Tham dự Khóa họp về phía Việt Nam có Bà Phạm Thái Như Mai, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CH Kazakhstan, đại diện của Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành: Công Thương, Ngoại giao, Y tế, Tài chính… cùng các doanh nghiệp của Việt Nam đang có hợp tác với phía Kazakhstan. Về phía Kazakhstan có các quan chức thuộc các Bộ: Thương mại và Hội nhập, Ngoại giao… cùng một số doanh nghiệp của Kazakhstan.
Tại Phiên họp, hai Bên đã rà soát công tác triển khai các thỏa thuận đạt được tại Biên bản Khóa họp lần thứ 10 UBLCP Việt Nam – Kazakhstan và Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan giai đoạn 2023 – 2025 được ký nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Kemelevich Tokayev vào tháng 8 năm 2023.
Thương mại song phương tăng trưởng vượt bậc, dư địa vô cùng lớn
Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (VNEAEU FTA) có hiệu lực từ tháng 10 năm 2016, thương mại song phương đã có bước phát triển tích cực với tăng trưởng kim ngạch thương mại trung bình lên tới 28%/năm trong giai đoạn 2017-2021.
Bộ trưởng Arman Shakkaliyev cho biết, theo thống kê của Kazakhstan, kể từ khi ký kết Hiệp định VNEAEU FTA đi vào hiệu lực, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng gần 5 lần (từ mức 205,9 triệu USD năm 2015). Năm 2023, kim ngạch song phương đạt 979,2 triệu USD tăng 85,4% so với năm 2022, trong đó xuất khẩu của Kazakhstan sang Việt Nam tăng 43,7% và đạt 180,2 triệu USD, và xuất khẩu của Việt Nam sang Kazakhstan tăng 98,3% và 799 triệu USD. Kazakhstan là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh kinh tế Á - Âu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Kazakhstan tại ASEAN.
Tuy nhiên, hai Bộ trưởng đều cho rằng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Kazakhstan hiện nay còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai nước và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và những diễn biến phức tạp của các xung đột địa chính trị. Mặc dù vậy, giữa hai nước lại có những điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt là khuôn khổ pháp lý thông thoáng hơn do Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu mang lại. Kazakhstan là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập khu vực Trung Á và Châu Âu; ở chiều ngược lại, hàng hóa của Kazakhstan, thông qua Việt Nam, có thể thâm nhập ASEAN và xa hơn nữa đến khu vực thị trường rộng lớn mà Việt Nam có quan hệ FTA.
UBLCP cơ chế hiệu quả thúc đẩy hợp tác song phương
Theo Bộ trưởng Arman Shakkaliyev, UBLCP giữa hai nước là cơ chế hết sức quan trọng vào sự phát triển hợp tác song phương. Hai Bên đã cùng nhau xây dựng được mối quan hệ tin cậy để đảm bảo hiệu quả các hoạt động của UBLCP, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đồng thời thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư song phương.
Phía Kazakhstan đặc biệt quan tâm tới hợp tác nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics. Bộ trưởng Arman Shakkaliyev cho rằng nông nghiệp là ngành chiến lược của cả hai nền kinh tế Kazakhstan và Việt Nam. Kazakhstan nhận thấy tiềm năng đáng kể để tăng cường hợp tác, đặc biệt khi xét tới tính bổ trợ cho nhau giữa hai nền nông nghiệp. Do đó, hai Bên cần tiếp tục mở cửa thị trường cho nhau đối với các sản phẩm theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Hai Bên cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhất là trong lĩnh vực hàng không, tăng khối lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách, phát triển cơ sở hạ tầng logistics. Cùng xây dựng các giải pháp đảm bảo vận chuyển hàng hóa đường sắt và đường biển giữa Kazakhstan và Việt Nam được thông suốt.
Hợp tác đầu tư - động lực phát triển quan hệ kinh tế - thương mại
Về hợp tác đầu tư, hiện Kazkhstan có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tiến hành nghiên cứu, xem xét khả năng đầu tư tại Kazakhstan trong lĩnh vực vận tải, thiết bị điện gia dụng, du lịch... Do đó, hai Bên cho rằng cần đưa hợp tác đầu tư trở thành động lực để phát triển quan hệ kinh tế - thương mại song phương.
Bộ trưởng Arman Shakkaliyev nhấn mạnh Kazakhstan là quốc gia dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài tại Trung Á, chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư trong khu vực. Kazakhstan hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án hợp tác đầu tư, trong đó có Mareven Food, Sovico, Vietjet, Tập đoàn dầu khí Viêt Nam.
Trên cơ sở đó, hai Bên đã nhất trí phối hợp triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thương mại – đầu tư song phương và đề xuất phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư vào thị trường của nhau.
Vượt ra khỏi lĩnh vững hợp tác truyền thống để nắm bắt cơ hội
Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, hai Bên đã trao đổi tích cực những định hướng mới trong các lĩnh vực hợp tác cùng quan tâm như: công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, giao thông, khoa học, giáo dục, công nghệ thông tin, truyền thông, y tế, văn hóa, thể thao… Hai bên nhất trí sự cần thiết mở rộng hợp tác trong lĩnh vực logistics, cùng xây dựng các biện pháp để khai thác và đảm bảo các tuyến vận tải đường sắt, đường biển, hàng không giữa Việt Nam và Kazakhstan được thông suốt. Đặc biệt, nhiều nội dung hợp tác mới phù hợp với xu thế quốc tế đã được hai bên đưa ra trao đổi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu như kinh tế số, chuyển đổi số... Theo đó, việc mở rộng không gian hợp tác giữa hai nước vừa thúc đẩy quy mô kinh tế của mỗi nước, đồng thời góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai bên.
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất:
Một là, ngay sau Khoá họp UBLCP, hai Bên sẽ đẩy mạnh tăng cường chia sẻ thông tin và tham vấn chính sách ở tất cả các cấp độ, từ cấp kỹ thuật, cấp lãnh đạo Bộ, tới cấp lãnh đạo Chính phủ. Hai bên cùng tìm kiếm các giải pháp để góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước và nâng được quy mô kim ngạch song phương, tương xứng với quan hệ chính trị ngoại giao đang hết sức tốt đẹp giữa hai nước. Tôi đề nghị nên có những văn bản ghi nhớ giữa các Bộ đối tác với nhau, với những lĩnh vực được xác định là trọng điểm ưu tiên để hợp tác - đầu tư - phát triển, để làm căn cứ cho việc tổ chức, triển khai thực hiện.
Hai là, thúc đẩy để các Bộ ngành, địa phương hai nước triển khai thực hiện hiệu quả các thoả thuận cấp cao giữa hai nước trong chuyến thăm của Tổng thống Kazakhstan tới Việt Nam tháng 8/2023 vừa qua, trong đó có Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan giai đoạn 2023 – 2025, đồng thời triển khai hiệu quả Biên bản khoá họp UBLCP lần thứ 11 giữa hai nước.
Ba là, hai Bên hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước được giao lưu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu cơ hội thương mại và đầu tư tận dụng những thuận lợi, ưu đãi mà Hiệp định mang lại.
Bốn là, ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai Bên cùng nghiên cứu, đề xuất hợp tác trong các lĩnh vực mà một bên có lợi thế và bên kia có nhu cầu; xem xét khả năng hợp tác để cùng phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, nhất là vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, khai thác, chế biến, chế tạo, hóa chất, năng lượng, hoá dầu;... Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực logistics, cùng nhau xây dựng các biện pháp để khai thác và đảm bảo các tuyến vận tải đường sắt, đường biển, hàng không giữa Việt Nam và Kazakhstan được thông suốt; hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như công nghệ xanh, sử dụng năng lượng mới, các lĩnh vực kinh tế số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử v.v…; cũng như đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, chăm sóc sức khoẻ, văn hóa, du lịch…
Năm là, hình thành các thiết chế mới như Hội đồng Kinh doanh Kazakhstan tại Việt Nam cũng như Đại diện thương mại Việt Nam tại Kazakhstan để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa các khuôn khổ hợp tác hiện có.
Ngay sau Khoá họp lần thứ 11 UBLCP, phía Việt Nam sẽ tổ chức cuộc làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp có tiềm năng lợi thế trong các lĩnh vực mà Kazakhstan mong muốn thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh, để sớm tổ chức đoàn doanh nghiệp Việt Nam tới khảo sát thực tế tình hình và môi trường đầu tư của Kazakhstan, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa các khuôn khổ hợp tác hiện có.
Hai Bên nhất trí tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, tăng cường trao đổi đoàn các cấp để củng cố và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.
Khóa họp lần thứ 11 của UBLCP Việt Nam – Kazakhstan đã diễn ra trong không khí cởi mở, xây dựng và hữu nghị. Kết thúc Phiên toàn thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập CH Kazakhstan Arman Shakkaliyev đã ký Biên bản Khóa họp lần thứ 11 của UBLCP.
Cũng trong khuôn khổ Ủy ban liên Chính phủ, vào chiều 16/5/2024, Tọa đàm hợp tác thương mại – đầu tư Việt Nam – Kazakhstan đã được tổ chức với sự tham gia của đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam cùng các doanh nghiệp hàng đầu Kazakhstan. Tại sự kiện, các cơ quan và doanh nghiệp hai nước đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi về các cơ hội hợp tác kinh doanh – đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước, tận dụng kết quả các cam kết ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU./.
Cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật giữa Việt Nam và Kazakhstan được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và Bulgaria. Cho đến nay đã trải qua 10 khóa họp. Đây là cơ chế quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, là kênh thảo luận thiết thực nhằm nêu ra và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mục tiêu và lĩnh vực hợp tác mới tại nhiều vấn đề mà hai Bên cùng quan tâm. Khóa họp gần nhất là Khóa họp lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 9/2022 tại Việt Nam. Khóa họp ngoài các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Công thương còn có sự tham gia và đóng góp nội dung của các Bộ: Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Thông tin Truyền thông, Y Tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo. Khóa họp lần thứ 11, tổ chức trong bối cảnh hai Bên đang triển khai Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan giai đoạn 2023 – 2025, được kỳ vọng sẽ mở ra những không gian hợp tác mới cho hai nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại hai bên. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan trong năm 2023 đạt 401,8 triệu USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Kazakhstan đạt 391,0 triệu USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ Kazakhstan đạt 10,8 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Kazakhstan bao gồm điện thoại các loại và linh kiện (thị phần khoảng 65% trong năm 2023); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đi kèm, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng rau quả, hạt điều, giày dép, sản phẩm dệt may. Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm: sắt thép các loại; kim loại thường khác; lúa mì; bông các loại… |
“Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Kazakhstan giai đoạn 2023 – 2025” bao gồm 16 hoạt động hợp tác do các Bộ ngành, địa phương của hai Bên thống nhất về đầu nhiệm vụ, thời gian thực hiện và cơ quan đầu mối phụ trách. Trong đó, Bộ Công Thương là cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với việc rà soát quá trình thực thi Kế hoạch hành động chung, cũng như là cơ quan đầu mối triển các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: chủ trì tổ chức Khóa họp 11 UBLCP giữa hai nước; xây dựng cơ chế trao đổi thông tin ngoại thương; hỗ trợ tổ chức các phái đoàn kinh tế - thương mại giữa hai Bên; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại giữa Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các đối tác của Kazakhstan; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thực hiện dự án mở rộng quy mô sản xuất thực phẩm tại Kazakhstan. Trong bối cảnh quan hệ kinh tế - thương giữa Việt Nam và Kazakhstan còn khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh của hai nước, việc triển khai Kế hoạch hành động chung sẽ giúp hai Bên cụ thể hóa về lộ trình và các đầu mối chịu trách nhiệm đối với các nội dung ưu tiên hợp tác, đồng thời UBLCP cũng sẽ là cơ chế rà soát, đánh giá việc triển khai các nội dung này. Kế hoạch hành động chung sẽ có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hai nước mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư vào thị trường của nhau. Ngoài ra, Kế hoạch hành động chung cũng sẽ là tiền đề để hai Bên tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhiều hoạt động hợp tác mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực tiềm năng như đầu tư, giao thông vận tải, du lịch, hợp tác địa phương... |