Sign In

Thái Nguyên: Quán triệt những nội dung cơ bản về cải cách tư pháp

15:58 04/10/2023
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức Hội nghị quán triệt những nội dung cơ bản về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới".

    Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên vừa tổ chức Hội nghị quán triệt những nội dung cơ bản về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ điểm cầu Tỉnh ủy đến các điểm cầu cấp huyện, thành ủy với sự tham gia của các đại biểu là lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, cán bộ, công chức của Ban nội chính tỉnh ủy, các cơ quan tư pháp, cơ quan tham gia hoạt động tư pháp và cơ quan bổ trợ tư pháp tại địa phương.
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
    Các đại biểu tham dự Hội nghị được GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, Ủy viên Hội đồng Khoa học Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thành viên Thường trực Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” truyền đạt 02 chuyên đề: (1) Khái quát về Nhà nước pháp quyền và những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, cần thống nhất nhận thức Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, dựa trên thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời khẳng định 08 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW. (2) Những nội dung cơ bản về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. GS.TS Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một trong 3 trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cơ sở khái quát quá trình phát triển nhận thức, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, báo cáo viên đã đi sâu phân tích nội dung 10 giải pháp cụ thể nhằm “xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân” và nhấn mạnh một số điểm mới, nội dung cần lưu ý về cải cách tư pháp trong Nghị quyết số 27-NQ/TW. 
 
GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, Ủy viên Hội đồng Khoa học Ủy ban Thường vụ Quốc hội truyền đạt các chuyên đề
GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, Ủy viên Hội đồng Khoa học Ủy ban Thường vụ Quốc hội truyền đạt các chuyên đề
    Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thọ, Trưởng Ban Nội chính tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở nội dung quán triệt, đề nghị toàn thể cán bộ, công chức ngành tư pháp, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và cương vị công tác của mình, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, cụ thể hóa những những nội dung cơ bản về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới.
                                                             Bích Hạnh
                                              (Ban Nội chính Trung ương)

Tag:

File đính kèm