Sign In

Bắc Giang: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

06:29 19/03/2024
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 117-KH/TU, ngày 01/3/2024 thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

   
 
    Việc ban hành Kế hoạch nhằm mục đích quán triệt, tuyên truyền, triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 27-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ và các cấp chính quyền, sự đồng thuận trong toàn xã hội góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lãng phí trên tất cả các lĩnh vực; nâng cao hiệu quả việc huy động, quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân. Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính; đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
 
Một Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, thanh tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang
                                 Một Hội nghị giao ban công tác kiểm tra, thanh tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang
    Để thực hiện tốt Chỉ thị, Kế hoạch đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: (1) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (2) Tham gia xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (3) Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược và chương trình quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hằng năm; (4) Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; (5) Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, quần chúng Nhân dân.
 
    Cụ thể, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành việc làm thường xuyên, hành động tự giác trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội; hình thành nên thói quen tiết kiệm, nâng tầm “tính tiết kiệm” trở thành “văn hóa tiết kiệm” trong sinh hoạt và công tác.
 
    Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào những lĩnh vực có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh, để kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn hoặc chưa đúng quy định của pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như: Đấu thầu, đấu giá; quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đất đai; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên.
 
    Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ gắn với tăng cường trách nhiệm cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước… Thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công; kiên quyết thu hồi tài sản công sử dụng sai mục đích, đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản công đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để thất thoát, lãng phí.
 
    Tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, chống thất thu; thực hiện đúng lộ trình cải cách chính sách thuế theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, tăng cường công tác quản lý nhà nước về thuế, có kế hoạch, biện pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững từ thuế, phí, lệ phí. Thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; siết chặt kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; điều hành ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, công khai, minh bạch; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. 
 
    Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản cho phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, giải quyết công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác chuyên môn. Nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm, thất thoát, lãng phí về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công.
 
    Tăng cường hiệu quả công tác phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Tích cực tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo các chính sách, pháp luật nhằm phát hiện, kiến nghị để hạn chế, khắc phục những “khe hở” dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí.
P.V

Tag:

File đính kèm