Sign In

Nhận diện thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng cho Bắc Giang

18:10 14/08/2023
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế xã hội và nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao cho Bắc Giang.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Bắc Giang Bắc Giang chào đón Yadea xây dựng trung tâm nghiên cứu và mời các công ty phụ trợ về đầu tư

Ngày 14/8, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang để tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu… và các vấn đề nổi cộm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời kiểm điểm, đánh giá việc xử lý các kiến nghị của địa phương tại kỳ họp trước (ngày 11/5) và tiếp nhận xử lý các kiến nghị mới phát sinh. Từ đó có kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo của Bắc Giang.

Bối cảnh phát triển còn nhiều khó khăn

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động, phức tạp, khó lường nhưng kinh tế xã hội Bắc Giang tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 10,94%. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 13,97%, dịch vụ tăng 5,95%, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,77%, thuế sản phẩm tăng 4,49%.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và tăng trưởng trở lại, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 9.300 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 18 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng trên 42% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, 40% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 18% doanh nghiệp mới đăng ký, đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục gia nhập thị trường.

Nhận diện thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng cho Bắc Giang
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Tuy vậy, từ quý IV/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong đó, nổi bật nhất là vấn đề thị trường, đơn hàng, chi phí nguyên vật liệu, lao động... Nhiều doanh nghiệp trước đó ghi nhận tình trạng thiếu đơn hàng, chỉ đảm bảo khoảng 35-50% năng lực sản xuất, những đơn hàng còn tồn cũng bị đối tác hoãn, giãn giao hàng dẫn đến phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên.

Dù tỉnh Bắc Giang và các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực song tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh nói chung của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, khó khăn về thị trường đầu ra do đơn hàng chưa thể hồi phục, dẫn tới doanh thu tiếp tục giảm, cắt giảm lao động. Trong 7 tháng năm 2023, có 27 doanh nghiệp đã cầm chừng và tạm dừng sản xuất, 21 doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động sản xuất.

Chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng, nhất là chi phí về vận tải, nhân công. Một số doanh nghiệp lớn phản ánh chi phí liên quan đến nhập khẩu và xuất khẩu tăng do chi phí xăng dầu tăng, chi phí kho bãi, chi phí nhân công, chi phí khác đều tăng; chi phí nhân công cao hơn ở một số công ty làm phụ trợ cho Samsung và công ty ngành may.

Việc triển khai các dự án đầu tư, xây dựng cũng còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí nguyên, vật liệu, đặc biệt là giá thép xây dựng và xi măng, chi phí ca máy và giá nhựa đường tăng cao... ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư cũng như tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.

Nhận diện thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng cho Bắc Giang
Đoàn công tác của Chính phủ làm việc tại tỉnh Bắc Giang

Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương phân bổ theo dự toán ngân sách hằng năm, không thông báo vốn cho cả giai đoạn 2021-2025 nên khó khăn cho địa phương trong việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch 5 năm 2021- 2025 thực hiện các dự án, nhất là các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cần thực hiện từ 2 - 3 năm.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn, triển khai của Trung ương quy định nhiều nội dung HĐND tỉnh và UBND tỉnh phải ban hành nghị quyết hoặc quy định để triển khai. Do vậy, mặc dù Trung ương đã giao vốn, đã có thông tư, văn bản hướng dẫn nhưng địa phương phải mất nhiều thời gian để xây dựng, ban hành hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.

Địa phương kiến nghị “sát sườn”

Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn, có giải pháp tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế - xã hội năm nay và các năm tiếp theo, tỉnh Bắc Giang kiến nghị một số nội dung.

Trong đó, đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 152/2020/NĐ-CP cho phép lao động nước ngoài hỗ trợ sản xuất, lắp đặt, hiệu chỉnh thông số kỹ thuật máy móc, thiết bị, xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật của doanh nghiệp vào làm việc theo diện visa doanh nghiệp sẽ được làm việc liên tục 3 tháng cho đến hết thời hạn visa mới phải xuất cảnh để đảm bảo dự án sản xuất không bị gián đoạn.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Cụ thể, thông báo nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương hỗ trợ cho địa phương cả giai đoạn 2021-2025 (phần còn lại 2024-2025) để các địa phương có căn cứ, cơ sở xây dựng, thẩm định, phê duyệt kế hoạch 5 năm 2021- 2025 thực hiện các dự án, nhất là các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cần thực hiện từ 2 - 3 năm. Cho phép các địa phương điều chỉnh kế hoạch vốn sự nghiệp giữa các dự án thành phần để triển khai thực hiện; đồng thời xem xét không phân bổ vốn sự nghiệp trung ương hỗ trợ cho các địa phương chi tiết đến các nhiệm vụ chi theo dự án thành phần của chương trình trong những năm tiếp theo.

Nhận diện thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng cho Bắc Giang
Bắc Giang đưa ra những kiến nghị "sát sườn" để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế - xã hội

Trong lĩnh vực điện, tỉnh Bắc Giang đề nghị, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hướng dẫn, xây dựng quy trình thực hiện đối với các dự án có hạng mục dịch chuyển đường dây trung thế và trạm biến áp; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp thẩm quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện để bảo đảm việc bàn giao công trình điện sang ngành điện quản lý được nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật.

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu bổ sung vốn cho 9 dự án đã có trong danh mục thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, phù hợp với đối tượng được bổ sung thêm vốn và có khả năng giải ngân ngay trong năm 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư, với số vốn 243,912 tỷ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bắc Giang (vốn ngân sách Trung ương). Cụ thể, điều chỉnh giảm 133,026 tỷ đồng của 08 dự án (thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông, thuỷ lợi và chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng ATK) sử dụng vốn ngân sách trung ương đã được giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Điều chỉnh tăng 133,026 tỷ đồng cho 06 dự án (thuộc lĩnh vực giao thông 03 dự án, y tế 02 dự án và chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng ATK 01 dự án) sử dụng vốn ngân sách trung ương đã được giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, còn thiếu vốn ngân sách trung ương so với tổng mức đầu tư được phê duyệt, để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành, kết thúc dự án.

Tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thay mặt Đoàn công tác đánh giá, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Giang 7 tháng năm 2023 (nhất là từ đầu quý II trở lại đây) có nhiều điểm sáng theo hướng tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức đang đặt ra.

Nhận diện thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 8 nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng cho Bắc Giang
8 nhiệm vụ trọng tâm giúp Bắc Giang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Bộ trưởng nhận định, các tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Để khắc phục đồng thời tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch tỉnh, đề xuất quy hoạch vùng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia (trong đó có 4 quy hoạch ngành thuộc lĩnh vực Công Thương). Đồng thời, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành… để sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án trọng điểm vùng trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, công nghiệp, thương mại, logistics.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý tiên tiến để khai thác được các thế mạnh.

Tập trung nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các vấn đề về đất đai, lao động, hoàn thuế, tiếp cận vốn, phòng cháy chữa cháy, xử lý ô nhiễm môi trường và các thủ tục hành chính.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận, khai thác có hiệu quả các lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để phát triển sản xuất kinh doanh và thu được kết quả bền vững.

Thứ ba, hiện Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và một số thị trường nhập khẩu lớn của nước ta đang tiếp tục đưa ra những quy định mới, những hàng rào kĩ thuật về sản xuất carbon thấp; hay hạn chế nhập khẩu các sản phẩm khai thác từ rừng, từ biển bất hợp pháp; cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu...

Bộ trưởng đề nghị tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các địa phương trên địa bàn nhận diện đúng để ứng phó với các vụ kiện thương mại, có phản ứng chính sách phù hợp nhằm khắc phục tác động của rào cản kĩ thuật tại thị trường xuất khẩu.

Tập trung đề xuất để được áp dụng cơ chế thí điểm phát triển điện mặt trời mái nhà không nối lưới. Hỗ trợ các địa phương sản xuất, xuất khẩu chính ngạch.

Thứ tư, sắp tới, làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam nói chung và đặc biệt là các địa phương như Bắc Giang nói riêng. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Bắc Giang quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đồng bộ, hình thành hệ sinh thái công nghiệp bao gồm cả giao thông, điện, nước, nhà ở công nhân, dịch vụ xã hội...; công tác đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ người lao động, các chuyên gia kinh tế.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường đào tạo nghề, tỉnh cần có chỉ đạo, hướng dẫn cho doanh nghiệp "đặt hàng" các cơ sở đào tạo theo đúng nhu cầu, vậy mới có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Bắc Giang cũng cần quan tâm đầu tư phát triển logistics phục vụ sự phát triển của thương mại điện tử và nhu cầu của doanh nghiệp FDI trên cơ sở khai thác lợi thế về các trục kết nối giao thông của địa phương.

Thứ năm, nguồn lực tại địa phương để đầu tư hạ tầng trọng điểm về kinh tế - xã hội chủ yếu là khai thác từ đất đai (bao gồm cả đất nhà ở, đất công nghiệp, đất dịch vụ); nguồn từ vượt thu ngân sách nhà nước.

Do đó, tỉnh cần tập trung gỡ khó cho các dự án giao thông trên địa bàn, các dự án bất động sản hiện hữu và triển khai dự án mới. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại những khu vực phát triển mới.

Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 4. Tiếp tục xốc lại kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành ở tất cả các cấp.

Thứ sáu, chú trọng quan tâm phát triển thị trường trong nước trên cả 2 kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử, đồng thời chú trọng xuất khẩu vào các thị trường, bao gồm các thị trường truyền thống và thị trường mới, có tiềm năng trên cơ sở Đề án xuất khẩu chính ngạch.

Thứ bảy, thúc đẩy và có cơ chế ràng buộc để các doanh nghiệp FDI tăng cường sức lan toả đối với khu vực doanh nghiệp trong nước; ở chiều ngược lại, cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Thứ tám, duy trì chế độ thông tin hai chiều giữa tỉnh và Đoàn công tác của Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông cả trong và ngoài tỉnh để tạo sự thống nhất và đồng thuận sâu rộng; lan toả kinh nghiệm của Bắc Giang đến các địa phương trên cả nước trong thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàng Hưng - Việt Nga - Cấn Dũng

Tag:

File đính kèm