Sign In

Chặng đường vẻ vang phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc

08:12 01/11/2024

Đúng ngày này 78 năm về trước, Báo Công an Mới – tiền thân của Báo Công an nhân dân (CAND) phát hành số đầu tiên, trở thành một trong những tờ báo được khai sinh rất sớm sau Cách mạng Tháng Tám. Là một tờ báo trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, gần 8 thập kỷ qua, Báo CAND luôn bám sát nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Những bậc tiên chỉ có công khai sinh Báo Công an Mới là các vị lão thành cách mạng, lãnh đạo tiền bối của lực lượng CAND: Lê Giản (Giám đốc Việt Nam Công an vụ, sau là Giám đốc Nha Công an Trung ương) là người chỉ đạo việc ra báo và cơ chế lãnh đạo tờ báo; Nguyễn Tài (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an), là người đứng tên xin giấy phép ra báo. Cũng không thể không nhắc tới nhà văn tên tuổi Nguyễn Công Hoan, người ký quyết định cấp phép ra báo Công an Mới, với tư cách Giám đốc Kiểm duyệt Bắc bộ. 

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ cuối năm 1946, các cơ quan Trung ương phải di chuyển lên Việt Bắc và các vùng tự do để tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến. 

Báo Công an Mới chỉ phát hành được 3 số thì phải tạm dừng hoạt động. Tiếp nối Báo Công an Mới là một số tờ báo ở Công an các khu và Nha Công an Trung ương như tờ Bạn Dân, Rèn Luyện…

Hòa bình lập lại ở miền Bắc được hơn 2 năm thì Bộ Công an xuất bản tờ báo nội bộ của lực lượng Công an, lấy tên là Nội san CAND. Kế thừa Công an Mới và Rèn luyện, Nội san CAND đã cải tiến nội dung, hình thức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền của lực lượng Công an trong giai đoạn mới. Đến ngày 20/11/1965, Tuần báo CAND số đầu tiên ra mắt, đánh dấu bước phát triển mới của Báo Công an nhân dân và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp kháng chiến, thống nhất đất nước. Cũng như thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kì này, Báo CAND vinh dự được các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo trực tiếp; đặc biệt, tờ báo thường xuyên được Bác Hồ xem và có nhận xét, huấn thị về công tác thông tin, tuyên truyền và khen thưởng người tốt việc tốt phản ánh trên tờ báo. 

Chặng đường vẻ vang phục vụ sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc -0

PV Báo CAND tác nghiệp tại hiện trường trong trận lũ quét kinh hoàng ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai (tháng 9/2024).

Sau năm 1975, Báo Công an nhân dân có điều kiện phát triển, số lượng in nhiều hơn và phát hành rộng rãi trong Công an các đơn vị, địa phương, bộ đội biên phòng, Công an xã… Trong làn gió ấm của sự nghiệp đổi mới, ngày 4/10/1988, Báo CAND được xuất bản công khai phục vụ bạn đọc cả nước. Số lượng phát hành của Báo CAND ngày càng tăng, vị thế và uy tín của tờ báo được củng cố, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Bộ Công an.
Trong thời kỳ này, Báo CAND được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã có thư viết tay gửi Báo CAND nhân kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1985). Trong thư, Chủ tịch Trường Chinh bày tỏ tình cảm: “Chúc Báo CAND ngày càng tiến bộ, xứng đáng là cơ quan tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn nghiệp vụ của lực lượng CAND trong cả nước”. Đặc biệt, các đồng chí đứng đầu lực lượng Công an như Phạm Hùng, Mai Chí Thọ thường xuyên quan tâm, có những chỉ đạo cụ thể và dành thời gian đến thăm tòa soạn báo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, phóng viên; từ đó có những quyết sách, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kiện toàn tổ chức và nhân sự… để Báo CAND hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị của tờ báo. 

Đến giữa những năm 1990, tiếp nối sự phát triển và thành công của Báo CAND, lãnh đạo Bộ Công an dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện để báo chí CAND phát triển đa dạng, góp phần hình thành các cây bút báo chí, văn chương trong lực lượng CAND. Đó là điều kiện để Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an chính thức ra đời. Người ký công văn ngày 16/5/1996 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) gửi Bộ Văn hóa Thông tin đề nghị cấp phép hoạt động cho Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an là Thứ trưởng Nguyễn Tấn Dũng (sau này là Thủ tướng Chính phủ).
Đây là tờ tạp chí chuyên sâu về văn hóa, văn nghệ và dần trở thành nơi ươm mầm nhiều cây viết, nhiều nhà văn CAND. Vào dịp kỷ niệm 51 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1996), Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an phát hành Chuyên đề An ninh Thế giới – để lại dấu ấn nổi bật trong đời sống báo chí của đất nước với tư cách là một trong những tờ báo duy trì lượng phát hành lớn top đầu trong nhiều năm. 

Đến ngày 19/11/2003, thực hiện quyết định của Bộ Công an, Báo An ninh Thế giới và Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an hợp nhất với Báo CAND thành Báo CAND. Đây là dấu mốc cực kì quan trọng trong lịch sử phát triển của Báo CAND và trở thành một cơ quan báo chí lớn gồm nhiều ấn phẩm báo in. Đặc biệt, ngày 23/11/2004, trang tin điện tử tổng hợp http://www.cand.com.vn (cand.vn) đã chính thức hòa mạng Internet; đến năm 2016, trở thành Báo điện tử CAND.

Với tiêu chí “Nhân văn – Tin cậy – Kịp thời”, Báo CAND đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an. Đặc biệt, Báo CAND là một trong những tờ báo uy tín trong công tác xã hội từ thiện, là cầu nối giữa các doanh nghiệp, nhà hảo tâm với đồng bào, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ, sẻ chia với người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc, các gia đình chính sách, người có công với nước…

Từ năm 2015 đến nay, đời sống báo chí, cách đọc báo, tiếp nhận thông tin của công chúng đã có những thay đổi sâu sắc. Hoạt động báo chí bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng, Báo CAND tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền. Vào dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm 2020, đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (nay là Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng) đã đến thăm và làm việc với Báo CAND. Sau khi lắng nghe báo cáo, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, phóng viên, đồng chí đã có những chỉ đạo sâu sắc, cụ thể về phương hướng, nhiệm vụ của tờ báo và nhấn mạnh: "Báo CAND luôn đồng hành với mỗi bước trưởng thành của lực lượng CAND. Nói đến báo chí Công an là phải nói đến Báo CAND".

Quán triệt chỉ đạo của đồng chí Đại tướng Tô Lâm, cán bộ, phóng viên Báo CAND luôn đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị của tờ báo. Hằng năm, Báo CAND đều giành được giải Báo chí quốc gia và nhiều giải báo chí của Trung ương, địa phương. Năm 2021, Báo CAND vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, dành cho đơn vị “có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động của lực lượng Công an, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”…

Hiện nay, nhận thức rõ nhiệm vụ phục vụ tốt yêu cầu bảo vệ an ninh Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Báo CAND đang tập trung thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả; nghiên cứu, xây dựng cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện theo Quyết định 362-QĐ/TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong đó xác định Báo CAND là một trong sáu cơ quan truyền thông chủ lực, đa phương tiện của quốc gia cùng với VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và Báo Quân đội nhân dân. 

Sang năm 2025, một năm có ý nghĩa rất lớn với đất nước: tròn 80 năm nước Việt Nam mới ra đời. Đó là dấu mốc để toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển đề ra. Năm 2025 cũng là dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống lực lượng CAND anh hùng, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc có nhiều thời cơ và thách thức mới… Trong dòng chảy lịch sử đó, chắc chắn Báo CAND sẽ tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh tờ báo của lực lượng CAND, góp phần vào những thành tựu sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước.

An Khang

Tag:

File đính kèm