Sign In

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tận dụng lợi thế thương mại để phát triển nhanh công nghiệp nền tảng

20:16 04/06/2024
Chiều 4/6, tại Kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời chất vấn đại biểu về phát triển công nghiệp.

Nhiều vấn đề về phát triển công nghiệp toàn diện

Chiều 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương, trong đó nhiều vấn đề liên quan đến phát triển công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu, công nghiệp hỗ trợ có ảnh hưởng lớn đến phát triển toàn ngành công nghiệp, tăng trưởng chất lượng cao trong giai đoạn mới. Đồng thời tạo hệ sinh thái chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa có nền công nghiệp phát triển toàn diện, bao trùm giống như các nền kinh tế phát triển khác. “Bộ trưởng có kế hoạch, chính sách nào để phát triển công nghiệp toàn diện”, đại biểu Nguyễn Quang Huân đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tận dụng lợi thế thương mại để phát triển nhanh công nghiệp nền tảng
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cũng đặt vấn đề về định hướng phát triển công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp.

ADVERTISEMENT

Đại biểu Hà Hồng Hạnh cho biết, hiện nay công nghiệp hỗ trợ trong phục vụ chế biến nông, lâm thủy sản của nước ta chưa đáp ứng yêu cầu để nâng cao giá trị và ổn định thị trường tiêu thụ. Các sản phẩm của ngành cơ khí phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn chưa chiếm lĩnh được thị trường trong khi máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp vẫn nhập khẩu. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, định hướng của ngành về vấn đề này trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tận dụng lợi thế thương mại để phát triển nhanh công nghiệp nền tảng
Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Băn khoăn về chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết rõ, vì sao trong thời gian qua việc triển khai các chính sách ưu đãi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế?

Việc để xảy ra hạn chế này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước hay của doanh nghiệp, đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục hạn chế trong triển khai chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong thời gian sắp tới”, đại biểu Dương Tấn Quân nêu.

Tập trung hoàn thiện thể chế về công nghiệp

Trả lời chất vấn chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngành Công Thương đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách khuyến khích, phát triển công nghiệp. Thời gian tới ngành Công Thương tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế. Điển hình, ngành đang tích cực hoàn thiện Luật Công nghiệp trọng điểm, chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả. “Từ ngành công nghiệp trọng điểm sẽ chi phối các ngành công nghiệp khác”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Bên cạnh đó, tận dụng tối đa thời kỳ dân số vàng, khai thác triệt để công nghệ cách mạng công nghiệp 4.0, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng. Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là trung tâm phát triển công nghiệp thông minh, đột phá.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tận dụng lợi thế thương mại để phát triển nhanh công nghiệp nền tảng
Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 7 nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương

Gắn kết triển khai chính sách phát triển công nghiệp của Trung ương và địa phương, đặc biệt phát huy vai trò của các địa phương, nhất là những tỉnh, thành phố động lực trong kinh tế-xã hội của đất nước.

Bảo vệ thị trường trong nước, khai thác tối đa thị trường xuất khẩu, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp lớn có tiềm năng và doanh nghiệp nhỏ đang chiếm tỷ lệ lớn để cùng khai thác các FTA đã ký kết, có hiệu lực.

Riêng về công nghiệp phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu như đại biểu Hà Hồng Hạnh nêu, Bộ trưởng thông tin, trong nước hiện đã sản xuất hàng loạt các máy phụ vụ thu hoạch, gieo trồng. Cụ thể, trên 90% máy xay xát đánh bóng gạo đã sản xuất được, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm đã bước đầu phát triển, các dây chuyền sản xuất chế biến nông sản như cà phê, hạt điều do trong nước sản xuất chế tạo đã được sử dụng, xuất khẩu đi nhiều nơi, góp phần tăng giá trị nông sản từ 8-10% mỗi năm.

Dù vậy, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn hạn chế, như: Mức độ trang bị động lực phục vụ nông nghiệp còn thấp. Phần lớn nông thuỷ sản xuất khẩu ở dạng thô. Nguyên nhân, ngoài lúa và tích tụ đất đai trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, diện tích canh tác nhỏ lẻ khó áp dụng cơ giới hoá. “Đây là thách thức lớn trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đồng thời thực hiện mục tiêu sản xuất hàng hoá để xuất khẩu”, Bộ trưởng cho hay.

Mặt khác, canh tác nông nghiệp chưa đủ để hình thành nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, đồng bộ từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Vùng trồng nhiều nhưng quy mô rất nhỏ, chất lượng không ổn định, doanh nghiệp hoạt động chưa chuyên nghiệp vi phạm các quy định của các nước trên thế giới trong lĩnh vực này. Đây là hạn chế lớn cần khắc phục.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu với Chính phủ có chính sách tích tụ đất trong nông nghiệp theo pháp luật đất đai để tạo ra vùng trồng, vùng nuôi quy mô lớn, đủ khối lượng sản phẩm để xuất khẩu. Áp dụng công nghệ mới trong sản xuất để đảm bảo các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả chính sách khuyến công, công nghiệp nông thôn để phát triển các cụm công nghiệp, khu công nghiệp chuyên biệt nhằm phục vụ cho quá trình chuyển dịch của khu vực nông nghiệp.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí chế tạo sản phẩm linh kiện máy móc phục vụ nông nghiệp. Ở giai đoạn đầu, có thể nhập khẩu máy móc để nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trước những băn khoăn về hạn chế trong triển khai chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và giải pháp khắc phục của đại biểu Dương Tấn Quân, Bộ trưởng cũng chỉ ra, có nhiều chính sách trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhưng có sự chồng chéo giữa các chính sách, thậm chí là mâu thuẫn. Do đó, để những chính sách này phát huy hiệu quả trong thời gian tới việc rà soát các quy định hiện hành là cần thiết. Chính sách thuộc ngành nào, ngành đó có trách nhiệm tham mưu cho các cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, cần có giải pháp về cơ chế phối hợp giữa các ngành và địa phương; năng lực tiếp thu của các đối tượng thụ hưởng và thực thi chính sách.

Nếu trong tương lai chúng ta thực hiện được các vấn đề đã nêu, không chỉ công nghiệp hỗ trợ mà các lĩnh vực khác sẽ phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng nhận định.

Hải Linh - Thu Hường

Tag:

File đính kèm