Sign In

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

20:34 21/12/2024
Đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã giải đáp nhiều nội dung Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam quan tâm về việc phát triển điện hạt nhân.

Ngày 20/12, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản nhằm trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác phát triển điện hạt nhân giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:
Ngày 20/12, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản

Cùng tham gia buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Công nghiệp, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Báo Công Thương, Trường Đại học Điện lực, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

Về phía Nhật Bản có đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công Nghiệp Nhật Bản cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện hạt nhân bao gồm: Công ty Năng lượng Hitachi, Công ty Jined, Công ty MHI… đây đều là những doanh nghiệp sản xuất, đầu tư chuyên sâu, hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản và trên thế giới. Ngoài ra, buổi làm việc còn có sự tham gia của hai trường đại học Nhật Bản: Trường Đại học Công nghệ Nagaoka và Trường Đại học Fukui.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:
Tại buổi làm việc với doanh nghiệp, trường học Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía bạn giải đáp 4 câu hỏi về các vấn đề liên quan đến phát triển điện hạt nhân.

Sau khi trao đổi với các công ty và hai trường đại học của Nhật Bản về khả năng hợp tác kết nối Việt Nam - Nhật Bản trong xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân và các nội dung liên quan.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía bạn giải đáp 4 nội dung, cụ thể:

Thứ 1, hiện nay tỷ trọng điện hạt nhân trên tổng công suất toàn hệ thống của Nhật Bản chiếm bao nhiêu phần trăm? Trong 10 năm tới Nhật Bản sẽ nâng lên là bao nhiêu và đặc biệt công nghệ đang lựa chọn thì công nghệ nào là phổ biến, lò phản ứng áp lực hay lò phản ứng nước sôi?

Thứ 2, hiện nay Chính phủ Nhật Bản đang có chính sách gì để khuyến khích phát triển điện hạt nhân?

Thứ 3, việc đào tạo nguồn nhân lực cho các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản đào tạo theo hướng hàn lâm, đào tạo thực hành cho các nhà máy theo các công nghệ cụ thể, hay đào tạo theo mô-đun của từng nhà máy?

Thứ 4, Việt Nam là nước bắt đầu triển khai chương trình điện hạt nhân, theo Nhật Bản thì Việt Nam nên lựa chọn công nghệ nào, lò phản ứng áp lực hay lò phản ứng nước sôi, đặc biệt là nên trọn thế hệ công nghệ đời đầu, đời trung hay đời mới nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:
Đại diện phía Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra những câu hỏi rất thú vị và trình bày ý kiến giải đáp chi tiết.

Đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cảm ơn Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã đưa ra những câu hỏi rất thú vị và cho biết, trong tuần này phía bạn có 2 thông tin rất vui mừng. Đầu tiên là việc Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito và Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra tuyên bố chung về những nội dung liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân. Thông tin vui mừng thứ hai là về phía Nhật Bản thường 3 năm một lần sẽ đưa ra những nội dung, đề án, nội dung liên quan đến việc phát triển năng lượng quốc gia. Trong tuần này, phía bạn cũng đưa ra bản phác thảo đầu tiên liên quan đến kế hoạch phát triển năng lượng quốc gia, và đưa ra một phương châm là sẽ tiếp tục sử dụng điện hạt nhân một cách tích cực, cho đến năm 2040 Nhật Bản dự kiến sẽ sử dụng 20%.

Vị đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã giải đáp 4 nội dung câu hỏi của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam. Về nội dung đầu tiên, liên quan đến việc Nhật Bản sẽ lựa chọn công nghệ nào, lò phản ứng nước sôi hay lò phản ứng áp lực, thì đối với Nhật Bản sẽ không lựa chọn là nghiêng về một kỹ thuật nào, mà phát triển song song cả 2 kỹ thuật này.

Giải thích lý do Nhật Bản không chú trọng 1 trong 2 công nghệ mà phát triển song song 2 công nghệ, vị đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, dựa vào bối cảnh lịch sử thì tính đến nay, Nhật Bản có những công ty lớn về phát triển điện hạt nhân, và mỗi một công ty đã trải qua rất nhiều năm đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm về mỗi công nghệ. Do đó, Nhật Bản quyết định để những công ty lớn phát huy tất cả những kinh nghiệm của họ từ trước đến nay.

Thay vì chúng tôi sẽ lựa chọn công nghệ nào, thì chúng tôi luôn luôn khắc ghi trong trí nhớ của mình về thảm họa của Fukushima vào năm 2011. Tức là dù có lựa chọn công nghệ nào đi chăng nữa, thì cũng luôn luôn phải ghi nhớ trong đầu là phải đảm bảo an toàn và đặt tính an toàn lên trên tuyệt đối”, đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khẳng định.

Trong suốt 13 năm nay kể từ đó đến nay, những tập đoàn lớn về điện hạt nhân của Nhật Bản đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm, cũng như là nghiên cứu tập trung mạnh hơn vào kỹ thuật, làm thế nào để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành nhà máy. Hai tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi và Hitachi đều sở hữu những công nghệ khác nhau. Nhưng hiện tại, Nhật Bản tập trung lớn nhất, hết sức mình vào việc phát triển công nghệ làm thế nào để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất khi vận hành nhà máy điện hạt nhân. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng thấy rằng là điều này là điều quan trọng nhất.

Về phía Chính phủ, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản luôn luôn cố gắng và sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn trên tất cả các mặt để có thể phát triển ngành kỹ thuật điện hạt nhân một cách tốt nhất. Và từ năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra những chính sách để hỗ trợ các tập đoàn phát triển công nghệ, không chỉ dừng lại ở những công nghệ hiện tại, mà sẽ đi vào những công nghệ mới nhất, công nghệ tiên tiến nhất mà có thể gọi là công nghệ thế hệ sau.

Hiện tại, Nhật Bản đang khởi động lại rất là nhiều nhà máy phát điện hạt nhân. Tính đến 2024, Nhật Bản đã khởi động lại khoảng 13 nhà máy phát điện hạt nhân, và sang năm tiếp theo sẽ là 14 nhà máy điện hạt nhân.

"Sau khi thảm họa động đất sóng thần ở Fukushima xảy ra, người dân Nhật Bản vẫn còn lo ngại rất nhiều liên quan đến việc xây dựng mới các nhà máy phát điện hạt nhân. Cho nên đến hiện tại, chúng tôi chỉ khởi động lại và tiếp tục vận hành lại các nhà máy sẵn có trước đây, còn việc xây dựng nhà máy mới thì chúng tôi chưa thực hiện được", đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết.

Vị này cũng cho biết thêm, chủ trương của Nhật Bản sẽ hướng tới thực hiện một nền năng lượng trung hòa carbon. Nên Nhật Bản sẽ sớm tái khởi động các nội dung, chương trình liên quan đến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Hiện tại, trong quá trình xây dựng những chính sách, chế độ, thì phía Nhật Bản tập trung nhất là làm thế nào để có thể phát triển được hơn nữa ngành kỹ thuật hạt nhân ở trong nước. Không chỉ dựa vào việc hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong ngành kỹ thuật hạt nhân, mà Nhật Bản rất mong muốn có thể làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành này. Mục đích sẽ trao đổi sâu hơn nữa về mặt kỹ thuật, cũng như là về việc thực hiện xây dựng hạt nhân với nguồn vốn đến từ đâu, đào tạo nguồn nhân lực ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên:
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương lắng nghe ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của phía bạn về phát triển điện hạt nhân

Lắng nghe ý kiến chia sẻ từ đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị phía bạn chia sẻ sâu về những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho những công nghệ mới là gì? Ví dụ như là hỗ trợ về tiền hay là liên quan đề tài nghiên cứu, đào tạo nhân lực?

Trả lời nội dung Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên quan tâm, phía bạn cho biết, từ năm 2023, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một chính sách đó là sẽ hỗ trợ bằng tiền mặt với nguồn vốn là 1.000 tỷ Yên, để hỗ trợ việc xây dựng nhà máy phát điện hạt nhân trong vòng 10 năm tới. Còn về mặt đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến ngành kỹ thuật điện hạt nhân này thì phía Bộ Khoa học Giáo dục và Đào tạo Nhật Bản có đưa ra phương châm sẽ liên kết mật thiết với tất cả các trường đại học. Phía Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng đưa ra các thiết kế liên quan đến phát triển năng lượng và tập trung vào phát triển kỹ thuật điện hạt nhân kỹ hơn nữa.

"Trong tương lai gần tôi sẽ đến Việt Nam và mong muốn sẽ được gặp Ngài Bộ trưởng để trao đổi kỹ hơn và sâu sắc hơn về nội dung này", vị đại diện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề xuất.

Về câu hỏi thứ ba liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hàn lâm, hay đào tạo theo hướng có kỹ năng thực tế ngay lập tức khi vào nhà máy phát điện có thể làm được luôn, phía bạn cho biết, hiện Nhật Bản thường đào tạo kiến thức cơ sở ở bậc Cử nhân ở trường đại học. Và sau đó là khi các sinh viên tốt nghiệp ra trường vào làm ở các công ty và nhà máy phát điện hạt nhân, họ sẽ được đào tạo kỹ năng thực chiến.

Về câu thứ 4 của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, phía bạn cho hay, với Nhật Bản, kể từ sau thảm họa động đất sóng thần thì nước bạn luôn đặt an toàn lên hàng đầu và khi Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thì phía bạn rất khuyến khích và mong muốn Việt Nam sẽ áp dụng kỹ thuật tiên tiến nhất, mới nhất để có thể đảm bảo mức độ an toàn lên cao nhất.

Giải đáp thêm về những nội dung Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên quan tâm, đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề mà công ty này cũng như rất nhiều công ty của Nhật Bản và chính quyền đều quan tâm hàng đầu. Đó chính là việc đào tạo nhân lực làm thế nào để có thể đầy đủ kiến thức, kỹ năng cũng như là kinh nghiệm khi làm việc tại các nhà máy phát điện hạt nhân. Để có một nhân lực có đủ kinh nghiệm, đủ kiến thức làm việc tại các nhà máy đó thì mức độ, trình độ của nhân viên ấy không phải là chỉ dừng lại ở Cử nhân, mà những người đã tốt nghiệp đại học xong sau đó phải học lên bậc Thạc sĩ.

"Theo tôi biết hiện nay bên phía Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn chuẩn bị, chúng tôi cũng muốn và hy vọng nhận được những thông tin ở phía Việt Nam xem hiện nay nước bạn đang cần, đang tiến những bước như thế nào và cần hỗ trợ ra sao. Do vậy, sau khi Việt Nam có những quyết định ban đầu, chúng tôi rất mong muốn Việt Nam có thể chia sẻ để có thể hỗ trợ hơn nữa", đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất.

Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi...

Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...

Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản...

 

Nguyên Minh từ Tokyo, Nhật Bản

Tag:

File đính kèm