Ghi nhận những cống hiến to lớn của lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 1/9/2020 lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND. Ngày 19/9/2023, Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định xác định ngày truyền thống lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là ngày 21/2/1962.
Sau khi ký Hiệp định Geneve năm 1954, trong một thời gian ngắn, lực lượng Công an phải đương đầu với những nhiệm vụ cực kỳ nặng nề để ổn định ANTT, phục vụ công cuộc khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc vừa mới giải phóng với những vụ án phức tạp. Còn ở miền Nam, đây là thời kỳ đấu tranh đòi thi hành hiệp định Geneve. Trên thực tế, ta có lòng dân hướng về thống nhất đất nước nhưng không có chính quyền, số cán bộ ở lại trong thời kỳ tập kết ra Bắc theo Hiệp định thì bị địch khủng bố trắng, bắt bớ giam cầm, chém giết, bị tổn thất nặng nề. Chỉ trong 4 năm (từ 1954 đến 1958), cả miền Nam tổn thất trên 90% cán bộ, đảng viên. Khoảng 7 vạn cán bộ, đảng viên bị giết ở Nam bộ… Trong bối cảnh đó, việc chi viện số lượng lớn cán bộ, chi viện toàn diện nhằm củng cố, xây dựng An ninh miền Nam lớn mạnh, đủ sức đánh thắng các thế lực thù địch có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, là một khó khăn, thách thức rất lớn đối với Bộ Công an lúc bấy giờ.
Ngay từ đầu năm 1955, Bộ Công an đã chủ động trong công tác chi viện cho An ninh miền Nam. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định thành lập Tổ cán bộ miền Nam trực thuộc Phòng tổ chức của Bộ Công an. Đến năm 1957 đổi tên thành bộ phận cán bộ miền Nam, chuyên trách việc chuẩn bị cán bộ chi viện An ninh miền Nam, đồng thời, tính toán tìm mọi cách mở đường bí mật đưa cán bộ về Nam hoạt động. Đã có nhiều cán bộ phái khiển bí mật vượt sông Bến Hải vào đến Đông Hà, Huế và các tỉnh phía Nam hoạt động. Ngày 23/1/1962, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập tổ 15 (sau gọi là B90) trực thuộc Bộ trưởng để theo dõi, nắm tình hình địch, nghiên cứu báo cáo, đề xuất chủ trương công tác và truyền đạt ý kiến chỉ đạo An ninh miền Nam.
Ngày 18/5/1966, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ký quyết định số 05/QĐ BCA thành lập Ban nghiên cứu miền Nam, giúp Bộ trưởng nghiên cứu các vấn đề về đường lối công tác An ninh miền Nam và kế hoạch chi viện mọi mặt cho sát hợp, hiệu quả. Ngày 19/12/1967, Bộ Công an ra quyết định số 1002/CA-QĐ thành lập Phòng công tác An ninh miền Nam, trực thuộc Bộ trưởng, quán xuyến toàn bộ các mặt công tác An ninh liên quan đến chiến trường, đồng thời thu thập, cập nhật tình hình chiến sự, không qua nhiều khâu trung gian nhằm tránh lộ lọt bí mật, trực tiếp báo cáo Bộ trưởng để có quyết sách kịp thời. Trong đó, then chốt là chi viện đội ngũ cán bộ trung, cao cấp, nhằm hình thành bộ máy lãnh đạo an ninh các cấp từ Trung ương Cục đến các khu, tỉnh, thành phố, huyện, thị trong toàn miền Nam. Đi liền với đội ngũ cán bộ trung, cao cấp là việc chuyển tải đường lối đấu tranh chống phản cách mạng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, đề ra các quyết sách đánh thắng các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các cơ quan tình báo, gián điệp… của Mỹ, ngụy.
Chi viện lực lượng điệp báo luồn sâu, leo cao vào hàng ngũ địch cùng với lực lượng trinh sát thu được hàng vạn tin tức, tài liệu có giá trị chiến lược, chiến thuật vô cùng quan trọng của Mỹ, ngụy, kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Bộ Công an, Trung ương Cục và Ban An ninh các cấp chủ động có đối sách đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch. Chi viện hàng trăm cán bộ thông tin, cơ yếu, hình thành mạng liên lạc bí mật, khép kín từ Bộ Công an đến Trung ương Cục và từ Trung ương Cục đến các Ban An ninh khu, tỉnh, thành phố trong toàn miền Nam. Đồng thời, chi viện hơn 3.000 cán bộ Công an vũ trang ưu tú, trở thành lực lượng chiến đấu sắc bén, tin cậy, bảo vệ vững chắc căn cứ, cán bộ lãnh đạo của ta từ Trung ương Cục đến các khu, tỉnh, thành phố trong toàn miền Nam. Hàng ngàn cán bộ Công an vũ trang ưu tú chi viện đã làm nòng cốt trong các đơn vị trinh sát vũ trang của các Ban An ninh các tỉnh, thành phố trong toàn miền Nam, làm nhiệm vụ diệt ác, trừ gian, tiêu diệt những tên cầm đầu nguy hiểm, có nhiều tội ác với nhân dân ở ngay trong lòng các thành phố lớn, nơi mà chúng coi là nơi an toàn nhất, từ đó làm thối ý chí xâm lược của Mỹ; làm hoang mang, dao động trong hàng ngũ quân ngụy. Bên cạnh đó, Bộ Công an đã chi viện số lượng lớn cán bộ làm nhiệm vụ quản lý vùng giải phóng. Đặc biệt, trong cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975, Bộ Công an gấp rút tuyển chọn, bồi dưỡng chi viện 4.500 cán bộ, trong đó, phần lớn làm nhiệm vụ trọng yếu này. Từ việc ổn định tình hình của vùng giải phóng có tác dụng to lớn là bàn đạp tốt nhất phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với các cán bộ nghiệp vụ chi viện cho miền Nam, còn có hàng trăm cán bộ y tế, cán bộ hậu cần, kỹ thuật, hàng trăm tấn vũ khí, thuốc nổ, súng đạn chi viện cho An ninh miền Nam và đội ngũ các giáo viên cốt cán chi viện cho An ninh miền Nam hình thành nhà trường ngay tại Trung ương Cục miền Nam.
Theo thống kê, tổng số cán bộ An ninh miền Nam trước 30/4/1975 có hơn 13.000 cán bộ an ninh chuyên trách, 11.252 cán bộ an ninh xã ấp, trong đó có sự đóng góp của 11.294 CBCS Công an chi viện làm nòng cốt, chiếm tỷ lệ chủ yếu trong đội ngũ cán bộ Công an chuyên trách của An ninh miền Nam. Trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, lực lượng Công an chi viện có 909 đồng chí hy sinh anh dũng; 46 đồng chí bị địch bắt tù đày tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng; hàng trăm đồng chí bị thương tật, nhiễm chất độc da cam, mắc bệnh hiểm nghèo do di chứng chiến tranh…
Trong tổng kết lịch sử công tác chi viện chiến trường miền Nam thời ky kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lãnh đạo Bộ Công an đã đánh giá: “Công tác chi viện An ninh miền Nam được Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an, nhất là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chuẩn bị rất sớm, có tầm chiến lược lâu dài và được tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhất quán, hiệu quả. Lực lượng CAND là một trong những lực lượng chi viện sớm nhất, đông nhất, chi viện tập trung, kịp thời nhiều cán bộ nghiệp vụ các chuyên ngành. Đồng thời phát triển nhanh lực lượng an ninh tại chỗ, làm chuyển biến tương quan lực lượng giữa ta và địch, tạo điều kiện giúp An ninh miền Nam đẩy mạnh được nhiệm vụ tấn công diệt ác, trừ gian, bảo vệ thực lực cách mạng, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ địa phương. Lực lượng Công an chi viện đã có mặt ở khắp các chiến trường, kể cả những nơi gian khổ ác liệt nhất, đoàn kết với các cán bộ tại chỗ, đồng cam cộng khổ, không quản gian khổ, hy sinh, lập nhiều chiến công lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Hoà bình lập lại, các cán bộ Công an chi viện tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND, giữ các chức vụ quan trọng. Từ khi thành lập năm 1997 đến nay, Ban Liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam đã hoạt động đều đặn, làm được những việc có ý nghĩa sâu sắc, phát huy truyền thống cách mạng của người cán bộ Công an chi viện, dù trong thời chiến cũng như thời bình. Dù đã nghỉ hưu, tuổi đời đã cao, các cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam vẫn nhiệt huyết cống hiến, gương mẫu tham gia công tác xã hội ở nơi cư trú, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người CBCS CAND trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng CAND, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ CAND học tập, noi theo.
Với các thành tích đặc biệt xuất sắc, xuyên suốt các thời kỳ từ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến hòa bình lập lại và hoạt động các Ban Liên lạc Công an chi viện, Lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước cần phải có một ngày truyền thống để ghi vào lịch sử CAND Việt Nam với một chiến tích lịch sử vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc. Việc xác định Ngày truyền thống của lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam là sự kiện vô cùng ý nghĩa, khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của nhân dân và ngành Công an đối với lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam; là niềm vinh dự tự hào không chỉ với mỗi người cán bộ Công an chi viện nói riêng mà còn là niềm vinh dự, tự hào của toàn lực lượng CAND nói chung.