Sign In

Kỳ 3: Bảo tồn và phát huy “vùng báu vật quốc gia”

09:00 01/08/2024
Trời đã ban Tây Hồ một báu vật vô giá đó chính là hồ Tây. Do đó, việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của hồ Tây là một trong ưu tiên quan trọng hàng đầu của quận Tây Hồ nói riêng và Hà Nội nói chung, đặc biệt trước yêu cầu, nhiệm vụ mới trong công tác quản lý Hồ Tây.

Ngay trong buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2023; nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn quận Tây Hồ diễn ra tháng 1-2024, các đồng chí lãnh đạo Thành uỷ đều nhấn mạnh đến mục tiêu “Bằng mọi giá phải lưu giữ được hồ Tây đúng nghĩa là báu vật quốc gia, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của hồ”. 

 Theo đó, lãnh đạo Thành uỷ đồng ý chủ trương chuyển giao việc quản lý hồ Tây về cho quận Tây Hồ thay vì 8 sở, ngành cùng quản lý như trước đây. Các sở, ngành chung tay cùng quận Tây Hồ quản lý hồ theo chức năng, nhiệm vụ để địa danh này thực sự phát triển, trở thành điểm đến văn hóa du lịch tiêu biểu của Thủ đô.

Với việc được giao quyền quản lý hồ Tây trên các lĩnh vực và việc thành lập Ban Quản lý hồ Tây, quận Tây Hồ đã nhanh chóng bắt tay xây dựng “Đề án bảo tồn, phát huy giá trị hồ Tây và vùng phụ cận”, đồng thời nghiên cứu phương án cải thiện chất lượng môi trường nước, cải thiện không gian sinh sống của các loài thủy sản; giám sát chặt chẽ nguồn nước thải xung quanh hồ. Đề án lấy người dân - hệ sinh thái tự nhiên của hồ Tây - các yếu tố lịch sử, di sản làm trọng tâm cho mọi hoạt động để tạo ra yếu tố văn hóa đặc trưng, khác biệt của hồ Tây trong quá trình phát triển, dịch chuyển Hồ Tây trở thành trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội.

Theo TS. Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, lãnh đạo quận cần làm rõ vị trí và giá trị mới của hồ Tây trong chiến lược phát triển của Thủ đô, không chỉ có hồ Tây mà còn phải vùng phụ cận. Theo ông, không thể đặt riêng hồ Tây ra một chỗ mà phải đặt nó trong các vùng phụ cận, đặt hồ Tây trong không gian chung và việc kết nối các vùng để lan tỏa sức sống và giá trị vốn có của nó. Theo đó, cần nhận diện rõ tiềm năng, đánh giá đúng thực trạng, phân tích bối cảnh; đề xuất phương án; tổ chức thực hiện gồm mô hình quản lý, dự án đầu tư (mang tính trọng điểm) với hệ thống cơ chế chính sách.

Nêu lại vấn đề trước đây, khi hồ Tây thuộc quyền quản lý của 8 sở, ngành khác nhau, theo đúng tình cảnh “cha chung không ai khóc”, đồng chí Lê Văn Hoạt đánh giá trước đây, chúng ta đã quản lý nó dựa trên cơ sở các mảnh ghép bị xé lẻ, thiếu tính liên kết và xâu chuỗi. Việc khai thác loại hình du thuyền trên hồ Tây từng được triển khai, nhưng do khâu quản lý yếu kém, gây nguy hại môi trường nước nên giờ chúng ta đang phải xử lý hậu quả. Nói cách khác, chúng ta từng “không quản được thì cấm”, đồng thời chỉ tập trung khai thác về "đất" chứ không phải khai thác về nguồn lực văn hóa. Do đó, hiện nay, khi quận đã được trao thẩm quyền quản lý hồ Tây trên các lĩnh vực thì cần nghiên cứu các thách thức trong tổ chức quản lý hồ Tây trong bối cảnh mới và với góc độ tiếp cận các kinh nghiệm quốc tế.

Theo TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc phát triển hồ Tây luôn phải giữ trên tinh thần bảo tồn, giữ gìn những thứ đang có và tiếp tục làm cho nó phát triển tốt hơn. Với nhiều dự án trong quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn đến việc méo mó đi ý tưởng tốt đẹp lúc ban đầu. Khi đó, người lãnh đạo và cán bộ thực hiện phải suy nghĩ làm sao để việc mình làm là đang đối xử với một địa chỉ văn hóa có giá trị lịch sử ngàn đời, từ đó làm bằng trái tim, chứ chăm chăm vào lợi ích kinh tế là rất nguy hiểm.

TS. Lê Viết Chức cho rằng, các cụ có nói: “Hết nạc mới vạc đến xương”, vì vậy quận cần đi theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau. Những vấn đề nhạy cảm cần phải tính toán kỹ lưỡng, thông tin kịp thời đến người dân, báo giới để cùng thảo luận, tìm hướng giải quyết. Các lãnh đạo, chính quyền quận quyết tâm đổi mới sáng tạo nhưng phải trên mục đích duy nhất là vì nhân dân, vì quận Tây Hồ.

Theo ông, một thời gian dài, hồ Tây bị nạn lấn chiếm hoành hành, nhưng với chủ trương kịp thời, chúng ta đã xây dựng đường kè hồ, vừa ngăn chặn được tình trạng lấn chiếm, vừa biến không gian quanh hồ thành không gian công cộng để mọi người cùng thụ hưởng chứ không phải sân sau vườn nhà của các gia đình.

Dẫu vậy, việc cần làm bây giờ là cần có những sáng kiến, giải pháp để tỷ trọng thụ hưởng công cộng nhiều hơn, tức là có thêm nhiều công trình công cộng để biến hồ Tây trở thành nơi công cộng cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ phục vụ cho cư dân ở đó.

Tây Hồ là khu vực có hạ tầng cơ sở tương đối hoàn thiện, có khả năng ứng dụng những khoa học công nghệ mới. Ngay từ đầu, Nhà nước phải có quy hoạch cụ thể, nhất là quy hoạch vùng để tránh tình trạng quy hoạch một đằng, làm một nẻo, tránh những lợi ích nhóm. Ngay cả những công trình công cộng khi được làm ra cũng phải tính toán để khai thác sử dụng hiệu quả. Phải cân bằng hài hòa giữa việc phát triển kinh tế với bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan.

Điều này đòi hỏi năng lực của các nhà quản lý. Bởi cuối cùng vẫn là con người làm cho hồ Tây đẹp hơn hay xấu đi. Do đó, con người phải nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực quản lý và xây dựng, hơn nữa là tình yêu và trách nhiệm với thành phố của mình. Tư duy nhiệm kỳ, tầm nhìn hạn hẹp, lợi ích cục bộ sẽ là cái phá nát những khát vọng, những mong muốn tốt đẹp của các lãnh đạo dành cho cộng đồng.

Việc “Bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị Hồ Tây - danh thắng quốc gia” đã được đề cập từ lâu, thậm chí đã có những cuộc hội thảo lớn. Tuy nhiên, đến nay, hồ Tây vẫn “trắng” danh hiệu quốc gia là điều khiến chúng ta suy ngẫm.

Từ trước đến nay, đắn đo giữa việc bảo tồn những gì đang có hay phát triển những giá trị di sản luôn là một vấn đề thực tiễn chưa thể tìm được đáp án lý tưởng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, sự cân bằng, hài hòa, bền vững luôn được coi là mục tiêu hàng đầu, nhất là đối với các cộng đồng bản địa. Phải nhận định, mối quan hệ bảo tồn và phát triển là mối quan hệ phổ quát trên tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên, bảo tồn không đồng nghĩa với việc không phát triển mà bảo tồn chính là một cách phát triển.

Nhìn sang các nước phát triển như Nhật Bản và Trung Quốc, cách họ bảo tồn và phát huy di sản được thực hiện hết sức bài bản. Ví dụ như hồ Tây ở Hà Nội và hồ Tây ở Hằng Châu (Trung Quốc) có sự tương đồng về quy mô, hình thế, công năng văn hóa, tuy nhiên, hồ Tây ở Hằng Châu đã trở thành Di sản văn hóa thế giới (năm 2011), với hành trình bắt đầu từ việc được phê duyệt Danh thắng trọng điểm cấp quốc gia năm 1982.

Từ lâu, Trung Quốc đã chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn di sản, di tích, đồng thời đề ra quy hoạch phù hợp với từng di sản. Hầu hết các danh thắng đều được khai thác du lịch. Một khi được công nhận di sản thế giới thì sẽ trở thành động lực cho du lịch, giúp địa phương phát triển kinh tế và xã hội bền vững.

Nhật Bản cũng chọn cách phát triển du lịch bền vững trong phát huy giá trị di sản văn hóa. Họ xây dựng khung chính sách về bảo tồn di sản văn hóa. Sử dụng di sản văn hóa cho mục đích du lịch. Chia sẻ lợi ích từ du lịch di sản văn hóa cho cộng đồng và sử dụng sức mạnh cộng đồng đối với sự phát triển du lịch.

Tuy nhiên, để làm nên được một công trình văn hóa mang tầm biểu tượng không phải chuyện một sớm, một chiều. Kinh nghiệm thế giới đã cho thấy, thời gian từ khi phê duyệt tới khi hoàn thành một công trình văn hóa tầm cỡ cũng có thể mất tới cả chục năm, như nhà hát Opera Sydney là khoảng 20 năm, Nhà hát Bắc Kinh là 7 năm.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, khi chúng ta bảo tồn được không gian có chất lượng cao thì điều tất yếu sẽ dẫn tới phát triển tốt. Để làm được điều này cần phải tránh những lợi ích ngắn hạn hay lợi ích nhóm, mà muốn như vậy phải có sự giám sát chặt chẽ của người dân và cơ quan chức năng.

Tại thời điểm năm 2022, Quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An và dự án xây dựng nhà hát tại khu vực Đầm Trị (quận Tây Hồ, Hà Nội) từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của cư dân. Tranh cãi là điều dễ hiểu khi người dân lo sợ về việc xây dựng sẽ phá vỡ môi trường cảnh quan của hồ Tây, một danh thắng của Thủ đô, cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của cư dân quanh đó.

Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, lắng nghe nguyện vọng chính đáng của nhân dân, UBND quận và đơn vị tham gia nghiên cứu quy hoạch đã ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, của người dân và đã có báo cáo đề xuất UBND Thành phố về việc cho phép điều chỉnh ranh giới Quy hoạch.

Là người từng có quan điểm ủng hộ về quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An và xây dựng nhà hát Opera Đầm Trị, đến nay, TS, KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Theo ông, chúng ta cần phải xây dựng được một thiết chế văn hóa đủ tầm cỡ và quy mô để phục vụ các sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế ngay tại Thủ đô. Trong xu thế hội nhập, chúng ta muốn kết nối, giao lưu văn hóa với thế giới thì cần phải có một thiết chế văn hóa nền tảng phù hợp như cơ chế chính sách hay hệ thống nhà hát… Tuy nhiên đến nay, Việt Nam chưa có trung tâm văn hóa nào đạt được tiêu chuẩn về cả tầm vóc và quy mô.

Ông Phan Đăng Sơn cho biết, đối với nhà hát đa năng tại Đầm Trị (Quảng An), đây có thể là công trình biểu tượng mang tính kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Người sáng tạo công trình này đã từng sáng tạo những sản phẩm văn hóa tương tự trên nhiều quốc gia trên thế giới và được chính nhân dân ở đó đánh giá là những công trình sáng tạo quý giá trên đất nước họ. Trong quá trình phát triển lịch sử, nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng hiện nay từng gặp nhiều luồng dư luận trái chiều, thậm chí nhiều ý kiến dữ dội từ các nhà chuyên môn lẫn công chúng như Nhà hát Con Sò Sydney, Tháp Effiel…  

Theo ông Phan Đăng Sơn, những ý kiến trái chiều là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển. Điều quan trọng ở đây là cấp ủy, chính quyền cần huy động chất xám, kinh nghiệm của các nhà chuyên môn cùng tham gia, kết nối những ý kiến của cộng đồng nhân dân (những người có những ý kiến mang tính kinh nghiệm thực tiễn nhiều khi rất uyên bác, chứ không phải chỉ là ý kiến mang tính kinh nghiệm dân gian), cùng nhau chung sức đồng lòng và đề cao tính trách nhiệm, sẻ chia để cùng đồng thuận xây dựng và phát triển Thủ đô giàu mạnh, bền vững.

Quận Tây Hồ có hồ Tây với diện tích 526 ha được xem là một nét đặc sắc, là viên ngọc xanh mới và quan trọng nhất của Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Theo đó, việc quản lý hồ Tây cần được xem xét với tư cách là một viên ngọc quý giá được mài dũa trong tiến trình phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Với phương án quy hoạch Thủ đô đã được Quốc hội và Chính phủ thống nhất, quận Tây Hồ có liên quan đến 4/5 trục quy hoạch phát triển quan trọng của Thủ đô, đồng thời việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua đã có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp quận Tây Hồ có những nền tảng cơ sở pháp lý cho những phát triển đột phá và sáng tạo.

Việc Thành phố đồng ý việc chuyển giao việc quản lý hồ Tây về cho quận Tây Hồ thay vì 8 sở, ngành cùng quản lý như trước đây được coi là bước đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi để quận phát huy quyền chủ động, sáng tạo trong vấn đề phát triển hồ Tây cũng như có sự quản lý mang tính kịp thời, hiệu quả.

Tuy nhiên, chúng ta phải chú ý đến vấn đề kiểm tra, kiểm soát một cách khoa học, minh bạch, phải có sự định hướng phát triển rõ ràng, chắt chiu thành tựu để tránh việc sau này phải điều chỉnh, thay đổi.

Thứ nhất, quận phải xác lập được quy hoạch kiến trúc không gian cảnh quan của toàn bộ khu vực hồ Tây và các vùng phụ cận. Quy hoạch này vừa mang tính tổng thể nhưng cũng phải chi tiết để có thể điều tiết được toàn vùng về quyền hạn, cách thức thực hiện, hình thái thực hiện.

Thứ hai, cần có một cuộc thi thậm chí mang tầm vóc quốc tế để tìm được ý tưởng tốt nhất về quy hoạch đối với hồ Tây và các vùng phụ cận. Trên cơ sở ý tưởng kiến trúc đã được thẩm định và lựa chọn, chúng ta phải xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đặc thù để quản lý tốt sự phát triển, trật tự, khối lượng, công năng và tính thẩm mỹ của khu vực.


Tag:

File đính kèm