Triển khai nghị quyết với quyết tâm cao, bước đi vững chắc
Tu Mơ Rông từng được xem là một trong những vùng dân tộc thiểu số, miền núi nghèo khó nhất tỉnh Kon Tum. Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương và vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào thực tiễn, vươn lên từ gian khó, giành những thành tựu mới trên nhiều lĩnh vực.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Dân vốn trầm tĩnh, kiệm lời nhưng khi được gợi mở về sự nghiệp đổi mới và bước đi, cách làm của quê mình đã hào hứng, sôi nổi hẳn và khẳng định: “Dù còn những vướng khó nhất định trên bước đường đi tới nhưng Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Tu Mơ Rông không cam chịu nghèo khó, chủ động, sáng tạo; cả huyện đồng lòng, gắn bó, cố kết cộng đồng, đoàn kết để khi gặp chướng ngại biết cách vượt qua, gặp hoạn nạn thì cùng sẻ chia, đùm bọc”. Bởi thế, từ trong gian khó, những người Xơ Đăng, người Kinh… từ muôn phương về lập nghiệp dưới dãy núi Ngọc Linh nắm chặt tay, cùng nhìn về một hướng, xây đời sống mới.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền huyện bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, xác định rõ bước đi, lộ trình để tập trung lãnh đạo, tạo bứt phá, xoay chuyển tình hình, xây dựng đường hướng phát triển. Với định hướng đúng, giải pháp đồng bộ, kinh tế - xã hội ở huyện Tu Mơ Rông từng bước phát triển khá toàn diện, vững chắc. Thành tựu nổi bật trong thời gian qua là khơi thông, từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn”, huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả. Các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực được tập trung phát triển, đặc biệt là sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu đặc hữu. Từ đó cơ hội thoát nghèo và vươn lên làm giàu đã và đang được hiện thực hóa khát vọng trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng của những người con đồng bào dân tộc Xơ Đăng anh hùng.
Người dân xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông đầu tư trồng dứa công nghệ cao. |
Dấu ấn đậm nét, thành quả nổi bật nhất của huyện Tu Mơ Rông là đã lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá theo từng giai đoạn, có bước đi, lộ trình bài bản, khoa học sát với yêu cầu thực tiễn. Đó là đột phá trong tái cơ cấu, đầu tư phát triển nông nghiệp; phát triển hạ tầng giao thông và liên kết sản xuất, thu hút đầu tư…
Các chính sách về thương mại miền núi được thực hiện kịp thời, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Từ năm 2022 đến nay, Tu Mơ Rông tổ chức thành công 3 phiên chợ sâm Ngọc Linh và các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch, tạo được hiệu ứng tốt, thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Từ đó, số lượng các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư trên địa bàn huyện ngày càng tăng và thực chất với 16 công ty khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư với tổng số vốn đăng ký 1.487.649 triệu đồng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh, sự nghiệp chăm lo, ổn định cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng kết cấu hạ tầng là thành tựu lớn. Hiện đường giao thông đi các tới các thôn, làng vùng sâu, vùng xa đã bảo đảm được 2 mùa; nhiều mô hình, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất về dược liệu được hình thành; hạ tầng lưới điện, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch... tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, mở rộng, nâng cấp. Đến nay, 100% hộ gia đình được sử dụng điện; trên 80% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.Hiện có 5 xã là: Ngọk Lây, Đắk Sao, Tê Xăng, Văn Xuôi, Ngọk Yêu đạt 15 tiêu chí nông thôn mới; 4 xã là: Đăk Rơ Ông, Măng Ri, Đăk Na, Tu Mơ Rông đạt 13 tiêu chí, 2 xã là: Đắk Hà, Đắk Tờ Kan đạt 12 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Toàn huyện có 10/26 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 38,46%; 11/11 trạm y tế có bác sĩ; 100% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; bình quân mỗi năm giảm 8% tỷ lệ hộ nghèo. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,50%…
Từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia, Tu Mơ Rông đã phân bổ cho mỗi xã 5 tỷ đồng để đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại tất cả các tuyến đường nội thôn ở 86 thôn, làng của 11 xã. Giờ đây, việc đi lại của đồng bào Xơ Đăng vào buổi tối thuận lợi hơn rất nhiều. Chị Y Thi, thôn Đăk Xia, xã Ngọk Lây phấn khởi cho biết: “Trước đây, ban đêm đi đường tối lắm, nếu đi bộ phải dùng đèn pin hoặc đốt đuốc, nay thì không cần nữa rồi. Giờ đường liên xã đi qua các làng buổi tối sáng rực rỡ, bà con phấn khởi lắm”.
Khơi lên khát vọng Tu Mơ Rông
Cuộc trò chuyện của chúng tôi lui mãi về chiều muộn. Chủ tịch Võ Trung Mạnh có nhiều trăn trở, suy nghĩ, gợi mở những mô hình mới, cách làm hay để vùng cao Tu Mơ Rông nhanh thoát nghèo, tạo đà bứt phá. Tôi cảm nhận sâu kín trong tố chất mộc mạc, dung dị, khiêm nhường của vị Chủ tịch vốn là cán bộ Đoàn này là một trái tim nhiệt huyết, mang nặng trách nhiệm của một đảng viên với đất và người trên vùng quê cách mạng dưới dãy núi Ngọc Linh. Anh bộc bạch: “Đến với người dân thì chớ nói suông, mình và anh em cán bộ các cấp, các ngành gương mẫu đi đầu, phải trực tiếp cùng làm, gần gũi, thực tâm thì người dân mới hưởng ứng làm theo. Từ đó, tạo nên sự đồng thuận, phong trào rộng khắp, thực chất và đồng bộ”.
Có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ chủ chốt hiện nay ở vùng cao Tu Mơ Rông đang nỗ lực kế thừa thành tựu các thế hệ đi trước; bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; không ngừng đổi mới phương thức quản lý, điều hành; đề ra chủ trương, giải pháp phù hợp, kịp thời những yêu cầu mới; lắng nghe ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân, dẫn dắt vùng quê nghèo khó đang chuyển mình trên hành trình đi tới.
Bí thư Huyện ủy Ka Ba Thành tâm sự: “Chặng đường phía trước mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức cũng còn nhiều, đòi hỏi phải có nỗ lực lớn, quyêt tâm cao. Với tinh thần vượt khó, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tu Mơ Rông tranh thủ mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng tăng trưởng”.
Theo đó, Tu Mơ Rông tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện với trục xoay là rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch. Tập trung ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình giao thông, thủy lợi; nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi giá trị gia tăng, đẩy mạnh Chương trình OCOP; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Xúc tiến thực hiện các dự án đầu tư để hoàn thiện các hạng mục lớn, quản lý tài nguyên khoáng sản, giữ rừng, bảo vệ môi trường...
Trong dòng chảy của thời gian, chính quyền huyện Tu Mơ Rông tiếp nối sáng tạo, đổi mới, viết tiếp những thành tựu của thế hệ đi trước, tạo nên gạch nối sống động giữa quá khứ và hiện tại; nâng niu, trân trọng quá khứ để dựng xây nền móng, biết chắt chiu bao giọt mồ hôi mà dựng cơ đồ, để vùng quê cách mạng dưới chân núi Ngọc Linh vững niềm tin đi tới.
Tạm biệt Tu Mơ Rông xa xôi, theo mãi chúng tôi là hình ảnh những mầm xanh mơn mởn của cây trái trải dài, của rừng sâm Ngọc Linh xanh thẳm… Chủ tịch Võ Trung Mạnh nắm tay tôi rất chặt như một lời cam kết, chất chứa niềm tin và khát vọng đổi đời trên vùng đất đang vươn mình, trỗi dậy.
Hoàng Văn Hải
Hiệu trưởng Trường THCS xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum