1. Về cải cách tư pháp ở Ca-dắc-xtan
Các tòa án địa phương gồm: Tòa án tỉnh và tương đương (tòa án thành phố thủ đô, tòa án thành phố trực thuộc trung ương); Tòa án cấp huyện và tương đương (tòa án thành phố, tòa liên vùng). Ngoài ra, ở Ca-dắc-xtan có thể thành lập các tòa án khác, trong đó có các tòa án chuyên ngành (tòa án quân sự, tài chính, kinh tế, hành chính, tòa án vị thành niên,…). Các tòa án chuyên ngành do Tổng thống thành lập và có địa vị pháp lý tương đương tòa án cấp tỉnh hoặc tòa án cấp huyện.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cùng Đoàn cán bộ làm việc tại Ca-dắc-xtan |
Công tác cải cách tư pháp ở Ca-dắc-xtan tập trung vào việc nâng cao chất lượng và mức độ bảo vệ quyền công dân, mở rộng khả năng tiếp cận công lý, đảm bảo tính độc lập và tăng cường trách nhiệm của thẩm phán. Theo Tổng thống Ca-dắc-xtan Tokayev, một trong những nguyên tắc chính trong việc hình thành một Ca-dắc-xtan công bằng là việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền trong mọi lĩnh vực của đời sống phải trở thành nền tảng cho sự tiến bộ của Ca-dắc-xtan, để mọi công dân đều tin tưởng vào việc bảo vệ quyền lợi của mình và không nghi ngờ tính công bằng của tòa án. Thay mặt Tổng thống, một nhóm công tác về cải cách hệ thống tư pháp đã được thành lập tại Thượng viện và giai đoạn đầu tiên trong hoạt động của nhóm này đã dẫn đến việc các đạo luật lập pháp được Quốc hội thông qua vào tháng 3/2023.
Theo đó, vai trò của tòa phúc thẩm được tăng cường, kể từ tháng 7/2023, các tòa phúc thẩm đã ngừng trả lại các vụ án. Biện pháp này sẽ nâng cao trách nhiệm của thẩm phán trong việc đưa ra các phán quyết và đảm bảo tính thống nhất trong thực hành tư pháp. Để loại bỏ các công cụ gây áp lực lên thẩm phán từ các cơ quan thực thi pháp luật, các biện pháp bí mật chống lại thẩm phán chỉ có thể được thực hiện khi có sự chấp thuận của Tổng công tố viên chứ không phải công tố viên của Tỉnh như trước đây. Các ứng cử viên cho chức danh thẩm phán Tòa án tối cao được đệ trình lên Thượng viện xem xét, phê chuẩn trên cơ sở thay thế, tức là ít nhất là hai ứng cử viên cho một vị trí thẩm phán.
Từ năm 2024, Ca-dắc-xtan thực hiện chế độ bầu Chánh án tòa án quận. Các thẩm phán trực tiếp bầu ứng cử viên cho các vị trí này bằng hình thức bỏ phiếu kín. Những bước đi này sẽ làm tăng tính minh bạch của quá trình bổ nhiệm thẩm phán và làm cho việc thăng tiến trong nghề nghiệp thẩm phán trở nên minh bạch hơn. Việc đào tạo các ứng cử viên vào các vị trí thẩm phán, nâng cao nghiệp vụ, kéo dài độ tuổi, tạm ngừng và chấm dứt quyền hạn của thẩm phán được trao cho Hội đồng Tư pháp Tối cao. Từ tháng 7/2024, Học viện Tư pháp được chuyển từ Tòa án Tối cao sang Hội đồng Tư pháp Tối cao quản lý và cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc lựa chọn các thẩm phán, nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển sự nghiệp của thẩm phán. Thẩm quyền của bồi thẩm đoàn cũng đã được mở rộng. Từ ngày 01/01/2024, cho phép trả án phí cho nhà nước theo từng đợt khi có khiếu kiện lên tòa án.
Theo lệnh của Tổng thống Ca-dắc-xtan, để nâng cao trách nhiệm của thẩm phán, một cơ chế mới về khởi tố các vụ vi phạm kỷ luật đã được soạn thảo. Theo đó, một Ban giám khảo tư pháp sẽ kiểm tra từng bản án bị bãi bỏ xem có thẩm phán vi phạm nghiêm trọng luật pháp không. Theo khuyến nghị của Tòa án Hiến pháp, hiện đang soạn thảo bổ sung những tiêu chí về luật đối với những vi phạm luật pháp nghiêm trọng của thẩm phán. Trong khuôn khổ hoàn thiện công việc của Ủy ban về chất lượng tư pháp, hiện Ca-dắc-xtan đang tối ưu hóa số lượng những chỉ số đánh giá, đơn giản hóa các khái niệm này cho thẩm phán. Ngoài ra, một trong những vấn đề trọng yếu là cần hoàn thiện quá trình giám đốc thẩm.
Được sự ủy quyền của Tổng thống Ca-dắc-xtan, Tòa án Tối cao đã tổ chức tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp và Hiệp hội luật sư về việc thành lập cơ quan giám đốc thẩm độc lập. Kết quả là đã được ủng hộ về nguyên tắc thiết lập một mô hình mới về giám đốc thẩm các vụ án với việc thành lập ba tòa xét xử giám đốc thẩm độc lập là tòa hình sự, tòa án dân sự và tòa hành chính. Việc các tòa này nằm ở thủ đô sẽ giúp cho các tòa án và thẩm phán không chịu áp lực từ những giới tinh hoa ở địa phương. Theo một số sửa đổi Hiến pháp được Thượng viện thông qua vào ngày 21/6, các tòa phúc thẩm nói trên sẽ đi vào hoạt động từ 01/7/2025. Quốc hội Ca-dắc-xtan cũng đang thảo luận các dự thảo luật hướng tới mở rộng tư pháp hành chính, áp dụng “trọng tài chính phủ” và một loạt sáng kiến để nâng cao quyền công dân được hưởng nền tư pháp công bằng và dễ tiếp cận.
Về các vấn đề đảm bảo quyền và tự do cá nhân theo Hiến pháp trong quá trình xử lý hình sự, việc đảm bảo cân bằng giữa các mục tiêu công lý và quyền con người phụ thuộc vào việc sử dụng hợp pháp và chính đáng các biện pháp phòng ngừa. Theo tiêu chuẩn quốc tế, việc giam giữ người chờ xét xử không phải là quy định chung. Bộ luật Tố tụng hình sự Ca-dắc-xtan cũng quy định việc lựa chọn biện pháp giam giữ ít nghiêm khắc hơn giam giữ.
Hiện nay, tại Ca-dắc-xtan số người bị bắt trước khi xét xử vẫn ở mức cao, khoảng 11 nghìn người mỗi năm; trên thực tế, trong số này chỉ có 2/3 bị kết án tù. Vì vậy, cùng với các cơ quan thực thi pháp luật, Tòa án Tối cao đang nghiên cứu các vấn đề mở rộng thực hành sử dụng các biện pháp phòng ngừa thay thế thông qua việc sử dụng rộng rãi biện pháp giám sát bằng vòng đeo tay điện tử. Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự, hơn 1.000 điều và 1.200 đề xuất đã được phân tích; do đó, một dự thảo luật đã được soạn thảo nhằm tăng cường bảo vệ quyền của công dân và doanh nhân, tăng cường cạnh tranh, tối ưu hóa và “phi quan liêu hóa” quy trình tội phạm. Hiện tại, dự thảo luật đang được Hạ viện xem xét.
Về nâng cao chất lượng tư pháp, Tòa án Tối cao Ca-dắc-xtan đang nghiên cứu những quy định hiện có và đưa ra những quy phạm mới cho tất cả các loại thủ tục tố tụng. Trong những năm gần đây, trong số 111 phán quyết được tuyên, có 42 phán quyết đã được sửa đổi và điều chỉnh, tức là chiếm hơn 1/3 tổng số phán quyết đã tuyên. Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc hình thành hoạt động tư pháp là sự tham gia cá nhân của Chánh án tòa án tỉnh trong việc xét xử phúc thẩm. Đây là những vụ án có ý nghĩa xã hội nổi bật, những vụ án được bồi thẩm đoàn xem xét, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư và những người khác. Tòa án Tối cao cũng đã khôi phục việc tiếp công dân tại trụ sở Tòa án Tối cao. Chánh án của tất cả các tòa án tỉnh và quận đã bắt đầu đẩy mạnh việc tiếp dân theo hướng này. Chánh án Tòa án Tối cao cũng tiếp dân trực tiếp tại các địa phương.
Về số hóa công tác tư pháp, Tổng thống Ca-dắc-xtan đặt ra nhiệm vụ chiến lược, đó là đưa Ca-dắc-xtan trở thành đất nước của công nghệ thông tin (IT). Theo đó, quá trình số hóa hoạt động của tòa án được đẩy mạnh. Ca-dắc-xtan hiện nằm trong số những nước dẫn đầu về phát triển chính phủ điện tử; các dịch vụ tư pháp tại Ca-dắc-xtan được thừa nhận không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Tòa án Tối cao chú trọng đặc biệt tới công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Vào tháng 12/2023, Tòa án Tối cao Ca-dắc-xtan đã đưa vào sử dụng dịch vụ “Phân tích kỹ thuật số về thực hành tư pháp”. Dịch vụ công nghệ thông tin này cho phép dự đoán kết quả của vụ việc dựa trên các khiếu nại được tải vào hệ thống. Dự báo do trợ lý kỹ thuật số tạo ra liên quan đến khiếu nại (đã nhận) sẽ được nguyên đơn nghiên cứu, xem xét để đánh giá cơ hội thành công của mình, từ đó quyết định nên tiếp tục khởi kiện hay tìm kiếm sự thỏa hiệp. Ca-dắc-xtan đã robot hóa quá trình xử phạt theo các quyết định thi hành án về hạn chế đi ra nước ngoài và lệnh của tòa án về thu tiền cấp. Ngoài ra, còn có các dịch vụ điện tử và trợ lý thông minh khác giúp đơn giản hóa việc tương tác với tòa án và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của thẩm phán.
2. Về Cơ quan chống tham nhũng ở Ca-dắc-xtan
Cơ quan này được thành lập vào tháng 6/2019, với nhiệm vụ xóa bỏ tham nhũng vì lợi ích của người dân Ca-dắc-xtan. Đây là cơ quan chống tham nhũng độc lập, chuyên trách, có cơ cấu tổ chức như một Bộ nhưng trực thuộc Tổng thống, có quyền lực rất lớn với khẩu hiệu hành động Công bằng - Chính trực - Lòng tin. Người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng do Tổng thống trực tiếp bổ nhiệm. Chỉ trong năm 2023, cơ quan này đã thu hồi và hoàn trả tài sản tham nhũng cho Chính phủ Ca-dắc-xtan với tổng giá trị gần 2 tỷ USD, bao gồm cả tài sản, cổ phiếu ở nước ngoài. Riêng trong Quý I/2023, đã ghi nhận hơn 500 tội phạm liên quan đến tham nhũng với hơn 400 người, trong đó có 53 quan chức cấp cao.
Cơ quan chống tham nhũng Ca-dắc-xtan đã đề ra Chiến lược trong giai đoạn 2022 - 2026 là tiếp tục xác định và đấu tranh chống tham nhũng trong giới công chức cấp cao, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của người dân; loại bỏ các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tham nhũng; thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống tham nhũng; đề ra yêu cầu các chính trị gia và công chức phải từ chức nếu để cấp dưới tham nhũng.
Công cuộc chống tham nhũng của Ca-dắc-xtan bước đầu đã được Nhóm Các quốc gia chống tham nhũng của Hội đồng Châu Âu (GRECO) ghi nhận. Lãnh đạo của Cơ quan chống tham nhũng Ca-dắc-xtan và lãnh đạo của Cơ quan chống tham nhũng các vùng đều công khai số điện thoại, địa chỉ email liên lạc, thường xuyên tổ chức các buổi tiếp công dân để ghi nhận các ý kiến phản ánh một cách trực tiếp các thông tin có liên quan, lịch các buổi làm việc này được ghi nhận trên trang web của cơ quan để người dân có thể theo dõi./.
Bùi Lê Bá Hùng
(Ban Nội chính Trung ương)