Sign In

Bền bỉ “rèn cán, luyện quân” với tân binh

15:01 30/04/2024

Tôi đến thao trường của Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục nghề nghiệp số 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) ở Đại Yên, Chương Mỹ, Hà Nội một ngày đầu tháng 4/2024 - khi các tân binh đang thực hiện song song hai nhiệm vụ: Vừa huấn luyện điều lệnh, quân sự, võ thuật, vừa tham gia khối Hồng kỳ, xếp hình, xếp chữ phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSCĐ.

Trên thao trường đầy nắng gió, các tân binh say sưa luyện tập, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, ướt đẫm lưng áo những ngày đầu làm quen với nhịp sống quân ngũ...

8-1.jpg -0
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng lãnh đạo TP Hà Nội động viên tân binh trong lễ giao nhận quân năm 2024 tại quận Hoàng Mai.

Tốt nghiệp đại học, đã đi làm vẫn tình nguyện nhập ngũ

Ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh nữ chiến sĩ Cao Ngọc Dung đến từ Cao Bằng đang cùng đồng đội huấn luyện các động tác điều lệnh đội ngũ tại khoảng sân bê-tông của Trung tâm. Gương mặt xinh đẹp, làn da trắng mịn khiến Dung nổi bật trong hàng quân, nhất là khi trong số gần 1.200 tân binh huấn luyện tại đây chỉ có 11 đồng chí là nữ.

"Năm ngoái tốt nghiệp THPT, em đỗ 5 trường đại học nhưng không đủ điểm đỗ Học viện Cảnh sát nhân dân. Em đã nhập học tại Học viện Hành chính quốc gia 1 kỳ, nhưng vì ước muốn được cống hiến trong Công an nên em đã quyết định nghỉ học, tình nguyện viết đơn tham gia nghĩa vụ CAND", Dung chia sẻ. Theo đó, để thự hiện ước mơ, cô tranh thủ thời gian tham gia nghĩa vụ để vừa rèn luyện bản thân, vừa quyết tâm ôn thi lại.

Cạnh bên, nữ tân binh Hồ Hạ Bảo Thương, dân tộc Pa Cô ở Quảng Trị vừa tốt nghiệp Cao đẳng Dược cũng viết đơn tình nguyện đi nghĩa vụ để được trải nghiệm môi trường quân ngũ. Thương cho biết, lúc đầu bỡ ngỡ, nhiều khó khăn do chưa làm quen cả về thời tiết, môi trường sống. "Thêm nữa, học võ thuật, các động tác xoạc chân rất khó, đi điều lệnh cũng chưa chắc tay...", em thừa nhận. Song đến giờ, sau 5 tuần, các tân binh đã thích nghi dần, dưới sự giúp đỡ, bảo ban tận tình của các cán bộ huấn luyện tại Trung tâm.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Lê Đình Luân, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục nghề nghiệp số 1 (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, năm 2024, thực hiện kế hoạch tuyển quân của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh CSCĐ tổ chức tiếp nhận, huấn luyện 16.160 tân binh thuộc 61 tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 933 tân binh so với năm 2023). Bộ Tư lệnh CSCĐ đã giao 12 đơn vị tổ chức tiếp nhận, huấn luyện tại 19 địa điểm trên cả nước, trong đó, Trung tâm được giao tổ chức, tiếp nhận, quản lý, huấn luyện 1.527 tân binh (1.192 tân binh tuyển cho Bộ Tư lệnh và 335 tân binh 2 địa phương: Hưng Yên và Bắc Ninh).

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm cho rằng, công tác tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND năm nay được nâng lên rõ rệt về cả chất và lượng; đặc biệt, có nhiều công dân đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp bên ngoài cũng tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Bám sát chương trình khung huấn luyện chiến sĩ mới, Trung tâm đã có điều chỉnh về thời gian huấn luyện một số nội dung chính trị, pháp luật, điều lệnh, quân sự, võ thuật CAND cho phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó, giúp các chiến sĩ nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật; bản lĩnh, kỹ chiến thuật, võ thuật CAND; biết sử dụng thành thạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được trang bị cho lực lượng CAND. Đảm bảo sau 3 tháng kết thúc huấn luyện, được phân bổ về các đơn vị, mỗi chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

8-2.jpg -0
Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục nghề nghiệp số 1 kiểm tra công tác huấn luyện tân binh tại thao trường.

Dành 200% công sức vì "mục tiêu kép"

Theo chân Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh kiểm tra công tác huấn luyện tân binh nơi thao trường, tôi càng cảm nhận rõ hơn về số chiến sĩ nghĩa vụ K60 của năm 2024, nhiều bạn hình thể đẹp, quân dung tươi tỉnh, tác phong nhanh nhẹn, các động tác võ thuật dần thuần thục... Đó là Nguyễn Tiến Nam (SN 2000), quê Quảng Ninh, đã tốt nghiệp Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng; là Mai Đức Anh (SN 1999), ở Hà Nội, tốt nghiệp Học viện Chính sách và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từng có kinh nghiệm đi làm 2 năm; hay Nguyễn Duy Nam (SN 2005) ở Hưng Yên, vừa tốt nghiệp cấp 3 song tư duy tốt, luôn tự giác chủ động trong công tác huấn luyện.

"Thực sự hai tuần đầu mình cũng bị “sốc”, vì đang môi trường đi làm được chủ động thoải mái, vào đây thực hiện 11 chế độ nghiêm khắc trong ngày. Có lúc mình nghĩ, hay là đi về? Nhưng đồng chí Quy, Phó Đại đội trưởng Đại đội mình có nói: "Người làm công tác tư tưởng tốt nhất cho mình là chính mình. Tôi cũng từng là lính đặc nhiệm, còn khổ hơn các em rất nhiều, cũng từng có lúc mệt mỏi, nhưng nếu quyết tâm thì các em cũng sẽ làm được như tôi". Những chia sẻ, động viên chân tình của đồng chí Quy đã đả thông tư tưởng, tiếp thêm sức mạnh giúp mình vượt qua..." - tân binh Mai Đức Anh nhớ lại.

Đang quan sát Đại đội 5 luyện tập bài võ tổng hợp 25 động tác giữa sân cỏ nắng nóng oi bức, Trung úy Nguyễn Chu Du, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 1 của Trung tâm cho biết, anh là cán bộ làm công tác quản lý, huấn luyện tân binh, có nhiệm vụ quản lý và duy trì 11 chế độ trong ngày của chiến sĩ nghĩa vụ: Báo thức; tập thể dục buổi sáng; ăn sáng; học tập; huấn luyện; đọc báo, nghe tin, xem thời sự; lau chùi, bảo quản vũ khí, trang bị; sinh hoạt; hội họp; điểm danh; ngủ nghỉ. Do vậy, ngày nào anh cũng dậy trước chiến sĩ để đôn đốc, báo thức, tập trung, hướng dẫn các em bắt đầu thực hiện các chế độ trong ngày và chỉ khi tất cả tân binh đã lên giường ngon giấc thì anh và đồng đội mới đi ngủ.

Qua 2 năm công tác, được giao quản lý 6 khoá tân binh, Trung úy Nguyễn Chu Du cho biết, chiến sĩ nghĩa vụ ở nhiều vùng miền khác nhau, nhiều em quen lối sinh hoạt ở nhà, vào đây môi trường tập trung, kỷ luật, kỷ cương nên ban đầu chưa theo kịp. Thế nên, cán bộ quản lý cần hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết về giờ giấc sinh hoạt, "cầm tay chỉ việc" từ chuyện gấp chăn gấp màn, đồng thời thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư của các em qua các buổi sinh hoạt. "Để các em cởi mở, mình cũng phải như người anh, phải gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, tìm ra phương pháp phù hợp nhất", anh nói. Có lẽ cũng bởi vậy mà có tân binh lúc mới vào khó thích nghi, sau một tháng dần hoà đồng với môi trường ăn ở tập trung. Có bạn mới đến khóc rưng rức phần vì nhớ nhà mà giờ đã dạn dĩ, hoà đồng với "ngôi nhà chung" ở trung tâm...

Đối với điều lệnh - một trong những nội dung các tân binh cho là "khó nhằn" và đòi hỏi tính đồng đội cao, Đại úy Đặng Bá Thuận, cán bộ huấn luyện điều lệnh của Trung tâm cho rằng, cần có phương pháp chia từng bước để huấn luyện: Từng người tay không tại chỗ, động tác hành tiến, đội ngũ đơn vị, các phần nghi lễ... "Bên cạnh đó, các em còn vinh dự được tuyển chọn tập luyện khối Hồng kỳ, xếp hình, xếp chữ phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSCĐ. Chúng tôi mất hơn 20 ngày để huấn luyện sao cho hình, chữ bảo đảm cân đối, đồng đều; cả cán bộ huấn luyện và chiến sĩ mới đều dành 200% công sức", Đại úy Đặng Bá Thuận lý giải.

Qua 3 năm thực hiện Đề án tổ chức lại công tác huấn luyện, bồi dưỡng và sắp xếp hệ thống Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ trong CAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Tư lệnh CSCĐ đã hoàn thành huấn luyện cho hơn 42.500 công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND, trong đó hơn 8.000 công dân được tuyển chọn theo chỉ tiêu của Bộ Tư lệnh và hơn 34.500 công dân theo chỉ tiêu của Công an 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả các khoá huấn luyện đã tạo niềm tin và sự ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo Bộ Công an cũng như Công an các đơn vị, địa phương; minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, góp phần thu hút nguồn tuyển qua các năm gần đây. Đặc biệt, năm 2024, nguồn tuyển quân của Công an các đơn vị, địa phương đạt 103% so với chỉ tiêu được giao; tỷ lệ công dân trình độ Đại học trên 10%; Cao đẳng 7,4%...

Quỳnh Vinh

Tag:

File đính kèm