Sign In

Tiên phong triển khai Đề án 06, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị

07:00 01/05/2024

Đánh giá 2 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt ấn tượng và nhấn mạnh đến vai trò nòng cốt của lực lượng CAND, sự quyết liệt, sâu sát của đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an.

Đối với Bộ Công an, việc triển khai hiệu quả Đề án 06 không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, mà còn góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Tiên phong triển khai Đề an 06, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đảng uỷ Công an Trung ương, ngày 20/12/2023. Tổng Bí thư đánh giá, năm 2023, lực lượng CAND rất vất vả, song rất vinh dự, tự hào, đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật.

Phát huy vai trò truyền cảm hứng

Ngày 27/3 vừa qua, phát biểu kết luận tại phiên họp tổng kết quý I/2024 về triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều kết quả của tổ công tác đạt được từ sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06, được Chính phủ tổ chức vào cuối tháng 12/2023. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm, trực tiếp chủ trì nhiều phiên họp, hội nghị, ban hành các chỉ thị, quyết liệt chỉ đạo, đốc thúc Tổ Công tác và các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm là cơ quan thường trực, trong thời gian qua, Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ đã thực hiện hiệu quả nhiều phần việc nhằm thúc đẩy triển khai mạnh mẽ Đề án 06. Bộ trưởng Tô Lâm đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy Đề án 06 và chuyển đổi số trong CAND; duy trì các buổi giao ban định kỳ hàng tháng với các thành viên tổ công tác và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan; kiện toàn thành viên tổ công tác.

Xuyên suốt trong hơn 2 năm triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm và Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như các thành viên của tổ công tác đã trực tiếp làm việc, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai Đề án 06. Nhiều kế hoạch, văn bản nhằm hướng dẫn, đốc thúc các bộ, ngành, địa phương triển khai đề án đã được Bộ Công an, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ ban hành.

Mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng trực tiếp làm việc với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng chính sách, Kho bạc Nhà nước… để thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP; Xây dựng Kế hoạch phối hợp và ký kết Kế hoạch phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Chỉ đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) ký kết phối hợp triển khai giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư đánh giá khả tín khách hàng vay với các bộ, ngành, ngân hàng, địa phương cũng như hỗ trợ UBND TP Hà Nội triển khai 17 nhiệm vụ trọng tâm về Đề án 06 trên địa bàn thành phố.

Tiên phong triển khai Đề an 06, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị -0
Bộ trưởng Tô Lâm cùng Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tham quan trưng bày những thiết bị được phát triển từ ứng dụng nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, cải cách hành chính phục vụ nhân dân (Ảnh chụp năm 2022).

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết: Trong quý I/2024, với 168 nhiệm vụ (18 nhiệm vụ chung, 135 nhiệm vụ cụ thể của bộ, ngành và 15 nhiệm vụ của địa phương) được giao tại Chỉ thị số 04, 4 nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tổ Công tác trong năm 2024, đến nay, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 30 nhiệm vụ và đang triển khai 114 nhiệm vụ. Tổ Công tác đã tập trung hoàn thiện thể chế cũng như đẩy mạnh nhóm tiện ích giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tính đến ngày 27/3, đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa được 658/1.086 TTHC (đạt tỷ lệ 61%, tăng 130 TTHC so với năm 2023) theo 19 nghị quyết chuyên đề đơn giản hóa TTHC của Chính phủ. Nhóm tiện ích phát triển kinh tế - xã hội như truy thu thuế, giao dịch không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế, an sinh xã hội… được đẩy mạnh. Về phát triển công dân số, đến thời điểm trên, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chip; thu nhận trên 74,48 triệu hồ sơ định danh điện tử và kích hoạt trên 53,25 triệu tài khoản. Ngoài 8 tiện ích trên VNeID đã công bố ngày 25/1/2024, trong tháng 4 này, Bộ Công an tiếp tục công bố thêm 9 tiện ích, phục vụ người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ANTT… Thống kê, mỗi ngày có gần 3 triệu lượt đăng nhập vào VNeID thực hiện các tiện ích của Bộ Công an.

Bồi đắp vững chắc những kết quả đáng tự hào

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Công an được Chính phủ xác định là tiên phong, dẫn dắt, triển khai Đề án 06 cũng như công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức với khối lượng công việc khổng lồ trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch COVID- 19, nhưng với tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm chính trị trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất”, lực lượng CAND đã hoàn thành xuất sắc 2 dự án có ý nghĩa nền tảng để xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số, đó chính là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân (CCCD).

Đến nay, những “trái ngọt” từ cuộc “cách mạng số” của ngành Công an đang hiện hữu, mang lại những hiệu quả, giá trị to lớn cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Có thể khẳng định, chính người dân, doanh nghiệp là hai chủ thể được thụ hưởng lớn nhất từ thành quả Đề án 06 mang lại. Việc Bộ Công an hoàn thành những dự án trên và nhất là quyết liệt triển khai Đề án 06 là minh chứng sắc nét, mạnh mẽ cho quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị.

Bám sát vào những nhiệm vụ lớn của Nghị quyết 12, “xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, Bộ Công an tập trung mục tiêu hoàn thiện cơ sở pháp lý, phục vụ cải cách hành chính xoay quanh 6 nội dung: Cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong CAND, trong đó, tập trung xây dựng trình Quốc hội thông qua các luật, văn bản pháp luật có liên quan. Chuyển đổi số giúp hiện đại lực lượng CAND, góp phần phục vụ nhân dân ngày càng hiệu quả hơn. Bộ Công an tập trung vào cải cách TTHC, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong CAND với các chỉ tiêu: 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Công an phải được công bố, công khai, cập nhật kịp thời, trong đó, 100% TTHC có đủ điều kiện, được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử; 100% kết quả giải quyết TTHC của cá nhân được lưu trữ điện tử; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC.

Tiên phong triển khai Đề an 06, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và các đồng chí lãnh đạo dự Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, ngày 12/7/2023.

Đến nay, công cuộc chuyển đổi số trong CAND đã đạt được rất nhiều kết quả, thành tích đáng tự hào. Nhiều tiện ích phục vụ cho người dân, doanh nghiệp đã được Bộ Công an và Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Nhóm tiện ích đầu tiên phải kể tới đó chính là phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tính đến tháng 3/2024, Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 224/224 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, đạt tỷ lệ 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến (vượt tiến độ Chính phủ giao hoàn thành trong năm 2025). Cổng Dịch vụ công Bộ Công an đã hoàn thành việc cắt giảm, bãi bỏ đối với 86 TTHC. Trong năm 2023, đã tiếp nhận, giải quyết trên 67 triệu hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc đạt 85,18% (tăng 71,06% so với năm 2022), trong đó, tất cả các địa phương, lĩnh vực TTHC đều có tỷ lệ trực tuyến trên 50% (vượt chỉ tiêu chung của Bộ giao). Những dịch vụ công này đều rất thiết yếu, được nhân dân vui mừng đón nhận, góp phần thay đổi nền hành chính của các tỉnh, thành phố, cả nước từ “hành chính” sang “kiến tạo” và “phục vụ”.

Bộ Công an đã nỗ lực cấp trên 87 triệu thẻ CCCD, gần 54 triệu tài khoản VNeID trong tổng số trên 74 triệu hồ sơ định danh điện tử được thu nhận (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao); 47 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử, tất cả phục vụ cho công tác quản lý cũng như phát triển kinh tế - xã hội, công dân số, Chính phủ số, xã hội số và hiện đại lực lượng CAND. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thực hiện kết nối, chia sẻ với 16 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước (EVN), 4 doanh nghiệp viễn thông, 63 địa phương; đã tiếp nhận gần 1.475 triệu yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin, tiến hành đồng bộ thông tin, làm giàu dữ liệu với hơn 596,9 triệu yêu cầu, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần tiết kiệm cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

CCCD và tài khoản định danh điện tử VNeID đã được người dân, doanh nghiệp ứng dụng, phục vụ vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là những lĩnh vực thiết yếu như ngân hàng, viễn thông, giáo dục, y tế, giao thông vận tải, bảo hiểm, lưu trú, an sinh xã hội không dùng tiền mặt, triển khai cho vay tín chấp và giải ngân cho người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội, giúp không có ai bị bỏ lại phía sau cũng như phòng, chống hiệu quả hoạt động “tín dụng đen”. Những phần mềm nghiệp vụ đã từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý của lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp và nhu cầu sử dụng của CBCS, góp phần xây dựng lực lượng CAND chính quy, hiện đại. Không chỉ phục vụ công tác của lực lượng Công an, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được ứng dụng mạnh mẽ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dữ liệu là “trái tim”, là “tài sản quốc gia” tạo nên thành công của Đề án 06, chuyển đổi số

“Chúng ta phải tiếp tục bám sát vào 7 quan điểm chỉ đạo của Đề án 06 với trọng tâm là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tận dụng mọi nguồn lực nhằm phát triển mạnh mẽ hạ tầng số, nền tảng số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ số, tiện ích số. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; để người dân và doanh nghiệp hiểu, ủng hộ và tham gia tích cực. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Triển khai Đề án 06 một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng, tập trung vào 5 ưu tiên chính: Phát triển dữ liệu số, dịch vụ công trực tuyến thiết yếu gắn với người dân, doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn, hạ tầng số, nền tảng số, an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.

Tôi cũng rất tin tưởng các đồng chí, những người chiến sĩ CAND sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vượt qua khó khăn, thách thức, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để triển khai thành công Đề án 06; tiếp tục nêu cao và làm tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ CAND "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

 

Bộ trưởng Tô Lâm: Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số

“Với vai trò gương mẫu, đi đầu, quyết tâm chính trị cao nhất, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an 4 cấp gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Đề án 06, được thể hiện bằng Nghị quyết số 13, ngày 30/9/2022 của Đảng ủy Công an Trung ương với 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Để tạo “công cụ, phương tiện” cho người dân, doanh nghiệp tham gia Đề án 06, Bộ Công an đã chỉ đạo hơn 5 vạn cán bộ Công an chính quy tại cấp xã hiện nay phải đảm bảo duy trì, cập nhật, bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”, đây là mệnh lệnh công tác, là danh dự của lực lượng CAND. Chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc cấp đủ, trả đủ thẻ CCCD gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn trước 31/7/2023, đẩy mạnh việc thu nhận hồ sơ, cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân...

Đặc biệt, từ yêu cầu hoàn thiện dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và tham mưu với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Chính trị phê duyệt chủ trương Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Việc xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia có ý nghĩa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong thời gian tới.

Bộ Công an đã tổ chức Công an xã, thị trấn chính quy tại 8.864/8.864 Công an xã, thị trấn (đạt 100%), sớm hơn 6 tháng so với lộ trình quy định trong Nghị định số 42 của Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Công an các đơn vị, địa phương đã rà soát nguồn nhân lực để bố trí cán bộ trực tiếp thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính theo phân cấp nghiệp vụ của từng lực lượng, đánh giá tổng thể về sự tác động của việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đến cơ cấu, tổ chức bộ máy và biên chế; bố trí, sử dụng CBCS trực tiếp thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Bộ Công an cũng bảo đảm nguồn nhân lực chuyển đổi số cho Công an các đơn vị, địa phương…, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị”.

Hoàng Phong

Tag:

File đính kèm