|
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chi-lê Gabriel Boric duyệt đội danh dự. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN). |
Trải qua năm tháng, dù khoảng cách địa lý xa xôi nhưng quan hệ ngoại giao Việt Nam - Chi-lê vẫn ngày càng phát triển tốt đẹp. Quan hệ trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Chi-lê ngày càng gắn bó và tin cậy, thể hiện qua các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Chuyến thăm cũng nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tâm đối ngoại đa phương theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII, góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực; thể hiện chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Chi-lê.
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Gabriel Boric Font, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Gabriel Boric Font đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, cùng nhau đánh giá tình hình phát triển của quan hệ song phương, trao đổi về phương hướng và các biện pháp nhằm tiếp tục đưa mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Chi-lê ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất, hướng tới nâng tầm quan hệ trong thời gian tới, cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Chi-lê, Tổng thống Gabriel Boric Font nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Chile, khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là chuyến thăm Chi-lê đầu tiên ở cấp Nguyên thủ Quốc gia Việt Nam trong vòng 15 năm qua; tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo động lực mạnh mẽ, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
|
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chi-lê Gabriel Boric Font chụp ảnh chung trước hội đàm. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN). |
Tổng thống Chi-lê bày tỏ khâm phục và ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử đấu tranh anh hùng vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trước đây của nhân dân Việt Nam cũng như trước những thành tựu trong xây dựng và phát triển đất nước của Việt Nam ngày nay, đặc biệt trong quá trình đổi mới, coi đây là kinh nghiệm quý Chi-lê có thể tham khảo, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tổng thống khẳng định Chi-lê luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Chi-lê kỷ niệm 10 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do song phương và hai nước cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chủ tịch nước Lương Cường chân thành cảm ơn Tổng thống Gabriel Boric Font, Nhà nước và nhân dân Chi-lê về sự đón tiếp trọng thị dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác toàn diện Việt Nam - Chi-lê, quốc gia đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (25-3-1971); cảm ơn sự ủng hộ quý báu của nhân dân Chi-lê dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày nay.
|
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chi-lê Gabriel Boric Font hội đàm. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN). |
Chủ tịch nước chia sẻ chuyến thăm lần này nhằm khẳng định thông điệp Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ Đối tác toàn diện với Chi-lê và có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong dịp kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Salvador Allende vào ngày 23-5-1969 tại Hà Nội. Cuộc gặp đã đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1971, cũng như cho sự phát triển mối quan hệ Việt Nam - Chi-lê ngày nay.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ hai nước ngày càng phát triển thông qua việc duy trì trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và địa phương; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có như Hội đồng Thương mại Tự do, Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Hai bên ghi nhận quan hệ kinh tế, thương mại tiếp tục được củng cố trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức; Chi-lê là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc Việt Nam chính thức thành lập Cơ quan tùy viên quốc phòng tại Chi-lê, qua đó góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong thời gian tới. Hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn liên khu vực, nhất là tại Liên hiệp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC), ASEAN - Liên minh Thái Bình Dương...
Hai bên nhất trí cần tiếp tục tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và cùng quan tâm như thương mại tự do, nông nghiệp, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, khoa học, giáo dục, du lịch, quốc phòng, an ninh...; tích cực đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác song phương nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hai nước phát triển bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, hợp tác kinh doanh để nâng cao kim ngạch song phương tương xứng với tiềm năng hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương và liên khu vực.
Cùng chia sẻ về tầm nhìn phát triển của hai quốc gia, ủng hộ các giá trị về tự do thương mại, hợp tác cùng phát triển, đôi bên cùng có lợi và trên cơ sở tiềm năng, dư địa hợp tác, hai nhà lãnh đạo thống nhất giao các bộ, ngành hai nước tiến hành trao đổi, rà soát, cập nhật và xem xét việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ trong thời gian tới nhằm tạo không gian lớn hơn cho hợp tác song phương, đồng thời xác định các ưu tiên hợp tác có tính đột phá và mang tầm chiến lược.
Lãnh đạo hai nước cũng trao đổi sâu rộng, chia sẻ lập trường về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí cho rằng các tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hiệp quốc và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Lương Cường đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Tổng thống Gabriel Boric Font và mời Tổng thống sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Chi-lê cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Sau hội đàm, hai nhà Lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký Tuyên bố chung Việt Nam - Chi-lê giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao, Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước và các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xúc tiến thương mại...; gặp gỡ chung với báo chí hai nước và quốc tế.
Nguồn: TTXVN