Chú trọng đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng mạng lưới và nâng cao năng lực của hệ thống dịch vụ pháp lý, trợ giúp, hỗ trợ pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, các địa phương, đơn vị triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức học tập, sinh hoạt chuyên đề trong các chi bộ, cuộc họp thôn, tổ dân phố; hội nghị giao ban, đăng tải trên cổng thông tin điện tử... Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới.
|
Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn |
Về các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh luôn được các địa phương, đơn vị phổ biến, quán triệt thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch đã giúp người dân tiếp cận đầy đủ và tích cực tham gia góp ý trong việc xây dựng đảng, xây dựng chính quyền tại địa phương. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được quan tâm thực hiện hiệu quả. Cụ thể: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 14 quyết định; hoàn thiện hồ sơ trình HĐND tỉnh ban hành 9 nghị quyết quy phạm pháp luật. Quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tuân thủ đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ các quy định, thủ tục hành chính tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Chú trọng việc tổ chức lấy ý kiến của người dân và cơ quan, tổ chức liên quan, nhất là các văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân thông qua nhiều hình thức. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhìn chung đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận.
Hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được thực hiện thường xuyên, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đã thực hiện tự kiểm tra 14 văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh, kiểm tra theo thẩm quyền 03 văn bản, rà soát 08 văn bản, bãi bỏ 02 văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh có nội dung không còn phù hợp.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2023, xác định cụ thể từng mục tiêu, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện. Đến nay, các nhiệm vụ đã được cơ quan, đơn vị liên quan chủ động triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đề ra, qua đó 19/19 đơn vị cấp tỉnh, 8/8 đơn vị cấp huyện và 108/108 đơn vị cấp xã đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể đối với từng lĩnh vực cải cách hành chính.
Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa; thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội...
Tòa án nhân dân hai cấp tập trung vào các giải pháp cải cách về tổ chức và hoạt động của ngành; đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp chuyên nghiệp, hiệu quả; xây dựng chế độ xét xử độc lập, công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là chức danh tư pháp; tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực để xây dựng Tòa án chính quy, hiện đại, hoạt động hiệu quả.
Công an tỉnh chỉ đạo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Cơ quan điều tra theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua Đề án “Đẩy mạnh xây dựng Công an Bắc Kạn thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Về quản lý nhà nước đối với luật sư; về phát triển và xây dựng đội ngũ công chứng viên, đấu giá viên, giám định tư pháp; về hoạt động trợ giúp pháp lý;… được quan tâm thực hiện theo quy định.
Phạm Thị Hồng Vân
(Ban Nội chính Trung ương)