|
Nông dân thu hoạch ca cao tại ấp An Bình, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom. |
Áp tiêu chí đô thị vào xây dựng nông thôn mới
Mục tiêu phấn đấu của huyện Trảng Bom là sẽ lên thị xã vào năm 2025 nên địa phương phải phát triển đồng bộ các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Trong đó, đầu tư cho cơ sở hạ tầng theo hướng đô thị được đặc biệt quan tâm như: đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông; đầu tư thêm bệnh viện; nâng cấp hệ thống trường học để cải thiện tình trạng quá tải của một số trường học hiện nay; đầu tư các khu dân cư, trung tâm thương mại cho đô thị mới trong tương lai; phát triển mảng dịch vụ, nhất là dịch vụ gắn với khai thác du lịch sinh thái, du lịch vườn ở các vùng quê.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, công nghiệp hóa và đô thị hóa đang tạo nhiều áp lực cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM của huyện Trảng Bom. Đó là hạ tầng giao thông, trường lớp, cơ sở sinh hoạt văn hóa, nhà ở cho người dân; các vấn đề liên quan đến môi trường và quản lý đất đai; an ninh trật tự… Tuy nhiên, khó khăn nào cũng có cách tháo gỡ. Huyện đang vừa xây dựng đô thị, vừa thực hiện mục tiêu huyện NTM nâng cao nên các tiêu chí về nông nghiệp, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, an ninh trật tự… phải theo chuẩn đô thị loại 4. Đạt tiêu chí NTM nâng cao cũng đạt luôn tiêu chí đô thị.
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, từ giữa năm 2020, huyện đã lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Trảng Bom đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; lập đồ án quy hoạch chung thị trấn Trảng Bom và vùng phụ cận đến năm 2040. Cùng với đó, địa phương lập đề án đề nghị công nhận thị trấn Trảng Bom mở rộng (phạm vi toàn huyện Trảng Bom) đạt tiêu chí đô thị loại 4; các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Huyện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo quy mô cánh đồng lớn như: Ca cao xã Trung Hòa; điều cao sản An Viễn; chuối cấy mô ở các xã Thanh Bình, Cây Gáo, Sông Thao; chăn nuôi gia cầm ở các xã Cây Gáo, Thanh Bình… tại các vùng quy hoạch, mô hình chăn nuôi sinh học, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai.
Ông Đường Minh Giang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn cho biết, để duy trì chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, HTX đã phát triển vùng sản xuất ca cao xen điều quy mô khoảng 500ha. Sản phẩm ca cao được Công ty TNHH Bamboo Agriculture ký hợp đồng thu mua với giá 6.200 đồng/kg; trong đó, nông dân thực nhận 6.000 đồng, 200 đồng bớt lại trang trải các chi phí như hội thảo, liên hoan tổng kết năm. Đối với điều, HTX thu mua và ký hợp đồng tiêu thụ với một công ty ở huyện Long Thành với giá sàn 18.000 đồng/kg. Ngoài ra, hạ tầng giao thông, hệ thống điện và tưới nước tiết kiệm được tỉnh, huyện hỗ trợ.
Vừa xây dựng nông thôn mới, vừa phát triển đô thị
Trung Hòa là xã đầu tiên của huyện Trảng Bom được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Không chỉ hoàn thành 20/20 chỉ tiêu mà xã còn thực hiện vượt đối với chỉ tiêu lựa chọn là tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp hơn 11%.
Hiện nay, xã Trung Hòa không chỉ có môi trường sạch, đường giao thông đẹp mà an ninh trật tự tại các khu, ấp cũng được đảm bảo. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện với mức thu nhập bình quân hơn 64 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Thanh Lập (ngụ ấp An Bình) chia sẻ, trước đây còn làm mía, điều, kinh tế khá khó khăn, nhưng hiện tại nông dân đã chuyển sang trồng ca cao bán cho Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán), trồng thanh long bán cho Công ty TNHH Tư vấn địa ốc Hoàng Phát (huyện Trảng Bom) kết hợp nuôi heo, gà, lươn thu nhập bình quân lên đến vài trăm triệu đồng/hộ/năm. Từ chỗ kinh tế được cải thiện, người dân tích cực tham gia các hoạt động do ấp, xã phát động, góp phần xây dựng NTM.
|
Đường nông thôn khang trang ở xã Trung Hòa. |
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân phát huy nội lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự. Cùng với đó, xã phối hợp với nhân dân và huyện đầu tư làm nắp đan theo tiêu chuẩn cho hệ thống các tuyến mương, đầu tư công trình nước sạch cấp cho người dân.
Theo lãnh đạo huyện Trảng Bom, địa phương được tỉnh chọn thí điểm xây dựng NTM gắn với đô thị, do đó đang thực hiện 2 nhiệm vụ song song. Về xây dựng NTM, đến nay huyện có 10/16 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 1 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên nguồn lực cho các xã sắp về đích NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Trong đó, trọng tâm là hạ tầng giao thông, cảnh quan môi trường và nước sạch.
Chia sẻ mục tiêu phấn đấu lên thị xã vào năm 2025 nhưng vẫn không lơ là trong xây dựng NTM nâng cao, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom cho rằng: “Trảng Bom luôn xác định đi lên đô thị hóa nhưng vẫn chú trọng phát triển nông nghiệp, trong lựa chọn cây trồng, thế mạnh là cây chuối và thanh long với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết. Trong đó, địa phương rất chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khâu sơ chế, bảo quản, chế biến để trái chuối và các loại nông sản khác không hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu tươi như hiện nay thì mới bền vững”.
Mai Hạnh