Thực hiện Công văn số 5167-CV/TW, ngày 11/4/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về khảo sát 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo như sau:
Sau 10 năm triển khai thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW, Đoàn khảo sát bước đầu khẳng định tỉnh Lai Châu đạt được những kết quả quan trọng về giáo dục đào tạo như sau: Toàn tỉnh hiện có 227 trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên (Tiểu học 86; Tiểu học và THCS 26; THCS 84, THPT 23, TTGDTX 08); 3.825 lớp (Tiểu học 2.369; THCS 1.133, THPT 292, TTGDTX 31); 112.566 học sinh (Tiểu học 58.245; THCS 41.345, THPT 12.059, TTGDTX 917) tăng 21.667 học sinh. Hệ thống chính trị triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết; đã và đang tập trung chỉ đạo rà soát, sắp xếp trường, lớp, giáo viên trên địa bàn tỉnh đúng quy định, phù hợp; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm; thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học ở các cấp học, bậc học. Cơ sở vật chất có 7.201 phòng học; tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố chiếm 98,7%; toàn tỉnh có 191 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực (kết thúc năm học 2021 - 2022, 100% trẻ từ 3-5 tuổi đến lớp, huy động được 47,8% trẻ 3 tuổi đến lớp học. 100% trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,7%; giáo dục THCS xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 97%, giáo dục THPT xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 97,8%; GDTX xếp loại học lực từ trung bình trở lên đạt 94%; tốt nghiệp THPT năm 2022: hệ giáo dục THPT đạt 98,74%; hệ GDTX đạt 94,23%. 100% các trường học có chi bộ. Quy mô mạng lưới trường, lớp được sắp xếp tinh gọn, ổn định phù hợp với thực tiễn, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, chất lượng được nâng lên.
Việc ban hành chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án, hoạt động xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tổng chi ngân sách cho giáo dục hằng năm so với yêu cầu tối thiểu 20% tổng chi ngân sách; cơ cấu chi, mức độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn để nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Hiệu quả đầu tư các chương trình, đề án trọng điểm phục vụ phát triển giáo dục vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng năm 2023 dự kiến chi ngân sách cho giáo dục là 25% tổng chi ngân sách địa phương (chưa tính nguồn kinh phí bổ sung hằng năm).
Tuy nhiên, Đoàn khảo sát đã bước đầu nhận thấy những khó khăn toàn Ngành Giáo dục và Đào tạo Lai Châu gặp phải như: Quy mô nền kinh tế nhỏ, thu ngân sách trên địa bàn thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém, chưa đồng bộ; địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp, độ dốc lớn, khí hậu thời tiết khắc nghiệt; dân cư sống không tập trung; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 28,54%, nguồn lực trong nhân dân hạn chế; trình độ nhận thức của người dân chưa đồng đều. Một số hủ tục lạc hậu trong đời sống, hôn nhân (tảo hôn)… của đồng bào các dân tộc còn tồn tại, ảnh hưởng nhiều đến việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Khó khăn trong phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, tin học và môn tích hợp về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đầu tư trang thiết bị, phòng học phục vụ dạy và học ngoại ngữ, tin học. Số lượng, chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học và các môn tích hợp trong chương trình 2018.
Hiện tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện việc dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số. Tỉnh chưa có giáo viên được đào tạo dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số do đó việc triển khai dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số chưa thực hiện được.
Chính sách tín dụng, ưu tiên, học bổng, hỗ trợ tài chính cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng giáo dục và đào tạo.
Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số địa phương trong toàn tỉnh; số lượng người làm việc được giao thấp hơn so với định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Giáo viên các trường phổ thông không phải là trường bán trú, có học sinh ở bán trú, ngoài công tác giảng dạy còn phải tham gia quản lý học sinh ở bán trú ngoài giờ hành chính nhưng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ quản lý học sinh bán trú như giáo viên trường chuyên biệt.
Việc thực hiện mục tiêu giảm 10% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW là khó thực hiện do nguồn thu duy nhất các cơ sở giáo dục thu bù đắp phần giảm chi từ ngân sách nhà nước là nguồn thu từ học phí. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời chia sẻ giữa nhà nước và người dân, tỉnh ban hành mức thu tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Như vậy nguồn thu từ học phí không đủ để bù đắp chi phí theo lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ tại Nghị định số 60/2021/NQ-CP của Chính phủ ngày 21/6/2021.
Việc tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh Lai Châu gặp khó khăn về nguồn tuyển đặc biệt đối với các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Để nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP còn gặp khó khăn trong việc cử giáo viên đi đào tạo ở cấp trung học cơ sở do số lượng giáo viên cần cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn của từng môn học ít, không đủ để cơ sở đào tạo ký hợp đồng mở lớp với địa phương.
Những mô hình tốt, cách làm hay; những điển hình tiên tiến trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW
Mô hình trường học gắn với sản xuất kinh doanh, nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trong đó có mô hình học sinh tham gia trồng rau, chăn nuôi, tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn; qua đó rèn kỹ năng sống, góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Trong những năm qua, tại nhiều trường, học sinh đã tự trồng đủ rau xanh để phục vụ bếp ăn nhà trường và còn cung cấp ra ngoài thị trường, một số trường còn chăn nuôi đảm bảo đủ nhu cầu thịt, cá cho học sinh ở nội trú. Điển hình như Trường PTDTBT THCS xã Tà Mung, huyện Than Uyên đã có cách thức quản lý, tổ chức và thực hiện sáng tạo, hiệu quả công tác lao động tăng gia sản xuất tại nhà trường.
Xây dựng thư viện thân thiện và môi trường tiếng Việt mang tính mở giúp trẻ em mầm non và học sinh tiểu học được học, được vui chơi trải nghiệm, giao tiếp. Các nhà trường đã được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Xây dựng các không gian văn hóa trong khuôn viên trường học tạo môi trường giáo dục lành mạnh, giúp học sinh giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, tiêu biểu ở Mường Cang (Than Uyên); Trường PTDTBT-TH Thu Lũm và Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ (Mường Tè).
Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” nhận giúp đỡ, đỡ đầu các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh nhận giúp đỡ 59 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt; tu sửa 40 điểm trường/249 phòng học; vận động 1.582 học sinh bỏ học quay lại trường;...
Từ những mô hình trên, tỉnh Lai Châu rút ra một số bài học kinh nghiệm như: Các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 29-NQ/TW, đồng thời cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch sát với điều kiện thực tiễn địa phương, ban hành các chủ trương, chính sách tạo thêm nguồn lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vừa quyết liệt, vừa có trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra trong công tác giáo dục và đào tạo của địa phương.
Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong chương trình, kế hoạch của tỉnh, tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, trong đó tập trung đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, tin học, ngoại ngữ, kiến thức hội nhập, đặc biệt làm tốt công tác dân vận trong giáo dục và đào tạo. Thường xuyên đổi mới công tác quản lí, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với đối tượng học sinh, dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chú trọng chỉ đạo thự hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục, duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Củng cố, phát triển hệ thống trường, lớp phù hợp với điều kiện địa phương; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả.
Để những mô hình, bài học kinh nghiệm trên đưa vào thực tiễn tỉnh Lai Châu nêu lên một số kiến nghị, đề xuất như: Cần có chính sách đặc thù về tinh giản biên chế phù hợp với Tỉnh, Huyện vùng khó, vùng sâu, vùng xa để đảm bảo số lượng giáo viên cắm bản, các điểm trường xa nơi học sinh khó có điều kiện đến các điê trường chính (thực hiện tinh giản 10% biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục của tỉnh vùng núi dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên như hiện nay). Đổi mới chính sách tiền lương phù hợp đối với giáo viên nói chung để tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác trong ngành Giáo dục; đồng thời có chính sách hỗ trợ riêng đối với giáo viên công tác tại các tỉnh miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tạo sự thu hút và động lực cho giáo viên công tác tại các vùng này. Sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho mượn sách giáo khoa đối với học sinh vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi;
Có chính sách hỗ trợ tiền điện, tiền nước sinh hoạt cho học sinh bán trú tại các trường bán trú và trường có học sinh bán trú; chế độ hỗ trợ cho học sinh, giáo viên ở những xã ra khỏi khu vực III; chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh học nghề đồng thời học văn hóa tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; chính sách hỗ trợ giáo viên tham gia quản lý học sinh ở bán trú tại các trường phổ thông không phải là trường bán trú.
Cũng trong đợt khảo sát, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Huyện ủy Tam Đường, Trường Mầm Non Đông Phong, Trường Tiểu học xã Khun Há và Trường THCS thị trấn Tam Đường./.
Nguyễn Ngọc Linh –Ban Tuyên giáo Trung ương