Sign In

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

11:14 25/03/2023
ĐCSVN) - Chiều ngày 25/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính  phát biểu tại buổi làm việc.
 Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10% trong năm 2023

Tại buổi làm việc, báo cáo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho thấy, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Năm 2022, tỉnh đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%; GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực; sản lượng thủy sản tăng 2,3%. Công nghiệp tăng khá; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%. Dịch vụ, du lịch phục hồi tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%; lượng khách du lịch tăng gần 3 lần cùng kỳ.

Quang cảnh buổi làm việc. 

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 107% kế hoạch. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động gấp gần 1,9 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Vốn FDI đăng ký tăng 40% so với cùng kỳ. Nhiều chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, chỉ số Hiệu quả và quản trị hành chính công xếp thứ 1/63; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp 4/63; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp 8/63. Chuyển đổi số được đẩy mạnh, chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 xếp thứ 2/63, chỉ sau Đà Nẵng.

Trong Quý I năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước tăng 3,5%. Nông nghiệp có mặt khởi sắc, sản lượng thủy sản khai thác tăng 2,1%; đàn lợn tăng 3,8%; đàn gia cầm tăng 1,7%. Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 1,04% so với cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tăng 25% so với cùng kỳ. Du lịch có nhiều khởi sắc; tổng lượng khách du lịch tăng hơn 2,1 lần, trong đó khách quốc tế tăng hơn 55 lần so với cùng kỳ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10% trong năm 2023 và  6 chương trình trọng điểm gồm Chương trình phát triển đô thị (bao gồm Chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế); Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; Chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu tại buổi làm việc.

Kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế 

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Thừa Thiên Huế. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chất lượng tăng trưởng chưa bền vững. Quy mô kinh tế còn nhỏ (xếp thứ 43/63); GRDP bình quân đầu người năm 2022 là 2.405 USD, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước là 4.110 USD.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu còn gặp nhiều khó khăn. Nông nghiệp năm 2022 không tăng trưởng, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ phát triển chưa tương xứng. Một số ngành công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,7%. Du lịch phục hồi chưa được như mong muốn.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động ít (mới có khoảng 6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động). Phương thức đối tác công tư (PPP) chưa được vận dụng hiệu quả. Chưa thu hút được nhiều tập đoàn quốc tế lớn đến đầu tư.

Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; nguồn lực phát triển từ di sản cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa; một số công trình di tích có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng. Công tác chỉnh trang, nâng cấp, giữ gìn trật tự đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giải phóng mặt bằng, tái định cư còn một số bất cập.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; nhiều lĩnh vực còn thiếu chuyên gia giỏi, đầu ngành. Chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút, đãi ngộ nhân tài. Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, nhất là trước thiên tai, lũ lụt, hạn hán…

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo tại buổi làm việc. 

Thừa Thiên Huế đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử

Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Thừa Thiên Huế nói chung và cố đô Huế nói riêng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, rất đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử. Chúng ta tự hào về Huế và phải biến niềm tự hào này thành nguồn lực, kế thừa và phát huy thành quả, di sản mà cha ông để lại để Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.”

Thừa Thiên Huế nằm ở trung độ của đất nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của miền Trung và cả nước; là cửa ngõ tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên trên 5 nghìn km2 (đứng thứ 30/63 cả nước); dân số gần 1,2 triệu người (thứ 40/63) với 34 dân tộc anh em. Về hệ thống hạ tầng, giao thông, tỉnh có cảng biển nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An, sân bay Phú Bài; tuyến đường sắt chạy dọc tỉnh; hơn 2,5 nghìn km đường bộ, Quốc lộ 1 chạy từ Bắc xuống Nam, quốc lộ 49B chạy từ Tây sang Đông, đường Hồ Chí Minh (105 km).

Tỉnh đang phát triển hai khu kinh tế với tổng diện tích gần 37,3 nghìn ha (Chân Mây-Lăng Cô; cửa khẩu A Đớt); 6 khu công nghiệp với diện tích gần 2,4 nghìn ha.

Tỉnh có ưu thế phát triển thuỷ sản ở cả vùng biển, đầm phá và nước ngọt, với bờ biển dài hơn 120 km, phá Tam Giang dài 70 km, diện tích 22 nghìn ha là vùng đầm phá có diện tích lớn nhất Đông Nam Á.  Tỉnh có hơn 325 nghìn ha đất lâm nghiệp. Tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú với khoảng 25 loại khoáng sản; 7 nguồn nước khoáng nóng có thể sử dụng để uống và chữa bệnh.

Thừa Thiên Huế là địa điểm du lịch hấp dẫn với nền văn hóa vô cùng đặc sắc, là sự hòa quyện của văn hóa đô thị với văn hóa làng, chùa; văn hóa cung đình (bác học) với văn hóa dân gian. Có nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô, Thuận An, Cảnh Dương. Điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều động, thực vật quý hiếm.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Thừa Thiên Huế mang vẻ đẹp nên thơ, tao nhã; nét độc đáo của các lễ hội dân gian truyền thống, các làng nghề; sự phong phú, đặc sắc của nghệ thuật âm nhạc và ca múa; nét tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực và giao tiếp. Nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã đi vào thơ ca như núi Ngự, sông Hương, đồi Thiên An, đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang, núi và rừng quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân…

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang, văn hoá đặc sắc với nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử của Việt Nam và thế giới, với khoảng 1.000 di tích, địa điểm lịch sử, cách mạng, tôn giáo, đặc biệt là 5 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới gồm quần thể di tích cố đô Huế - di sản đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận, nhã nhạc Cung đình Huế, mộc bản triều Nguyễn, châu bản triều Nguyễn và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tỉnh có hệ thống giáo dục, y tế phát triển với trường Đại học Huế, Đại học dân lập Phú Xuân và hệ thống các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường Quốc học Huế. Bệnh viện Trung ương Huế là trung tâm y tế chuyên sâu, một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước.

Người dân Thừa Thiên Huế văn minh, lịch thiệp, tinh tế, hiếu khách, có truyền thống hiếu học lâu đời và khát khao làm giàu cho quê hương, đất nước. Thừa Thiên Huế cũng là một trong số ít các địa phương được Trung ương ban hành Nghị quyết riêng về định hướng phát triển.  

Các đại biểu cho rằng, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, Thừa Thiên Huế hội tụ các điều kiện để phát triển nhanh và bền vững hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Thừa Thiên Huế phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, thế mạnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xác định bối cảnh có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; phải quán triệt, bám sát, triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, tinh thần là cần kiên định hơn, bản lĩnh hơn, quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, xác định trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình và nhất là truyền thống văn hóa lịch sử hết sức phong phú, đặc sắc. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; chú trọng phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ đạo, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là về kinh tế biển, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái, tỉnh phải chú trọng phát triển hài hòa kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nêu các kiến nghị cụ thể, liên quan tới việc xây dựng đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; nguồn vốn cho dự án tuyến đường bộ ven biển, cầu Thuận An và dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây; mở rộng phạm vi đề án để di dời (khoảng 400 hộ dân) thuộc các khu vực quần thể di tích cố đô Huế nằm ngoài kinh thành Huế; đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49; đề án xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia và đề án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia miền Trung; nâng cấp hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh và đầu tư xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho Thừa Thiên Huế phát triển, Thủ tướng giao tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các cơ quan, tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổng kết thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện các dự án, đề án, chương trình cụ thể bảo đảm sát thực tế, khả thi, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Với các đề xuất liên quan tới ngân sách, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành, căn cứ quy định của pháp luật, khả năng cân đối nguồn vốn và các nguyên tắc, tiêu chí theo quy định về sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, trong đó có việc bố trí nguồn vốn cho tuyến đường ven biển.

Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương xử lý, tháo gỡ các vướng mắc, sớm đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường lăn sân bay Phú Bài theo quy hoạch, bảo đảm đồng bộ với nhà ga T2 sắp hoàn thành nhằm nâng cao năng lực, khai thác hiệu quả sân bay này.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 46/2017/NĐ-CP về điều kiện, quy trình thành lập, chuyển đổi hoặc phát triển đại học vùng thành đại học quốc gia, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định; đồng thời với việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu Đại học Huế.

Nâng cấp hệ thống lưu niệm Hồ Chí Minh và xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp kiến nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về nâng cấp hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa và phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2045, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng đồng tình với đề xuất xây dựng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và nhấn mạnh, việc xây dựng Bảo tàng này cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ các bảo tàng lớn trên thế giới; quản lý, trưng bày, giới thiệu phải ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng kiến trúc phải kế thừa truyền thống, hài hoà, phù hợp với tổng thể di tích cố đô Huế; bảo tàng phải tự "sống được" bằng nguồn thu. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng bảo tàng hoặc trung tâm ẩm thực Huế.

Trước đó, trong chuyến công tác tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V; kiểm tra tiến độ một số dự án quan trọng trên địa bàn gồm Nhà ga T2 sân bay quốc tế Phú Bài, cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển, khu tái định cư dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế; thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng tới dâng hương, tham quan triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh./.

Hoàng Oanh

 
 
 

Tag:

File đính kèm