Vừa qua,
Phát biểu khai mạc Lễ công bố, PGS. TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (HCMA), điểm lại một số kết quả quan trọng mà HCMA và UNDP đã cùng nhau đạt được trong chặng đường 15 năm hình thành và phát triển của Bộ chỉ số PAPI, bền bỉ đóng góp cho những thay đổi to lớn, tích cực, có hệ thống trong nền hành chính công Việt Nam.
Báo cáo chỉ số PAPI lần thứ 15 phản ánh cảm nhận, trải nghiệm, ý kiến và kỳ vọng của người dân Việt Nam về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp trong năm 2023.
|
Quang cảnh Lễ công bố |
Chỉ số PAPI năm 2023 được thực hiện dựa trên sự tham gia phỏng vấn trực tiếp ở mức kỷ lục của 19.536 người dân các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc, bao gồm 8 chỉ số thành phần: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
So sánh kết quả khảo sát PAPI năm 2023 với năm 2021 và năm 2022 cho thấy, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và hiệu quả quản trị điện tử được cải thiện phần nào. Ngược lại, hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có xu hướng giảm sút. Các chỉ số nội dung còn lại, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Trách nhiệm giải trình với người dân; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công và Quản trị môi trường cho thấy hiệu quả thực hiện công vụ ở những lĩnh vực này ít thay đổi so với hai năm trước.
Theo Báo cáo chỉ số PAPI năm 2023, trong số 15 tỉnh/thành phố đạt điểm chỉ số cao nhất, Thừa Thiên Huế dẫn đầu với 46,0415 điểm (trên tổng điểm là 80), cao hơn mức trung bình của cả nước là 42,3265. Xếp sau là một số địa phương có mức điểm PAPI trong khoảng 45,5 - 45,7 gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Trong khi đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công thấp hơn đáng kể, ở mức lần lượt là 43,9603 và 41,7754. Thậm chí chỉ số PAPI 2023 của TP. Hồ Chí Minh còn thấp hơn mức chỉ số PAPI trung bình của cả nước.
Khác với những năm trước, 5 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và 5 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất. Trong khi đó, 4 trong 5 tỉnh vùng Tây Nguyên (trừ tỉnh Đắk Lắk thuộc nhóm trung bình - thấp) và 4 trong 11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng gia nhập nhóm đạt điểm thấp nhất.
Theo kết quả PAPI, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công gồm 4 nội dung thành phần: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công; Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương. Điểm số của tất cả các tỉnh/thành phố dao động từ 5,86 - 8,15 trên thang đo từ 1-10 điểm.
Trong bối cảnh tham nhũng vẫn là vấn đề được Đảng và nhân dân hết sức quan tâm, kết quả đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cũng như trong thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có ý nghĩa quan trọng, cho dù đánh giá của người dân ở hai chỉ số này đang cho thấy hai chiều hướng khác nhau trong năm 2023.
Người dân có cảm nhận hiện trạng tham nhũng có xu hướng giảm ở 5 trong số 8 hoạt động công vụ đo lường qua PAPI. Đó là: Cán bộ chính quyền dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng, người dân phải đưa “lót tay” để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương nhận chung chi để doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường, phụ huynh phải “bồi dưỡng” giáo viên để con em được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập và người dân phải đưa “lót tay” để được quan tâm hơn khi đi khám chữa bệnh ở bệnh viện công. Mặc dù vậy, trong năm 2023, tỷ lệ người cho rằng cần phải “lót tay” để bảo đảm xin được việc làm trong khu vực Nhà nước cao hơn so với năm 2021.
Có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021, đặc biệt là trong công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã. Nếu như từ năm 2018 đến năm 2022, có khoảng 43% đến 46% số người được hỏi trên toàn quốc xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai, thì đến năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống còn 39%, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Theo đại diện thường trú UNDP Ramla Khalidi: Dữ liệu từ Chỉ số PAPI phục vụ cung cấp bằng chứng cho việc hoạch định chính sách rất phong phú. Dựa trên những dữ liệu này, UNDP mong rằng tất cả các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi cởi mở với các bên liên quan và có những hành động cụ thể để cải thiện sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Mặc dù có những kết quả khả quan trong năm 2023, đặc biệt trong kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và trong thúc đẩy tiềm năng của quản trị điện tử, vẫn còn có những những lĩnh vực khác được đánh giá thấp, đặc biệt là đánh giá của người dân về mức độ công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương.
Bên cạnh đó, cũng có những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với năm 2020. Mặc dù có tới gần 80% người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2023 cho biết họ đã dùng internet tại nhà, song “khoảng cách số” trong tiếp cận internet giữa các nhóm dân cư khác nhau về giới tính, khu vực sinh sống, dân tộc hoặc tình trạng hộ khẩu vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Tỷ lệ nam giới có điều kiện sử dụng internet cao hơn từ 5% - 10% so với nữ giới và người đồng bào dân tộc thiểu số cũng có mức độ tiếp cận internet thấp hơn từ 10% - 20% so với người Kinh qua các năm từ 2016 đến 2023.
Kết quả cũng cho thấy, đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia và 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc. Một trong những lý do khiến người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến là do lo ngại về quyền riêng tư, với 1/3 số người đã dùng các cổng dịch vụ công nêu lý do này.
Những phát hiện này cho thấy cần cải thiện tính dễ tiếp cận và thân thiện với người dùng của các cổng dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm tính thuận tiện và toàn trình cho tất cả các đối tượng người dùng là công dân. Một biện pháp thiết thực là thiết kế cổng dịch vụ công trực tuyến theo hướng tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập và sử dụng mọi lúc, mọi nơi bằng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, các cổng dịch vụ công phải bảo đảm quyền riêng tư của công dân.
P.V