Cuộc họp với sự tham gia của các thành viên Ban soạn thảo đại diện cho các cơ quan, đơn vị: Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; một số hiệp hội, doanh nghiệp; một số Sở Công Thương, doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
|
Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Cấn Dũng) |
Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua quá trình tổng kết gần 20 năm thi hành Luật Điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện đang thiếu cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết thi hành và đề xuất xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) để thể chế hóa đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 55-NQ/TW tại Luật Điện lực, tổ chức triển khai và thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 06 tháng 10 năm 2023, Bộ Công Thương đã có Tờ trình số 6971/TTr-BCT trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng luật tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ về Phiên họp chuyên về đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023. Bộ Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) và gửi Bộ Tư pháp kèm theo hồ sơ đề nghị Luật Điện lực (sửa đổi) để đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 điều chỉnh của Quốc hội theo Công văn số 8731/BCT-ĐTĐL ngày 06 tháng 12 năm 2023. Ngày 05 tháng 3 năm 2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 82/TTr-CP đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và đang trong thời gian chờ Quốc hội xem xét, thông qua.
Cũng tại Nghị quyết số 203/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi), tập trung tối đa nguồn lực, khẩn trương tổ chức soạn thảo dự án Luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã chủ động thành lập Tổ nghiên cứu xây dựng Luật và đã có Công văn số 616/BCT-PC ngày 26 tháng 01 năm 2024 trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
|
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp (Ảnh: Cấn Dũng) |
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà theo Công văn số 1111/VPCP-PL ngày 21 tháng 02 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ, ngày 22 tháng 02 năm 2024, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1082/BCT-ĐTĐL về việc cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tới các cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo đó, ngày 04 tháng 3 năm 2024, Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thành lập theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Thực hiện nhiệm vụ này, ngày 4/3/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 462/QĐ-BCT về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, thành viên Ban soạn thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 47 thành viên đến từ một số Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương; các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia đến từ một số hiệp hội, Sở Công Thương và doanh nghiệp.
Trước đó, để triển khai hoạt động của Ban soạn thảo Dự án luật đáp ứng tiến độ do Chính phủ giao, ngày 11 tháng 3 năm 2024 Bộ Công Thương cũng đã tổ chức họp Tổ biên tập dự án Luật Điện lực (sửa đổi) lần thứ nhất để chuẩn bị nội dung cho cuộc họp Ban soạn thảo diễn ra ngày 15/3.
Tại cuộc họp, đại diện Tổ Biên tập xây dựng Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã báo cáo với Ban soạn thảo về việc triển khai hoạt động của Tổ biên tập đồng thời thảo luận một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Ban soạn thảo; giới thiệu các chính sách được đề xuất để xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua cũng như giới thiệu Đề cương Luật và Dự thảo lần 1.
Đồng thời, thành viên Ban soạn thảo đã thảo luận một số nội dung liên quan về Dự án luật như: Góp ý đề cương Luật, thống nhất kết cấu đề cương; Góp ý Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi.