Sign In

Thanh Hóa: Dấu ấn Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025

11:04 14/12/2023
Qua nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tạo dựng thế và lực mới cho phát triển bền vững.

Tàu cập Cảng quốc tế Nghi Sơn bốc xếp hàng hóa.

Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, song Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm cao, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tỉnh đã sớm hoàn thành việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương; kịp thời ban hành, bổ sung, sửa đổi Quy chế làm việc, các quy chế, quy định của tỉnh, xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh phù hợp với tình hình thực tế, tạo cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện.

Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 5 cả nước (sau Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hậu Giang) về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong cùng giai đoạn 2021-2023, với con số ấn tượng ước đạt 9,69% (năm 2021 đạt 9,44%, năm 2022 đạt 12,4%, năm 2023 ước đạt 7,29%) và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Nhờ đó, thu ngân sách Nhà nước tăng cao, với tổng thu 3 năm (2021-2023) ước đạt 132.418 tỷ đồng (vượt dự toán hằng năm); trong đó, năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước). Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm ước đạt 11,3% (cao hơn mục tiêu Nghị quyết là tăng 10% trở lên).

Đặc biệt, với quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, Thanh Hóa đã vươn lên đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; trong đó, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,3% năm 2020 xuống còn 13,8%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 41,8% lên 48,4%; ngành dịch vụ giảm từ 33,9% xuống 31,8% và thuế sản phẩm giảm từ 7% xuống 6% (năm 2023). Năng suất lao động xã hội liên tục tăng, với tốc độ tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 12,65% (cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết là 9,6%). Riêng năm 2023, năng suất lao động xã hội bình quân ước đạt 101,5 triệu đồng/người, tăng 20,7 triệu đồng so với năm 2020.

Kỹ sư, người lao động PTSC Thanh Hóa chế tạo chân đế trụ điện gió cho Dự án điện gió ngoài khơi do Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) làm chủ đầu tư.

Để thu hút các nguồn lực cho phát triển, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Nhờ đó, tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2023 ước đạt 409,3 nghìn tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu nhiệm kỳ. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Đặc biệt, cũng từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 38.665 tỷ đồng và 366,7 triệu USD. Đồng thời, điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án với số vốn 90,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án, với số vốn tăng thêm 90,9 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 150 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,6 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Để tạo động lực cho phát triển, tỉnh xác định hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm, cần sự đầu tư lớn. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là nền tảng; hạ tầng Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu, cụm công nghiệp là đòn bẩy; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, hạ tầng cung cấp điện là mũi nhọn; hạ tầng phục vụ nông nghiệp, hạ tầng thương mại là cơ sở quan trọng... Từ đó, góp phần tạo dựng diện mạo và sức bật mới cho sự phát triển của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung phát triển đô thị theo hướng hiện đại, với mạng lưới 34 đô thị (gồm 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 30 đô thị loại V). Đồng thời, chú trọng XDNTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, với kết quả ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (đạt tỷ lệ 48,15%), có 363 xã đạt chuẩn NTM (đạt 78,1%), 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 17,2%), 17 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 3,7%); có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm OCOP 5 sao.

Nhằm tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư, tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh theo hướng công khai, minh bạch. Kết quả là so với đầu nhiệm kỳ, các chỉ số cải cách hành chính PAPI, SIPAS, PAR INDEX đều tăng mạnh thứ hạng và đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Điển hình như năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 10 cả nước, tăng 19 bậc; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước, tăng 8 bậc. Ngoài ra, đã áp dụng đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (DDCI), góp phần thúc đẩy cải thiện chất lượng hoạt động của các sở, ngành, địa phương, cũng như nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, ngành công nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 15,41%/năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) bình quân hằng năm tăng 14,86%. Đặc biệt, trong nội bộ ngành công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này cũng đúng với định hướng lấy công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo là đột phá đã được nhấn mạnh trong nghị quyết.

Nông nghiệp công nghệ cao được Thanh Hóa quan tâm đầu tư.

Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Thanh Hóa xác định “lấy nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng” để thúc đẩy kinh tế phát triển là phù hợp, đúng và trúng. Cũng từ sự định hướng đó mà giai đoạn 2021-2023, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã có bước phát triển nhanh và khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 3,85%, cao hơn so với mục tiêu nghị quyết (3%); sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 1,59 triệu tấn/năm, đạt mục tiêu nghị quyết (duy trì ổn định ở mức 1,5 tấn). Đặc biệt, hoạt động sản xuất nông nghiệp chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Cũng trong nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết, toàn tỉnh có thêm 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 46 xã và 208 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 58 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 16 xã và 330 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, có thêm 282 sản phẩm OCOP đã được đánh giá, xếp hạng...

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng văn hóa, một số chỉ tiêu về tỷ lệ gia đình văn hóa; xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp kiểu mẫu; làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa (khu dân cư văn hóa); thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã... đều vượt kế hoạch đề ra. Điển hình là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với phong trào XDNTM đã góp phần tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa năm 2023 ước đạt 80,5%, tăng 3,5% so với năm 2020. Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm, với 73 di tích được tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn 2021-2023. Đặc biệt, có thêm 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh lên 18 di sản.

An sinh xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm. Thông qua việc huy động các nguồn lực và triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; cũng như nâng cao khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, tín dụng đối với người nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 toàn tỉnh ước còn 3,79%, bình quân 2 năm 2022-2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) giảm 1,5%/năm. Nổi bật trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được thể hiện sâu sắc và hiệu quả, thông qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 (là 1 trong 6 chương trình trọng tâm của cả nhiệm kỳ). Với việc tập trung các nguồn lực cho chương trình, sau 3 năm triển khai thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng ổn định và từng bước được cải thiện. Dấu ấn đậm nét là tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống còn 15,19% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 (giảm 4,81%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 27,23% xuống còn 19,86% (giảm 7,37%); tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh đạt 100%; tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 35 tuổi đạt 99,51%; tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa - khu thể thao đạt 82,2%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 100%... Ngoài ra, tình hình chính trị - xã hội của khu vực nhìn chung ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đó là những cơ sở, điều kiện giúp cho khu vực miền núi ngày càng phát triển, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của tỉnh Thanh Hóa những năm qua.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả. Đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".

Tập trung rà soát, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập từ tỉnh đến cơ sở. Đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân được củng cố. Niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền, vào mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục được nâng lên. Những kết quả đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, Thanh Hóa xác định: những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu; tỉnh vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đó là: Các nhân tố tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn rất lớn với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, thách thức lớn hơn và khó lường hơn, nhất là biến động về giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu, sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại lớn dẫn đến giảm mạnh các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng chất lượng thấp, chưa thực sự bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao, thiếu doanh nghiệp có vai trò đầu tàu, dẫn dắt. Kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực miền núi. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường... Đây là những yếu tố tác động bất lợi đến sự phát triển của tỉnh.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế phía Bắc Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Tag:

File đính kèm