Đề án nêu rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn diễn biến phức tạp với phương thức ngày càng tinh vi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp) vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến mức bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự...
|
Phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa |
Trong nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được đề ra và triển khai thực hiện, việc xây dựng, hình thành văn hóa liêm chính, tiết kiệm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, công tác giáo dục liêm chính hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chỉ được lồng ghép chung trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nội dung, tài liệu về giáo dục liêm chính chưa được biên soạn bài bản và còn thiếu; phương thức giáo dục liêm chính có mặt còn hạn chế...
Trên cơ sở tham mưu của Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về nội dung Đề án. Ngày 23/02/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 2664-KL/TU về tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực với phương châm “từ sớm, từ xa”, “cả gốc lẫn ngọn”, Kết luận số 2664-KL/TU đã đặt ra yêu cầu: Nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác giáo dục liêm chính nói riêng. Đổi mới toàn diện, thực chất nội dung và phương thức giáo dục liêm chính; xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, gương mẫu, tiên phong, tận tụy phục vụ Nhân dân, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại.
Để hiện thực hóa yêu cầu đó, cấp ủy, tổ chức đảng cần coi công tác giáo dục liêm chính là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục quan tâm làm tốt công tác cán bộ, trong đó lấy liêm chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, sử dụng cán bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hành liêm chính. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục và thực hành liêm chính.
Ban Nội chính Tỉnh ủy Thanh Hóa