Nhiều mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin đã ra đời, giúp cải tiến quy trình công tác, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất công việc, góp phần cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Với mục đích giúp người dân sử dụng điện thoại thông minh có thể tiếp cận, thực hiện các thủ tục xuất nhập cảnh nhanh chóng, thuận lợi, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Hà Nam đã chủ động xây dựng bộ mã QR các thủ tục hành chính lĩnh vực xuất nhập cảnh. Bộ mã QR này được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của đơn vị, đồng thời cấp phát cho Công an tất cả các địa bàn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở lưu trú trên địa bàn để người dân có nhu cầu làm thủ tục xuất nhập cảnh, làm thủ tục khai báo lưu trú có thể dễ dàng quét mã và tiến hành các bước theo hướng dẫn.
Bộ mã QR gồm 9 hướng dẫn thủ tục hành chính với các nhóm thủ tục xuất nhập cảnh dành cho công dân Việt Nam và nhóm thủ tục xuất nhập cảnh, khai báo tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam. Song song với đó, đơn vị đã triển khai thực hiện tiếp nhận thủ tục hồ sơ đăng ký cấp hộ chiếu cho người dân trên Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công an https://dichvucong.bocongan.gov.vn bằng tài khoản VNeID.
Việc làm trên đã góp phần giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính, tiết kiệm công sức, thời gian, chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Kết quả gần 1 năm qua, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu cho trên 12.000 công dân trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Từ 15/7/2024 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, giải quyết hơn 600 hồ sơ cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài trên Cổng dịch vụ công.
Bên cạnh đó, điểm nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số của Công an tỉnh Hà Nam phải kể đến việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong triển khai lắp đặt thí điểm camera AI phục vụ giám sát an ninh, quản lý, xử lý vi phạm giao thông. Hiện Công an tỉnh Hà Nam đang khai thác, sử dụng 2 hệ thống. Theo đó, hệ thống camera AI tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) của TP Phủ Lý, được đầu tư với 72 camera giám sát, trong đó có 16 camera thông minh AI phục vụ xử lý vi phạm giao thông tại 4 điểm nút giao thông quan trọng trên địa bàn TP Phủ Lý.
Còn hệ thống camera AI thứ hai được sử dụng thí điểm trong Công an tỉnh Hà Nam với 7 bộ đầu đọc thẻ căn cước tích hợp camera AI phục vụ quản lý ra vào cơ quan, đơn vị tại Công an các đơn vị, địa phương; 8 bộ camera gắn trực tiếp với lực lượng làm nhiệm vụ nhằm phục vụ tuần tra đảm bảo ANTT trên tuyến; 47 camera giám sát ANTT, xử phạt lỗi đèn đỏ, lỗi vi phạm tốc độ, nhận diện biển số, khuôn mặt... Kết quả, khoảng 1 năm triển khai hệ thống đến nay, thông qua hệ thống camera AI đã phối hợp xử lý khoảng 9.000 trường hợp vi phạm, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho nhân dân, bảo đảm ANTT và trật tự an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là giải pháp thiết thực để thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng và lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt để hướng đến mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền số, xã hội số, công dân số.
Nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyển đổi số, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của Công an tỉnh Hà Nam; tập trung đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, chăm lo đào tạo cán bộ, tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tất cả các mặt công tác Công an.
Đến nay, hạ tầng máy tính nội bộ, mạng Internet đã được triển khai tới 100% Công an các đơn vị, địa phương của Công an tỉnh Hà Nam, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sẵn sàng phục vụ công tác, chiến đấu trong mọi tình huống.
Với quyết tâm chính trị cao, Công an toàn tỉnh Hà Nam đã chuyển đổi trạng thái hoạt động, làm việc từ truyền thống sang môi trường số ở các lĩnh vực phù hợp, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác Công an trong tình hình mới, từ đó đã đạt được những kết quả quan trọng để “đón đầu” và hội nhập với cuộc cách mạng 4.0.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp Công an tỉnh Hà Nam phục vụ hiệu quả công tác Công an. Thời gian tới, cùng với các cấp, ngành của tỉnh, lực lượng Công an tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò xung kích, đi đầu, ứng dụng nền tảng số, công nghệ mới, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Hà Nam.