Sign In

Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng CAND trong đảm bảo an ninh con người

14:18 29/03/2024

    Chiều 29/3/2024, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp hội đồng “An ninh con người và đảm bảo an ninh con người ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn”. Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân (ANND) chủ trì Hội thảo.

    Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ, đơn vị chức năng của Bộ Công an; Công an các đơn vị, địa phương, các học viện, trường Công an nhân dân (CAND) cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND.

    Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND phát biểu tại hội thảo.
    Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND phát biểu tại hội thảo.


    Đề dẫn tại hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên nhấn mạnh: Trong những thập kỷ gần đây, an ninh con người và bảo đảm an ninh con người đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. An ninh con người trở thành vấn đề toàn cầu, mang tính sống còn cho sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam, vấn đề con người và đảm bảo an ninh con người luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, xác định con người là trung tâm, động lực cho sự phát triển đất nước trong mọi giai đoạn cách mạng.

    Hội thảo "An ninh con người và đảm bảo an ninh con người ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn" được tổ chức nhằm góp phần hoàn thiện lý luận bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ an ninh quốc gia chất lượng cao.

    Tham luận tại Hội thảo, Thiếu tướng, GS.TS Bùi Quảng Bạ, chuyên viên cao cấp của Học viện Chính trị CAND cho rằng, cấu trúc an ninh con người bao gồm 07 thành tố được Liên hợp quốc đưa ra đã được các quốc gia trên thế giới vận dụng vào thực tiễn. Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước luôn đặt an ninh con người, bảo đảm an ninh con người là mối quan tâm hàng đầu, luôn chú trọng thực hiện cam kết quốc tế về vấn đề này; cơ quan chức năng Việt Nam nói chung, lực lượng CAND cũng đã áp dụng những biện pháp hiệu quả trong bảo đảm an ninh con người, đồng thời, tích cực hợp tác quốc tế, khu vực nhằm đảm bảo an ninh con người....

    Đồng chí Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội thảo.
    Đồng chí Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội thảo.

     

    Đồng chí Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, số lượng công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng, trong đó di cư lao động là loại hình chính với khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc nước ngoài theo hợp đồng tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiếp đến là di cư du học với khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, phần lớn là du học sinh tự túc. Ngoài ra, còn có một số hình thức di cư khác như kết hôn có yếu tố nước ngoài, di cư cho nhận con nuôi Việt Nam ra nước ngoài…

    Từ thực tế trên, lãnh đạo Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý di cư quốc tế, đảm bảo an ninh con người như thực thi tốt chính sách phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là các giải pháp an sinh xã hội; chú trọng công tác phân tích, dự báo tình hình; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di cư quốc tế và hoàn thiện cơ chế phối hợp trong quản lý di cư quốc tế.

     

    Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
    Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo.


    Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhấn mạnh khái niệm an ninh cứng và an ninh mềm, an ninh truyền thống, phi truyền thống. Trong đó, ở các quốc gia như Việt Nam, an ninh con người là trọng tâm của an ninh quốc gia, có mối quan hệ mật thiết với an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở đó, đồng chí đề xuất cần nhận diện rõ các phương thức, thủ đoạn lợi dụng an ninh con người để xâm hại đến quyền và lợi ích quốc gia; chú trọng hợp tác quốc tế, hợp tác với khu vực theo hướng song phương và đa phương…

     

    Các đại biểu tham dự hội thảo.
    Các đại biểu tham dự hội thảo.


    Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ cũng đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo an ninh con người như nâng cao trách nhiệm, "tăng sức đề kháng" cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phát huy tốt hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng CAND trong đảm bảo an ninh con người…

     

    Huyền Thanh - Tuấn Đạt

    Tag:

    File đính kèm