Công tác phối hợp ngang - dọc đem lại hiệu quả rõ nét
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Quản lý thị trường diễn ra chiều 3/1/2023, lãnh đạo Tổng cục cho biết, năm 2023, công tác Quản lý thị trường tiếp tục ghi nhiều dấu ấn, khi toàn lực lượng đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ; xử lý 52.351 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm. Kết quả này đã đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Công Thương trong thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh cung cầu những hàng hóa, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, kết quả này không chỉ có sự phối hợp theo ngành dọc mà còn có sự đóng góp quan trọng của phối hợp “ngang” - giữa các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng và các cơ quan thanh tra chuyên ngành trong công tác xây dựng cơ chế chính sách và kiểm tra, xử lý vi phạm.
|
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Quản lý thị trường diễn ra chiều 3/1/2023 |
Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đánh giá cao lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị thành viên thuộc Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương làm việc rất trách nhiệm, cố gắng và có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đặc biệt, trong năm qua, theo ông Dũng, sự phối hợp, hợp tác giữa Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương rất chặt chẽ, hiệu quả.
“Dấu ấn của công tác Quản lý thị trường trong năm 2023 đó là việc phối hợp, trình Chính phủ ban hành Đề án 319 về chống hàng giả trên thương mại điện tử đến năm 2025. Sự ra đời của Đề án là vô cùng cần thiết, cấp bách trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, bên cạnh những mặt tích cực, thương mại điện tử cũng đã, đang đặt ra những thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả” - ông Dũng đánh giá và cho rằng, trong năm 2023 lực lượng đã xử lý trên 52.000 vụ việc vi phạm, con số này một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh , phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ấn tượng với kết quả công tác của lực lượng Quản lý thị trường trong năm vừa qua, tuy nhiên ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho rằng, công tác phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường và Hải quan trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên thương mại điện tử chỉ khoảng 5%, còn khá khiêm tốn so với thực trạng hiện nay. Do vậy, thời gian tới, ông Tuấn kiến nghị hai lực lượng sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp hơn nữa trong điều tra, truy vết, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
|
Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh - Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng tham luận tại Hội nghị |
Trong khi đó, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh - Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng cho biết, những năm gần đây hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng giả qua biên giới đã giảm. Các đối tượng vi phạm lợi dụng những kẽ hở trong chính sách thông quan hàng hóa để cất giấu, ngụy trang đưa hàng vi phạm vào sâu trong nội địa. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm, pháo nổ... Mới đây, có vụ việc buôn lậu vàng qua cửa khẩu tại Quảng Trị.
Trên biển, các hành vi vi phạm chủ yếu là gian lận xăng dầu qua nghề cá. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng buôn bán hàng hóa, giấy tờ vận chuyển để buôn lậu xăng dầu...
“Thương mại điện tử bùng nổ, phát sinh thêm nhiều hành vi, thủ đoạn vi phạm mới, do vậy, cần phải có sự phối hợp tốt hơn, chắc chắn hơn giữa các lực lượng chức năng thì hiệu quả của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ cao hơn rất nhiều” - Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh đề xuất và cho rằng, không chỉ tăng cường phối hợp ở cấp Trung ương mà sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng ở cấp địa phương cũng cần được chú trọng.
|
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh phát biểu đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao công tác phòng, chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ảnh: Cấn Dũng |
Đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả trên môi trường mạng, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - đề xuất: Lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong việc rà soát, phát hiện xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cùng đó, đề nghị hai bên đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử cho công chức Quản lý thị trường.
Cục trưởng Lê Hoàng Oanh đặc biệt kiến nghị Tổng cục tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý nghiên cứu và xây dựng giải pháp tổng thể để bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử. Trong đó chú trọng công tác phối hợp xây dựng hệ cơ sở dữ liệu tập trung, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử.
6 nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2024
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, biểu dương những kết quả quan trọng mà lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được trong năm 2023.
Theo Bộ trưởng, năm 2023 Tổng cục đã chú trọng triển khai nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện khá nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công Thương, nhất là các chủ trương, chính sách, chỉ đạo có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Ngành.
Cùng đó, Tổng cục đã chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động công vụ của lực lượng (như các Đề án, Công điện, Chỉ thị và văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chống buôn lậu, hàng gian lận thương mại trên các tuyến biên giới, vùng biển, cảng hàng không quốc tế và địa bàn nội địa), góp phần bảo vệ và thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước.
“Kết quả đạt được tuy chưa như kỳ vọng, nhưng đây cũng là những nỗ lực đáng ghi nhận”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
|
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Quản lý thị trường |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng ghi nhận, năm qua Tổng cục đã triển khai khá tốt các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần lành mạnh hóa thị trường trong nước. Đặc biệt, duy trì tốt việc giám sát hoạt động của 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cũng theo Bộ trưởng, trong năm qua nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp đã được Tổng cục Quản lý thị trường xử lý khá tốt, từ đó củng cố được niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đối với lực lượng, góp phần lành mạnh hóa thị trường, tạo môi trường bình đẳng trong sản xuất kinh doanh (điển hình như các vụ kiểm tra, thu giữ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu ở Lạng Sơn, Ninh Thuận, Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nội...).
Ngoài ra, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Quản lý thị trường và sự phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… có kết quả tốt hơn.
“Sự phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác đã chuyển biến tích cực, có hiệu quả bước đầu, tuy nhiên cần sự trao đổi chân thành, hợp tác chặt chẽ hơn nữa”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.
Mặt khác, theo Bộ trưởng, công tác kỷ cương hành chính, nề nếp trong toàn lực lượng đã được chấn chỉnh và có chuyển biến khá tích cực. Công tác cán bộ được kiện toàn, tạo được sự đồng thuận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong tổ chức và hoạt động của toàn lực lượng như tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ còn khá phổ biến. Số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng so với năm trước nhưng so với thực tế vi phạm thì còn rất nhỏ, chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra trên thị trường kể cả trên môi trường điện tử và truyền thống. Kiểm tra, kiểm soát địa bàn của các tổ, đội, cơ sở chưa thực sự sâu sát; công tác thanh tra, kiểm tra chưa đi vào tính bản chất; áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức ở nhiều đơn vị chưa tốt; sức ì trong đội ngũ cán bộ, công chức (nhất ở cấp cơ sở) còn lớn; công chức vi phạm quy định của Ngành (thậm chí vi phạm quy định pháp luật) còn nhiều; việc xử lý sai phạm ở một số nơi chưa nghiêm túc. Tình trạng nhũng nhiễu (thậm chí có dấu hiệu bảo kê) của một số cán bộ ở cấp cơ sở trong lực lượng khi thi hành công vụ vẫn còn thể hiện đâu đó…
|
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ngành Công Thương nói riêng được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn (do tổng cầu giảm và chi phí sản xuất gia tăng) sẽ dẫn tới hệ lụy là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn. Kinh tế nước ta ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.
Từ bối cảnh trên, người đứng đầu ngành Công Thương đã đưa ra mục tiêu chung của công tác Quản lý thị trường trong năm 2024. Đó là, tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đồng thời tiếp tục phát hiện, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương và các bộ, ngành chức năng những cơ chế, chính sách nhằm quản lý, vận hành nền kinh tế tốt hơn, hiệu quả hơn.
Hiện thực hóa các mục tiêu trên và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém của lực lượng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lãnh đạo, công chức, người lao động trong toàn lực lượng Quản lý thị trường tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt thật sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ (qua các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Công điện…), cùng với khuyến nghị của các Bộ, ngành liên quan để thực hiện nghiêm, đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, qua thực tiễn quản lý, thực thi công vụ, Tổng cục và các đơn vị trực thuộc cần chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi (nhất là Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục sau 5 năm thực hiện mô hình theo ngành dọc).
Hai là, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Vừa qua, hầu hết địa phương mới quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá và xử phạt, không đủ sức răn đe, chưa đi vào nội dung có tính bản chất” - Bộ trưởng nêu rõ và chỉ đạo lực lượng tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý các sai phạm trong sản xuất kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ, quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh... Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.
Ba là, tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành trong toàn lực lượng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ; kiên quyết xử lý kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là các hiện tượng (hành vi) bảo kê, tham nhũng, tiêu cực. Tổng cục cần quy định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể lãnh đạo và người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra những vi phạm nêu trên (chú ý áp rõ khung xử lý đối với những vi phạm điển hình để đủ sức giáo dục và răn đe).
Bốn là, chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Quản lý thị trường hoạt động hiệu quả. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, rà soát, hoàn thiện các quy chế phối hợp, chương trình hợp tác với Ban Chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với các hoạt động sản xuất kinh doanh bất hợp pháp, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường.
Năm là, từng cấp, từng đơn vị cần chủ động rà soát, xử lý các vấn đề, vụ việc phức tạp, bức xúc, nổi cộm trong đơn vị để xử lý kịp thời, dứt điểm theo đúng nguyên tắc, điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước và phù hợp tình hình.
Chăm lo tốt hơn công tác cán bộ, nhất là các khâu: Giáo dục rèn luyện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm đề bạt, luân chuyển, điều động, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của Ngành. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng.
“Nhiệm vụ trước mắt là cần phải mở đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán ở tất cả các mặt hàng. Trong đó xăng dầu là mặt hàng trọng điểm cần kiểm tra, giám sát. Hoạt động giám sát phải được thực hiện trên toàn bộ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Về những kiến nghị đề xuất của các đơn vị chức năng, Bộ trưởng giao Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Văn phòng Bộ phân loại, tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng.