|
UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị đối thoại, trả lời những kiến nghị của công dân liên quan đến triển khai Dự án Công viên sinh thái vĩnh hằng tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
|
Hiệu quả bước đầu
Tiếp xúc, đối thoại là diễn đàn trao đổi, thảo luận dân chủ để đi đến thống nhất và tạo sự đồng thuận trong xã hội đã trở thành việc làm thường xuyên, nền nếp từ tỉnh đến cơ sở; là nội dung quan trọng trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, được cụ thể hóa trong các quy trình công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Nghệ An.
Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại thể hiện sự chủ động của cấp ủy, chính quyền trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đi trước một bước trong công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trước những vấn đề quan trọng tại địa phương, nhất là ở cơ sở. Đồng thời, thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự thay đổi về nhận thức, phương thức lãnh đạo, điều hành, quản lý; ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được nâng lên, hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết các vấn đề, vụ việc nhanh chóng, các chính sách ban hành phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống thực chất hơn.
Một trong những hoạt động điểm nhấn là ngày 26-5-2018, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền 480 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; trao đổi về vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền các địa phương cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và nhiều vấn đề khác nảy sinh từ thực tiễn cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển của tỉnh. Sau cuộc gặp mặt, ngày 24-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU về "Đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại và thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại với nhân dân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025".
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 nhưng toàn tỉnh đã tổ chức được 2.818 hội nghị tiếp xúc, đối thoại chuyên đề, định kỳ và đột xuất (cấp tỉnh 5 cuộc, cấp huyện 207 cuộc, cấp xã 2.606 cuộc), với tổng số 195.853 lượt người tham gia. Tổng số ý kiến được tập hợp là 23.345. Tổng số ý kiến được giải quyết tại hội nghị là 22.154 (đạt 94,9%), trong đó: Cấp tỉnh có 30 ý kiến (đạt 90%), 28 ý kiến sau hội nghị đến nay đã được giải quyết (còn 2 ý kiến đang từng bước được giải quyết, đó là: Hỗ trợ xây dựng nhà trọ, nhà ở xã hội và các công trình phúc lợi cho công nhân); cấp huyện có 1.414 ý kiến được giải quyết tại hội nghị (đạt 95%), 74 ý kiến giải quyết sau hội nghị, còn 47 ý kiến chưa được giải quyết; cấp xã có 20.749 ý kiến được giải quyết tại hội nghị (đạt 95%), 589 ý kiến giải quyết sau hội nghị, còn 442 ý kiến, phản ánh chưa được giải quyết.
Điều đáng ghi nhận là kết quả các cuộc tiếp xúc, đối thoại ngày càng chất lượng và đi vào nền nếp; tinh thần dân chủ, cởi mở, đối thoại nhiều bên, nhiều cấp cùng tham gia; thành phần tham dự ngày càng mở rộng. Các kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của nhân dân thuộc thẩm quyền cơ bản được tiếp thu và xử lý ngay tại cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp và không để phát sinh điểm nóng. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự thống nhất cao từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra.
Một số bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Thứ hai, nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời bám sát nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của tỉnh, địa phương để đề ra nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của xã, phường, thị trấn bảo đảm đúng hướng, khả thi, hiệu quả, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ ba, đổi mới tác phong lãnh đạo, lối làm việc theo hướng phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; đồng thời, phát huy tốt vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn.
Thứ tư, thường xuyên học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực và kinh nghiệm công tác để thực thi hiệu quả chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao; từ đó vai trò chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền ngày càng được thể hiện rõ nét.
Thứ năm, luôn coi trọng công tác nắm bắt tình hình nhân dân (tâm tư, nguyện vọng, bức xúc, phản ánh của người dân; ý kiến phản hồi, đối thoại từ người dân tại các diễn đàn...) trên địa bàn nhằm giải quyết kịp thời, hiệu quả khi xảy ra “điểm nóng”, góp phần bảo đảm yên dân, yên địa bàn, yên biên giới.
Sau thành công của chương trình gặp mặt vào tháng 5-2018, để góp phần thực hiện hiệu quả Đề án số 07-ĐA/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 187-KH/TU tổ chức chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023.
Đây thực sự là diễn đàn cho tiếng nói từ cơ sở. Đồng thời, hoạt động này thể hiện sự ghi nhận của lãnh đạo tỉnh đối với những cố gắng của cán bộ cơ sở; nắm bắt thêm những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân. Đây cũng là dịp mở ra một cơ hội để đội ngũ cán bộ giao lưu trao đổi, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, phương pháp công tác, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phát huy vai trò, sức mạnh cơ sở; tăng cường khối đoàn kết nhất trí; xây dựng niềm tin, ý chí chính trị, quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp từ cơ sở đến tỉnh.
Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”, Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn sẽ diễn ra trong 2 ngày (3 và 4-8-2023). Có khoảng 1.121 đại biểu là bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tham dự cuộc gặp mặt này. Chương trình sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân; cùng thống nhất quan điểm, mục tiêu, hành động trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18-7-2023 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đề ra, sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An phải có quyết tâm chính trị cao, đoàn kết, kiên trì, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân vượt lên khó khăn, thách thức, tranh thủ các cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế để đưa tỉnh Nghệ An phát triển theo định hướng, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18-7-2023 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đề ra. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX gắn với các nhiệm vụ sau sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội.
Mục tiêu đến năm 2030: Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được tăng cường.
Tầm nhìn đến năm 2045: Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
|
Phan Thanh Đoài, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An
Nguyễn Thị Thanh, Đảng bộ Trường Đại học Vinh