Việc ban hành Quy định là một bước quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: "Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ". Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là "nền tảng", là "cái gốc" cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Để làm rõ hơn ý nghĩa quan trọng và việc triển khai Quy định số 144-QĐ/TW có hiệu quả, TS. Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao đổi xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết ý nghĩa của việc ban hành Quy định số 144 trong giai đoạn hiện nay?
Đạo đức có vai trò đặc biệt quan trọng, cấu thành nền tảng tinh thần xã hội. Đối với cán bộ, đảng viên, đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: "Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang". Chỉ khi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn mới có được ý chí, hành động cách mạng trong sáng, tinh thần phụng sự, cống hiến vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và dành sự quan tâm lớn về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trải qua các thời kỳ, công tác xây dựng Đảng về đạo đức đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn của đất nước, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế. Công tác rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao. Nguyên nhân căn bản là sự thiếu tu dưỡng đạo đức trong cán bộ, đảng viên, đòi hỏi cần có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh song song với biện pháp bồi dưỡng, rèn luyện mang tính phòng ngừa tích cực.
Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, rất nhiều thách thức lớn đặt ra trong việc giữ vững độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trong đó, nguy hại nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc".
Điều này tác động mạnh đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Quy định 144 về Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là rất cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc, đáp ứng đòi hỏi về cả lý luận và thực tiễn, góp phần phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng và hệ thống chính trị trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Điều 3 Quy định 144 về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư đã đưa ra những quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ đảng viên đối với bản thân, gia đình và tổ chức Đảng. Ông có thể phân tích thêm nội dung này thông qua thực tiễn về công tác cán bộ trong thời gian qua?
Nhóm chuẩn mực "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là phẩm chất lõi của cán bộ, đảng viên trong mối quan hệ với công việc, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng, thể hiện nội hàm năng lực trong bảo đảm thực thi, hoàn thành nhiệm vụ, trọng trách Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
"Cần", ở đây là siêng năng, chăm chỉ, bền bỉ, tâm huyết. Cần phải gắn với kế hoạch, nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng khi làm việc thì mới có hiệu quả.
"Kiệm", có nghĩa là tiết kiệm, không xa xỉ, hoang phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất của cơ quan, đơn vị, địa phương, quốc gia. Cần với Kiệm phải đi đôi với nhau. Cần mà không Kiệm, "thì làm chừng nào xào chừng ấy". Kiệm mà không Cần, làm mãi không tăng thêm, không phát triển được.
"Liêm", có nghĩa là trong sạch, trong sáng, không tham lam, sách nhiễu. Liêm phải đi đôi với Kiệm. Có Kiệm mới Liêm được. Luôn biết chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
"Chính" là thẳng thắn, đứng đắn, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật, thấy đúng thì bảo vệ, thấy sai thì phê phán, tự phê bình và phê bình một cách tích cực, có tính xây dựng cao. Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Chính là sự hoàn chỉnh của Cần, Kiệm, Liêm.
Còn "Chí công vô tư" là đạo đức cao nhất của người cộng sản. Chí công vô tư là làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ về Tổ quốc, dân tộc, Đảng trước hết. Nếu lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư, khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, những đức tính tốt sẽ ngày càng tăng.
Tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí một số cán bộ vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao thời gian vừa qua đã phản ánh vấn đề đạo đức cách mạng, trong đó các phẩm chất cốt lõi "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" bị xem nhẹ. Chỉ khi mỗi cán bộ, đảng viên ghi nhớ và thực hành sâu sắc mối quan hệ giữa các phẩm chất đạo đức này, Cần, kiệm, liêm, chính để dẫn đến chí công vô tư và ngược lại, chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng nhất định sẽ giữ được tấm lòng trong sáng với Đảng, dân tộc.
Hiện nay các Đảng bộ, chi bộ trên cả nước đang tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quy định 144, ông cho biết những vấn đề cần lưu ý, tập trung thực hiện để đạt hiệu quả trong nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng?
Để thực hiện hiệu quả Quy định 144, trong thời gian rất sớm Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ ban hành Hướng dẫn thực hiện cụ thể. Tôi chỉ xin lưu ý một số vấn đề trong tổ chức triển khai thực hiện. Đó là các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tổ chức quán triệt sâu rộng Quy định để mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc nội dung Quy định. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung Quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Phối hợp triển khai thực hiện Quy định với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Trung ương trong lĩnh vực xây dựng Đảng, nhất là trên các mặt xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội có thẩm quyền, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội theo quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước đối với việc tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, cán bộ chủ chốt.
Cấp ủy, tổ chức Đảng coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng gắn với kết hợp phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy định chuẩn mực đạo đức, quy định nêu gương, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ đầu, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Đồng thời, tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên.
Trân trọng cảm ơn ông!