Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Trọng tâm là, lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý hành vi nhũng nhiễu, gây phiên hà cho người dân, doanh nghiệp trong thi hành công vụ trong lĩnh vực đăng ký cấp giấy chứng nhận, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xin cấp phép đầu tư, đăng ký kinh doanh; đấu thầu, xây dựng cơ bản.
|
Quang cảnh Phiên họp Quý 4 năm 2023 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh |
Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, nhất là đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, tính liêm chính, trách nhiệm trong công việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, thanh tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong thi hành công vụ; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm phụ trách, quản lý.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, kịp thời phản ánh, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng về hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ.
Ngọc Lợi
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Tháp)