao tinh thần nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; có biện pháp, chính sách khuyến khích, khen thưởng thực chất dựa trên hiệu suất và kết quả thực hiện công việc được giao.

    Thứ năm, tham mưu Bộ Chính trị xây dựng, ban hành quy định về chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. 

    Nội dung quy định này phải xác định rõ vấn đề trọng tâm như: Nhận diện biểu hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; trách nhiệm kiểm soát, phòng, chống né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và lãnh đạo, quản lý (trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; đơn vị giám sát, phản biện xã hội; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân,…); xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và lãnh đạo, quản lý né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm. Tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện được quy định trên giúp nâng cao nhận thức và bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân. 

     Công tác chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm. Để thực hiện được cần phải có quyết tâm chính trị rất cao, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Nghiên cứu, đánh giá, làm rõ vấn đề này đòi hỏi sự tham gia nghiên cứu, tổng kết thực hiện của nhiều ban, bộ, ngành, địa phương.

    (1) Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tại Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, nguồn: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-chu-tri-phien-hopthu-23-cua-ban-chi-dao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-716455, truy cập ngày 07/8/2024.
    (2) Công điện số 968/CĐ-TTg, ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
    (3) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII, đăng ngày 15/8/2023, nguồn: https:// xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyenphu-trong-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-giua-nhiem-ky-119230518073335517.htm, truy cập ngày 15/6/2024.
    (4) Báo cáo số 2294-BC/BCSĐCP, ngày 11/10/2023 của Ban cán sự đảng Chính phủ.
    (5) Báo cáo số 501-BC/tU, ngày 01/12/2023 của thành ủy Hà Nội.
    (6) Báo cáo số 527-BC/TU, ngày 03/10/2023 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
    (7) Báo cáo số 390-BC/TU, ngày 06/10/2023 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
    (8) Báo cáo số 137-BC/BCSĐ, ngày 20/10/2023 của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ.
    (9) Báo cáo số 527-BC/TU, ngày 03/10/2023 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
    (10) Báo cáo số 617-BC/TU, ngày 03/10/2023 của Tỉnh ủy Hòa Bình.
    (11) Báo cáo số 355-BC/TU, ngày 10/10/2023 của Tỉnh ủy Nghệ An.
    (12) Báo cáo số 338-BC/TU, ngày 17/10/2023 của Tỉnh ủy Bắc Ninh.
    (13) Báo cáo số 2294-BC/BCSĐCP, ngày 11/10/2023 của Ban cán sự đảng Chính phủ.
    (14) Báo cáo số 434-BC/TU, ngày 02/10/2023 của Thành ủy Đà Nẵng.
    (15) Báo cáo số 412-BC/TU, ngày 02/10/2023 của Tỉnh ủy Bạc Liêu.
    (16) Báo cáo số 373-BC/TU, ngày 29/9/2023 của Tỉnh ủy Hải Dương.

TS. Nguyễn Xuân Trường
(Ban Nội chính Trung ương)

Tag:

File đính kèm